Ổn định đời sống người dân trong hành lang thoát lũ

Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sinh sống trên mảnh đất cha ông từ nhiều đời nay, nhưng hàng trăm hộ dân ở phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) và một số nơi khác dọc sông Cầu không được cấp phép xây mới nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ này nằm trong phạm vi không gian thoát lũ, chứa lũ.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm căn nhà của người dân phường Lương Sơn, thành phố Sông Công được xây dựng từ trước khi có quy hoạch không gian thoát lũ, chứa lũ.
Hàng trăm căn nhà của người dân phường Lương Sơn, thành phố Sông Công được xây dựng từ trước khi có quy hoạch không gian thoát lũ, chứa lũ.

Nhiều gia đình đông người, nhà cửa chật hẹp, muốn mở rộng quy mô xây dựng để cải thiện chỗ ở, cuộc sống nhưng không thể thực hiện. Người dân mong muốn cơ quan chức năng và tỉnh Thái Nguyên có giải pháp phù hợp để ổn định, phát triển đời sống.

Nhà cửa xuống cấp

Phường Lương Sơn, có 21 tổ dân phố, trong đó có bảy tổ dân phố với 586 hộ gia đình gần 2.400 nhân khẩu từ nhiều năm qua sinh sống trong phạm vi không gian thoát lũ, chứa lũ khu vực không có đê sông Cầu. Khi còn là xã Lương Sơn và khi chưa nằm trong quy hoạch không gian thoát lũ, chứa lũ sông Cầu, việc sửa chữa, nhất là xây dựng mới nhà cửa của người dân nơi đây diễn ra bình thường.

Nhưng từ năm 2016, xã Lương Sơn trở thành phường và cơ quan chức năng ban hành các quy hoạch không gian thoát lũ, chứa lũ, phương án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thì việc mở rộng quy mô, xây mới nhà cửa là không thể, làm cho cuộc sống của người dân rất chật vật.

Gia đình ông Ngô Xuân Tùng ở tổ dân phố Soi có 10 nhân khẩu, ba thế hệ chung sống trong căn nhà cấp bốn xây dựng đã hơn 40 năm, do chất lượng vật liệu và trình độ xây dựng thấp, nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn mà không được cải tạo, sửa chữa lớn.

Đến nay, hai người con trai của ông đã lập gia đình, sinh con và cùng chung sống trong căn nhà đó, chỗ ở của gia đình càng chật chội, thiếu tiện nghi. Ông Ngô Xuân Tùng cho biết: “Vừa qua tôi chia đất cho hai con trai để ra ở riêng và có đơn xin giấy phép xây dựng nhà. Cơ quan chức năng thành phố Sông Công trả lời là không đủ điều kiện cấp phép xây dựng vì nằm trong quy hoạch không gian thoát lũ, chứa lũ sông Cầu, mà gia đình không có đủ điều kiện để mua đất làm nhà ở chỗ khác”.

Cùng ở tổ dân phố Soi, gia đình bà Đặng Thị Định, sinh năm 1943, có 11 người con. Các con gái đi lấy chồng, gia đình bà Định đã làm thủ tục chia tách hộ, chia đất cho năm con trai để ra ở riêng. Vì nằm trong hành lang thoát lũ, cho nên các con bà đành phải dựng nhà tạm để sinh sống và cũng chưa biết đến khi nào sẽ được xây nhà để ổn định cuộc sống lâu dài.

Theo bà Định, trước đây là xóm, nay là tổ dân phố Soi và sáu tổ dân phố khác, có nhiều hộ dân sinh sống hơn 60 năm ở đây chưa bao giờ nước dâng lên đến nhà. Thời gian vừa qua, thu nhập người dân được cải thiện, con cái trưởng thành, lập gia đình, nhu cầu xây dựng nhà ở là rất cấp thiết, chính đáng, nhưng không được xây dựng nhà cửa, cho nên người dân trong khu vực bức xúc.

Báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố Sông Công cho biết, địa bàn phường Lương Sơn tiếp giáp sông Cầu dài khoảng 5 km với tổng diện tích hơn 280 ha với 586 hộ dân nằm trong hành lang thoát lũ, mật độ cư dân sinh sống tương đối cao, diện tích đất ở của người dân đã được cấp “sổ đỏ” từ 200m2 đến 900m2.

Các hộ dân sinh sống trong khu vực không gian thoát lũ, chứa lũ sông Cầu đang có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà cửa rất lớn do nhà cũ xuống cấp, tách đất, tách hộ, nhưng không thể thực hiện được vì vướng quy hoạch, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền chưa rõ.

Cần giải pháp phù hợp

Thời gian vừa qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bảy tổ dân phố thuộc phường Lương Sơn đều kiến nghị cấp thẩm quyền có giải pháp để được sửa chữa lớn, mở rộng, xây mới nhà ở để ổn định cuộc sống lâu dài, vì đây là vấn đề thiết thực đối với đời sống người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sông Công Vũ Duy Nghĩa cho biết: “Thời gian vừa qua, thành phố triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội để cải thiện đời sống người dân trong vùng quy hoạch không gian thoát lũ, chứa lũ sông Cầu trên địa bàn phường Lương Sơn. Các cơ quan chức năng của thành phố đã khảo sát kỹ thực tiễn, thấy rằng việc mở rộng quy mô nhà cửa, tách thửa, tách hộ xây mới nhà ở là vấn đề dân sinh cấp thiết, cho nên đã tổ chức nhiều cuộc họp, mời cơ quan chức năng về làm việc, gửi văn bản lên tỉnh đề nghị xem xét có giải pháp phù hợp để người dân sống chung với lũ, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ vấn đề này”.

Văn bản số 262/BC-UBND, ngày 12/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nêu rõ: Trong phạm vi không gian thoát lũ, chứa lũ khu vực không có đê phường Lương Sơn, cơ bản giữ nguyên công trình, nhà ở hiện có, thực hiện sống chung với lũ; các hoạt động kinh tế- xã hội, xây dựng công trình phải bảo đảm an toàn và không làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, chứa lũ.

Đối với không gian thoát lũ, chứa lũ sông Cầu trên địa bàn phường Lương Sơn, việc xây dựng đê là không thể; đồng thời người dân trong khu vực này đã sinh sống lâu đời, hình thành nếp sống văn hóa bản địa, việc di dời đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn để tái định cư là không thể. Bên cạnh đó, người dân cũng không có khả năng mua đất, làm nhà ra ngoài quy hoạch hành lang thoát lũ, chứa lũ để ổn định cuộc sống lâu dài. Vì thế, việc mở rộng và xây dựng nhà ở ổn định đời sống người dân tại chỗ là nhu cầu thiết yếu và sống chung với lũ là cần thiết.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần có hướng dẫn cụ thể để người dân có căn cứ mở rộng, sửa chữa cấp bách đối với những căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn; đồng thời có quy cách, thiết kế hoặc hướng dẫn xây dựng mới nhà ở để vừa không ảnh hưởng không gian thoát lũ, chứa lũ mà vẫn bảo đảm an toàn, lâu dài trong quá trình sống chung với lũ.