Bạn bè, người thân lâu ngày không gặp gửi cho nhau một lá thư tay thăm hỏi, báo tin... tình cảm biết bao. Cần tranh luận, góp ý với nhau về một nội dung công việc nào đó mà các hình thức thông tin khác không thuận lợi thì viết cho nhau một lá thư tay. Những lá thư tay như thế có điều gì đáng nói.
Nhưng cuộc sống rất phức tạp. Có những lá “thư tay” đang làm vẩn đục các quan hệ xã hội, đang phá vỡ kỷ cương và sự công bằng. Loại “thư tay” ấy đứng ngoài chế độ chính sách, đứng trên pháp luật.
Hội đồng chấm thi đang làm việc, có thí sinh không đủ điểm, Ban tuyển sinh nhận được một lá “thư tay”, vậy là hội đồng phải tìm cách lấy ra một bài chấm lại.
Đưa người nhà vào bệnh viện không đúng tuyến đúng nơi. Có một lá “thư tay”, vậy là chắc ăn rồi.
Con ăn cắp tài sản nhà nước bị bắt quả tang, có nguy cơ phải đưa ra truy tố. Chạy được một lá “thư tay”, rất có thể tới cửa sau để đón con về.
Gia đình xây dựng nhà trái phép, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục xử lý hành chính, hẹn ngày tháo dỡ. Có một lá “thư tay” là lại được xây tiếp, nhiều khi lại đàng hoàng hơn lúc vi phạm lần đầu.
Một vụ án đang điều tra, tưởng sắp đến ngày được đưa ra ánh sáng. Ban chuyên án nhận được một lá “thư tay”, vậy là khựng lại, đôi khi mục tiêu điều tra bỗng quay ngoắt một trăm tám mươi độ.
Nguy hại thay những lá “thư tay” như thế.
Tác giả những lá “thư tay” đó là ai? Thường là những người lạm dụng chức quyền. Có những trường hợp do dễ dãi, nể nang mà họ viết “thư tay”. Lại có những trường hợp do “đền ơn trả nợ” mà họ phải viết. Và cũng không ít trường hợp tác giả những lá “thư tay” có tính toán theo quy luật “có đi có lại” mà viết “thư tay”. Dù sao, đó cũng là một loại đặc quyền.
Còn những người được nói đến trong “thư tay” là ai? Họ là những người nhà thân quen, người mang ơn, người chủ nợ đối với những người viết “thư tay”.
Nội dung tất cả các loại “thư tay” này thường là phản ánh lối quan hệ bất hợp lý giữa quyền lợi và nghĩa vụ của những người được nói đến trong “thư tay”. Họ không muốn làm những điều lẽ ra họ phải làm, họ muốn hưởng những điều đáng ra họ không được hưởng. Đó cũng là một thứ đặc lợi.
Còn những người nhận và giải quyết “thư tay” thì sao? Không phải không có những người trung thực cảm thấy bất lực và bực bội khi phải thực hiện những yêu cầu không đúng ấy. Nhưng cũng không ít người lại cảm thấy vui mừng và hãnh diện vì họ được đề cao, họ có quyền và đương nhiên họ cũng có lợi trong việc giải quyết tốt các “thư tay”.
Lời lẽ trong những lá “thư tay” loại này thường là nhẹ nhàng, tình cảm gợi ý... Nhưng những người nhận và giải quyết nó, qua kinh nghiệm cuộc sống phải “hiểu ngầm” rằng đó là “mệnh lệnh” - thứ mệnh lệnh tối thượng. Thiết nghĩ, đã thực hiện tốt cuộc vận động lớn của Đảng thì việc giảm bớt đi đến chấm dứt những loại “thư tay” như thế cũng là một việc “cần làm ngay” như tác giả N.V.L. và quần chúng nhân dân mong đợi.
TRỊNH PHÚ HẢI
------------
Báo Nhân Dân, số 12396, ngày 20/6/1988.