Pakistan đối mặt khó khăn nghiêm trọng

Pakistan từng phải hứng chịu thảm họa khí hậu lớn nhất trong lịch sử hồi tháng 6/2022-đợt lũ lụt nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống của khoảng 33 triệu người, phá hủy hàng triệu ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, gây thiệt hại ước tính 30 tỷ USD. Nền kinh tế Pakistan giờ lại đang chịu tác động nặng nề, khi đồng rupee giảm mạnh, lạm phát tăng vọt và nguồn cung năng lượng thiếu hụt.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Pakistan xếp hàng chờ mua bánh mỳ giá rẻ tại thành phố Karachi. (Ảnh REUTERS)
Người dân Pakistan xếp hàng chờ mua bánh mỳ giá rẻ tại thành phố Karachi. (Ảnh REUTERS)

Gần một phần ba diện tích của Pakistan đã chìm trong biển nước sau đợt lũ lụt lịch sử hồi năm 2022 và Chính phủ quốc gia Nam Á này ước tính cần hơn 16 tỷ USD trong 3 năm tới để tái thiết đất nước. Tại hội nghị quốc tế diễn ra đầu năm nay ở Geneva (Thụy Sĩ) do Pakistan và Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhằm tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ quá trình phục hồi và kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu trong dài hạn, Pakistan nhận được cam kết hỗ trợ lên tới 8,57 tỷ USD, cao hơn số tiền được kỳ vọng và là nguồn vốn quan trọng nhằm giúp tái thiết đất nước vốn đang chìm sâu vào khủng hoảng.

Nền kinh tế quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán trầm trọng trong bối cảnh đồng rupee giảm giá mạnh đã khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu leo thang. Hơn 30% nhu cầu điện hằng năm được đáp ứng bằng khí tự nhiên nhập khẩu khiến chi phí năng lượng chiếm phần lớn trong tổng hóa đơn nhập khẩu của Pakistan, nhất là khi giá mặt hàng này đã tăng chóng mặt từ đầu năm 2022.

Ðồng thời, dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng nhà nước Pakistan đã giảm còn dưới 5 tỷ USD, trong khi các nghĩa vụ thanh toán hơn 8 tỷ USD đến hạn trong quý I/2023. Theo các nhà phân tích, với mức dự trữ ngoại hối hiện nay, Pakistan chỉ còn đủ để thanh toán cho khoảng một tháng nhập khẩu hàng hóa.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, 9 triệu người Pakistan có thể rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng kéo dài của các đợt lũ lụt. Cùng với đó, theo số liệu của Liên hợp quốc, giá thực phẩm tại Pakistan tăng vọt khiến số người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở quốc gia Nam Á đã tăng gấp hai lần, lên hơn 14 triệu người. Ngày 1/2, Cục Thống kê Pakistan công bố các số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 1 vừa qua tăng 27,55% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với tháng trước. Lạm phát giá thực phẩm trong tháng 1/2023 là 42,94%, trong đó mức lạm phát giá thực phẩm tươi sống đã lên tới 61,63%.

Trước đó, giới chuyên gia cũng cảnh báo, Pakistan còn có thể phải đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung nhiên liệu và tình trạng mất điện diện rộng nghiêm trọng hơn trong tháng 2 do các ngân hàng ngừng chi trả và không thể tạo điều kiện thanh toán cho nhiên liệu nhập khẩu khi dự trữ ngoại tệ quốc gia cạn kiệt.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tạm thời đình chỉ thỏa thuận cho Pakistan vay 7 tỷ USD đạt được năm 2019, với khoảng 50% trong số đó đã được giải ngân, do Islamabad không thực hiện đầy đủ các biện pháp cải cách kinh tế và tài chính, bao gồm yêu cầu cắt giảm trợ cấp và tăng thuế. Cuối tháng 1/2023, Pakistan đã tiến hành vòng đàm phán mới với IMF trong nỗ lực khôi phục chương trình cho vay để được tiếp tục giải ngân khoản hỗ trợ 7 tỷ USD, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong tháng 2 để IMF đưa ra bản đánh giá thứ 9 về quỹ hỗ trợ dài hạn (EFF)-cơ chế hỗ trợ các nước phải đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif (S.Sa-ríp) từng kiên quyết phản đối việc tăng thuế và cắt giảm trợ cấp trong nhiều tháng, đã đồng ý thực hiện các quy định cứng rắn do IMF đề ra nhằm phá vỡ thế bế tắc trước “viễn cảnh” khủng hoảng kinh tế và nguy cơ vỡ nợ cận kề.