Nước xa không cứu được lửa gần

Trước mối đe dọa ngày càng nguy cấp từ Bô-cô Ha-ram, nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoành hành dữ dội ở Tây Phi, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) mới đây đã tập trung bàn thảo việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh của khu vực. Lục địa Ðen đang chứng tỏ muốn "có giải pháp châu Phi cho các vấn đề của châu lục", tránh phụ thuộc bên ngoài.

Bô-Cô Ha-ram trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với Ni-giê-ri-a, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Với tham vọng thành lập một nhà nước Hồi giáo tại khu vực đông-bắc rộng lớn ở Ni-giê-ri-a, tổ chức cực đoan này đã liên tiếp thực hiện các vụ tiến công đẫm máu, bắt cóc, tống tiền, gây hoang mang trong người dân. Bô-cô Ha-ram còn sử dụng in-tơ-nét để phô trương vũ khí và sức mạnh nhằm thách thức các quốc gia châu Phi. Sự trỗi dậy của lực lượng này vượt ngoài tầm kiểm soát của quân đội Ni-giê-ri-a, ảnh hưởng trực tiếp đến các nước láng giềng trong khu vực. Trong sáu tháng qua, Bô-cô Ha-ram đã chiếm hàng chục thị trấn, làng mạc ở Ni-giê-ri-a và hiện đang kiểm soát biên giới bang Bo-nô giáp Ni-giê, Sát và Ca-mơ-run. Bô-cô Ha-ram còn tuyển mộ các chiến binh qua biên giới để đánh sang các nước khác. Theo giới phân tích, lực lượng này đang tìm cách thiết lập lại một nhà nước Hồi giáo từ thế kỷ 19 trải dài trên nhiều phần đất thuộc lãnh thổ của bốn nước nói trên. Bạo lực do Bô-cô Ha-ram gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn 13 nghìn người, hàng triệu người mất nhà ở.

Là nền kinh tế số một châu Phi, với ngân sách hằng năm dành cho quân sự khoảng năm, sáu tỷ USD, nhưng Ni-giê-ri-a chưa đủ tiềm lực để đối phó lực lượng phiến quân vốn quá mạnh và hung hãn. Mặc dù tuyên bố không muốn có sự trợ giúp quân sự của LHQ và AU, song thực tế quân đội Ni-giê-ri-a gần như mất kiểm soát ở nhiều khu vực. Nhóm phiến quân này hiện vẫn giam giữ hơn 200 nữ sinh Chi-bốc bị bắt cóc hồi tháng 4-2014.

Quan ngại tình hình an ninh nghiêm trọng tại Ni-giê-ri-a, Mỹ cam kết hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và cung cấp trang thiết bị giúp quân đội quốc gia châu Phi này chống Bô-cô Ha-ram. Tuy nhiên, giữa hai bên còn nhiều khúc mắc khi Mỹ từ chối bán vũ khí cho Ni-giê-ri-a. Chính phủ nước này chống lại việc xây dựng một mạng lưới lớn các liên minh, căn cứ và tiền đồn quân sự của Mỹ trong bối cảnh Oa-sinh-tơn luôn tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự ở lục địa Ðen. Quân đội Mỹ đã chi hàng tỷ USD và tập trung phát triển nhiều sân bay, nhằm cho phép Lầu năm góc triển khai máy bay do thám vũ trang, máy bay ném bom có người lái, máy bay không người lái và các đơn vị đặc nhiệm nhỏ ở châu Phi.

Không chờ đợi sự trợ giúp từ các cường quốc, các nhà lãnh đạo AU kêu gọi triển khai 7.500 binh sĩ với sự góp quân của năm quốc gia Ca-mơ-run, Sát, Ni-giê, Ni-giê-ri-a, Bê-nanh chống làn sóng nổi dậy của Bô-cô Ha-ram. AU nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện cho việc huy động sự hỗ trợ cần thiết từ quốc tế, bao gồm một nghị quyết LHQ cho phép thành lập "Lực lượng đặc nhiệm chung đa phương" (MNJTF) chống nhóm phiến quân này. Nước láng giềng Sát đã triển khai xe tăng, xe thiết giáp và xe bán tải chở binh sĩ đến biên giới Ca-mơ-run để bắt đầu các hoạt động chống Bô-cô Ha-ram.

Ðối với phương Tây, cuộc chiến chống IS đang diễn ra hết sức nóng bỏng thì ở châu Phi, cuộc chiến chống Bô-cô Ha-ram cũng vô cùng khốc liệt bởi danh sách số người thương vong do Bô-cô Ha-ram gây ra hằng ngày tăng lên với tốc độ đáng lo ngại. Những vụ giết chóc dã man và bắt cóc gây rúng động thế giới của Bô-cô Ha-ram đang đe dọa an ninh toàn khu vực. Với việc hình thành một lực lượng riêng của khu vực, các nước châu Phi đang mở mặt trận quốc tế mới trong cuộc chiến chống khủng bố. Ðây cũng là nỗ lực tự cứu mình, bởi hơn ai hết, châu lục Ðen hiểu rõ cái giá phải trả khi viện tới sự trợ giúp từ bên ngoài. Họ nhận thức rõ ràng rằng, "nước xa không cứu được lửa gần" và chưa kể đằng sau các chương trình trợ giúp là sự can thiệp nhằm giành ảnh hưởng ở khu vực giàu tài nguyên.

Có thể bạn quan tâm