“Nước sôi lửa bỏng”

Hàn Quốc đang trong giai đoạn đối mặt nhiều khó khăn cả ở trong và ngoài nước. Ở trong nước, vụ "bê bối Choi Xun Xin" tiếp tục rúng động chính trường, gây chia rẽ xã hội sâu sắc. Trong khi đó, các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và những tranh cãi với Trung Quốc về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc khiến chính quyền Xơ-un đau đầu.

Vụ “bê bối Choi Xun Xin” rúng động chính trường Hàn Quốc từ nhiều tháng nay hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 6-3, Văn phòng công tố đặc biệt của Hàn Quốc kết thúc cuộc điều tra kéo dài bốn tháng qua và xác định, Tổng thống bị đình chỉ chức vụ Pắc Cưn Hê đã cấu kết với bạn thân Choi Xun Xin để nhận hối lộ từ Tập đoàn Samsung, giúp Phó Chủ tịch Samsung Li Chê Y-ông củng cố quyền kiểm soát tập đoàn này. Như vậy, tương lai chính trị của bà Pắc Cưn Hê từ nay sẽ phụ thuộc phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Trong phiên xử sắp tới, nếu Tòa án Hiến pháp chấp thuận đề xuất luận tội và đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Pắc Cưn Hê của Quốc hội nước này, thì Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày sau đó. Nếu ngược lại, bà Pắc Cưn Hê sẽ trở lại làm việc đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2-2018.

Chính trường Hàn Quốc chao đảo hồi tháng 12-2016, khi bà Pắc Cưn Hê bị Quốc hội ra kiến nghị luận tội và đình chỉ chức vụ tổng thống với cáo buộc để bạn thân Choi Xun Xin can thiệp công việc của nhà nước và đồng lõa với bà này gây sức ép để các công ty lớn của Hàn Quốc đóng góp quỹ do bà Choi Xun Xin đứng tên và trục lợi cá nhân lên đến hàng chục triệu USD. Sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc và sự rạn nứt trong đảng cầm quyền sau khi vụ bê bối này vỡ lở, khiến dư luận Hàn Quốc không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện “sự đổi ngôi” trên chính trường Hàn Quốc. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Hàn Quốc mới đây cho thấy, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đồng hành đối lập Mun Chê In vẫn tiếp tục nhận được tỷ lệ ủng hộ nhiều nhất của cử tri trong chín tuần qua, vượt 20% số phiếu ủng hộ so với người đứng ở vị trí thứ hai là Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hoang Kiêu An.

Trong khi đó, tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt do các vụ thử tên lửa của Triều Tiên mà Bình Nhưỡng nói là nhằm đáp trả cuộc tập trận chung lớn hằng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài từ ngày 1-3 đến cuối tháng 4 tới. Cuộc tập trận Đại bàng non lần này có quy mô tương tự năm 2016, trong đó có 17 nghìn binh sĩ Mỹ và 300 nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng nhiều khí tài chiến lược hiện đại của Mỹ tham gia.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hoang Kiêu An tuyên bố sẽ nhanh chóng hoàn thành triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc; lệnh cho quân đội Hàn Quốc duy trì cảnh giác ở mức cao nhất trong khuôn khổ quan hệ đồng minh Hàn Quốc – Mỹ để đối phó “các hành động khiêu khích từ Triều Tiên”.

THAAD có tầm hoạt động lên đến 200 km và được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung bình ở giai đoạn cuối trước khi những tên lửa này tiếp cận mục tiêu. Bên cạnh năng lực đánh chặn, hệ thống này cũng bao gồm những cụm ra-đa cực mạnh. Trong khi Xơ-un và Oa-sinh-tơn giải thích mục đích của việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc là nhằm đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga nhiều lần tuyên bố, việc bố trí THAAD tại Hàn Quốc không chỉ đe dọa lợi ích an ninh đối với hai nước này, hủy hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược trong khu vực, mà còn đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên vào thế bế tắc.

Sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga đối với việc triển khai THAAD tại bán đảo Triều Tiên gây bất lợi cho quan hệ giữa Hàn Quốc với hai nước này. Trong đó, lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc với Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị tổn thương nặng nề, vì đây là hai đối tác thương mại lớn của nhau và Bắc Kinh tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng. Thậm chí, giới quan sát cho rằng, các lĩnh vực chính trị và ngoại giao giữa Xơ-un với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va cũng sẽ bị tổn hại đáng kể.

Hàn Quốc đang rơi vào tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”, một giai đoạn khó khăn nhất mà Chính quyền Xơ-un phải đối mặt trong vài năm trở lại đây. Trong bối cảnh hiện nay, dư luận khu vực và quốc tế kêu gọi các bên liên quan hết sức bình tĩnh và kiềm chế, nối lại đối thoại tin cậy nhằm sớm đưa tình hình Hàn Quốc nói riêng và bán đảo Triều Tiên nói chung trở lại ổn định, duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm