Hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Việc ngăn dòng sông Đà để xây dựng công trình thế kỷ - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã hình thành hồ chứa nước ngọt khổng lồ với diện tích mặt nước hơn 8.890 ha, dung tích hơn chín tỷ mét khối nước. Hồ có hệ sinh vật thủy sản rất đa dạng, phong phú với 123 loài thuộc 79 giống, 19 họ, trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học.
Với hồ thủy điện rộng lớn, Hòa Bình là một trong năm tỉnh có tiềm năng lớn nhất cả nước về phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa. Thực tế, hàng chục năm qua, nghề nuôi thủy sản trên hồ Hòa Bình phát triển mạnh, mang lại thu nhập cho khoảng hai nghìn hộ dân. Sản phẩm cá sông Đà đã trở thành thương hiệu riêng, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Mạnh là người con đất Mường ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình kể lại: “Tôi đã từng được chứng kiến cha, ông bắt được những con cá nặng vài chục ki-lô-gam từ dòng sông Đà, đó là những con cá trắm đen, cá chiên gồ ghề như khúc gỗ và những con cá chép, cá măng, rô phi kích thước khủng. Cuối tháng 10/2023, ông Mạnh và nhiều người dân được tận mắt thấy con cá trắm đen và cá lăng đuôi đỏ có trọng lượng 30 kg và hơn 20 kg. Hai con cá này được hai doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lâu năm trên hồ Thủy điện Hòa Bình đem đến đấu giá tại chương trình khai mạc Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất.
Kết thúc phiên đấu giá, con cá trắm đen nặng 30 kg của Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng HB được doanh nghiệp tại Hà Nội mua với giá 65 triệu đồng. Còn cá lăng đuôi đỏ nặng 20 kg của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh được bán với giá 50 triệu đồng. “Những con cá trắm đen khoảng 10 kg hay cá rô, chép, lăng được nuôi trên hồ Hòa Bình hằng ngày bán nhiều ở ngoài chợ. Nhưng với con cá lăng đuôi đỏ nặng đến 20 kg, cá trắm đen nặng 30 kg như thế này thì là những con cá to nhất mà tôi tận mắt chứng kiến”, ông Mạnh chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chức, ở xóm Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình là một trong khoảng 2.000 hộ dân gắn bó với nghề nuôi cá lồng hàng chục năm nay trên hồ Hòa Bình. Hiện nay, gia đình ông nuôi 16 lồng cá, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng bốn tấn cá. Ông Chức chia sẻ, hàng chục năm gắn bó với hồ Hòa Bình, ông nhiều lần “chạm mặt” những con cá có kích thước khủng ở ngoài tự nhiên.
Bản thân ông Chức từng sở hữu những con cá có kích thước rất lớn là con cá trắm đen nuôi hơn ba năm với cân nặng 12 kg hay con cá lăng nặng 8 kg. Ngoài ra còn cá rô phi, cá chép được ông so sánh có chiều ngang bằng lá chuối rừng. “Đối với cá trắm đen, sau hai năm nuôi mới xuất bán với cân nặng từ 7-8 kg; cá lăng cũng vậy, cùng thời gian nuôi nhưng cân nặng chỉ đạt từ 2-3 kg. Gia đình tôi và các hộ nuôi, hầu hết đều nuôi bằng cỏ, ngô, sắn vì nếu nuôi bằng cám thì chi phí rất cao, tính ra thua lỗ”, ông Chức cho biết.
Với nghề nuôi cá lồng phát triển ổn định, hằng năm, Hòa Bình cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hoàng Văn Son hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với 4.987 lồng nuôi cá, sản lượng 9.750 tấn. Hơn hai năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng phát triển khá ổn định với đầu ra thuận lợi.
Sau Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất được tổ chức, việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà ngày càng thuận lợi. Với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Cá sông Đà-Hòa Bình” và “Tôm sông Đà-Hòa Bình” đã tạo điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất tôm cá sạch, chất lượng cao, Hòa Bình còn chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch. Đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, được ngắm nhìn phong cảnh núi sông kỳ vĩ, ghé thăm các điểm du lịch tâm linh, các bản du lịch cộng đồng, rồi thăm nghề nuôi cá lồng hàng chục năm với những con cá khủng, là trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với hồ Hòa Bình.