Trải qua hàng chục năm sản xuất, các cơ sở đã thải ra khoảng hơn 300 nghìn tấn bã xỉ thải và rất nhiều khí thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hậu quả là đời sống, sức khỏe của rất nhiều người dân trong xã bị ảnh hưởng, số người bị các bệnh về đường hô hấp, ung thư ngày càng gia tăng…
Hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân xã Văn Môn luôn phải sống trong cảnh khói bụi, ô nhiễm môi trường do làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá gây ra. Bức xúc về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, ở xã Văn Môn cho biết: “Ngày nắng cũng như mưa, các ống khói tại những lò cô đúc nhôm bốc lên nghi ngút, tỏa ra khắp nơi như những màn sương lờ mờ. Nhà quét, lau dọn mỗi ngày vài lần mà bụi vẫn bám đầy. Khổ nhất là những hôm thời tiết thay đổi, mùi khói thải ra từ các lò đúc khiến mọi người ho khan, khó thở. Thanh niên khỏe mạnh còn đỡ chứ người cao tuổi và các cháu nhỏ không thể chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, tỉnh và cả Trung ương nhưng tình trạng ô nhiễm không giảm.
Qua tìm hiểu xã Văn Môn có năm thôn gồm Quan Đình, Quan Độ, Mẫn Xá, Phù Xá và Tiền Thôn với khoảng hơn 3.300 hộ, trong đó có hơn 1.000 hộ làm nghề buôn bán phế liệu, tái chế nhôm,… Riêng tại thôn Mẫn Xá có khoảng 450 cơ sở cô đúc nhôm, 100 cơ sở kinh doanh phế liệu. Trải qua vài chục năm sản xuất nhôm, lượng bã, xỉ thải ra môi trường đã lên đến hơn 300 nghìn tấn. Đây là những chất thải nguy hại, đồng thời khói từ các lò đúc nhôm thủ công xả ra cũng khiến không khí trong xã luôn trong tình trạng ngột ngạt, khó chịu. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất đúc nhôm chủ yếu là phế liệu, phế thải; không có các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường cho thấy các chỉ tiêu phân tích như tiếng ồn, bụi, SO2, NO2 đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,8 lần. Các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần. Hiện toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh hiện không được các cơ sở sản xuất thu gom, đổ bừa bãi ra môi trường, nhất là tại các khu vực ao, hồ, rãnh thoát nước...
Để xử lý ô nhiễm và từng bước cải thiện môi trường làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá, theo đồng chí Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Sở đã kiến nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Phong chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và UBND xã Văn Môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; thành lập các tổ, đội làm công tác vệ sinh môi trường, thu gom chất thải rắn về nơi tập kết và phát động phong trào giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và cụm công nghiệp; có kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề; đồng thời, sớm chuyển đổi ngành nghề; mở cửa các điểm đổ thải để người dân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất tạm thời đổ xỉ thải; yêu cầu lực lượng Công an xã thực hiện giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; sớm lắp đặt hệ thống camera giám sát các tuyến đường chính ra vào các khu vực làng nghề và khu vực bãi thải. Các cơ sở tái chế kim loại trong làng nghề Mẫn Xá phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải bảo đảm quy định mới được phép hoạt động. Khuyến khích các cơ sở sử dụng nhiên liệu ít ô nhiễm như dầu DO, khí gas và sản xuất với khối lượng nhất định tránh tiếp tục gây áp lực lên môi trường.
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính năm chủ cơ sở đúc nhôm tại thôn Mẫn Xá với số tiền 175 triệu đồng mỗi cơ sở, đình chỉ hoạt động chín tháng do thực hiện hành vi cô đúc nhôm nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cưỡng chế 140 hộ lấn chiếm đất đai, trong đó hầu hết là các cơ sở đúc nhôm gây ô nhiễm môi trường.
THÁI SƠN, HIẾU PHAN
“Nếu cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường… thì căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tùy theo mức độ, tính chất, hành vi vi phạm để áp dụng các hình thức xử phạt tiền cho phù hợp. Hình thức xử phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động của cơ sở có thời hạn cụ thể và có biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường của chủ cơ sở đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo các điều 235, 236, 237 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017) để xử phạt tiền hoặc phạt tù.
Luật sư NGUYỄN XUÂN SANG, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa xây dựng được định mức, đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn cho nên chưa tiến hành được các bước tiếp theo. Tuy nhiên ngay sau khi có đơn giá, UBND huyện sẽ trình Sở Tài chính tỉnh thẩm định, định mức rồi trình UBND tỉnh phê duyệt; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp xã Văn Môn và đơn vị tư vấn xây dựng quy chế quản lý và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề Mẫn Xá; xã hội hóa việc đầu tư xây dựng khu xử lý sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý triệt để xỉ thải; tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã có đất thu hồi để thực hiện dự án…
NGUYỄN DUY PHÚC
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong