Ổn định sản xuất và tiêu thụ hành tím

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích sản xuất hành cả nước đạt khoảng 14 nghìn đến 15 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi; trong đó hành tím trồng chủ yếu tại Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sản xuất hành tím hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Diện tích manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động; khó kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Thu hoạch hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho hành tím, các địa phương cần chuẩn hóa từ khâu giống, vùng trồng để giảm chi phí đầu vào, tạo sự đồng đều về chất lượng hành; mở rộng sản xuất hữu cơ, tiến tới có chứng nhận hữu cơ của các tổ chức được thế giới công nhận.

Nguồn cung dồi dào

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021, phần lớn là xuất sang các thị trường châu Á với hơn 90%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là 17,3 triệu USD, tiếp đó là Ấn Độ, Mỹ, Lào...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Trần Trọng Khiêm cho biết: Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm toàn tỉnh đạt 6.500ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng hơn 90 nghìn tấn. Trong đó, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ (áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học) là 1.148,4ha.

Thị xã Vĩnh Châu với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây hành tím cho nên đã được trồng tập trung từ rất nhiều năm, trở thành một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu hiện có hơn 45 doanh nghiệp, hợp tác xã và thương lái thu mua hành tím tại địa phương. Ngoài ra còn có 4 kho lạnh với sức chứa khoảng 3.000 tấn. Tuy nhiên khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa ổn định, giá cả hành tím còn bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp, thương lái tại địa phương.

Theo ông Thạch Dil, Phó Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã Nông sản hữu cơ SaMaKi, diện tích sản xuất hành tím của hợp tác xã là 12ha, ngoài ra còn liên kết sản xuất với diện tích 10ha, đạt sản lượng 450-500 tấn/năm. Đầu ra sản phẩm hành tím chủ yếu qua các kênh như chợ đầu mối, siêu thị, xuất khẩu đến một số nước châu Á.

Ông Thạch Dil chia sẻ, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, có mã vùng trồng để xuất khẩu đi các nước; đa dạng hóa mẫu mã theo yêu cầu của đối tác; xây dựng kho sơ chế và bảo quản sau thu hoạch để dự trữ nguồn hàng.

Liên kết để tiêu thụ

Mặc dù là nông sản có tiếng nhưng nhiều năm qua hành tím Vĩnh Châu luôn gặp khó khăn ở cả khâu sản xuất và tiêu thụ. Nguyên nhân là do thời vụ bố trí chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lượng hành nhiều vào mùa vụ chính cho nên dễ bị mất giá; nông dân chủ yếu sản xuất riêng lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; thời gian lưu trữ hành không dài trong khi các nhà sản xuất đều thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch khiến hành dễ bị hư hỏng.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất hành tím cũng chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước khiến cho giá biến động liên tục. Cụ thể trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giá hành tím mùa vụ 2022-2023 trước Tết Nguyên đán khoảng 38 nghìn-45 nghìn đồng/kg, sau Tết giá hành bắt đầu giảm, hiện khoảng 15 nghìn-26 nghìn đồng/kg. Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ cho nên các hộ trồng hành khá lo lắng khâu tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Trọng Khiêm cho rằng, để ổn định sản xuất và tiêu thụ hành tím, cần phân vùng sản xuất phù hợp theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tránh tình trạng cung vượt cầu; hình thành vùng nguyên liệu hành tím chất lượng cao. Xây dựng lịch thời vụ trồng hành tím phù hợp cho từng khu vực và khuyến cáo cụ thể cho người dân ngay từ đầu vụ. Nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản, tồn trữ hành tím và gia tăng giá trị từ việc đa dạng các sản phẩm chế biến cho hành tím. Ngoài ra cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Hành tím Huy Khánh cho biết: Công ty đang thu mua hành thương phẩm với mức giá ổn định từ 20 nghìn-32 nghìn đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng, mầu sắc, kích cỡ củ. Tuy nhiên để xuất khẩu ra các thị trường khác thì còn nhiều khó khăn do phải chịu cạnh tranh lớn từ một số nước khác, đồng thời các tiêu chuẩn để xuất khẩu hành cũng rất cao, trong khi quy trình sản xuất của nông dân chưa đáp ứng được.

Vì vậy, cần có sự liên kết giữa các hộ nông dân trực tiếp sản xuất hành tím với doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng thí điểm các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm thuận tiện cho hoạt động xuất khẩu.