Núi Bà Đen, điểm đến ấn tượng

Hằng năm, danh thắng núi Bà Đen đón tiếp hàng triệu du khách đến hành hương, nhất là vào dịp Hội xuân núi Bà và lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu. Đặc biệt, điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc khuôn viên chùa Linh Sơn Tiên Thạch cũng được du khách xem là một ngôi chùa và thường gọi với cái tên "chùa Bà".
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo du khách đến tham quan núi Bà Đen trong dịp đầu xuân. (Ảnh MINH ANH)
Đông đảo du khách đến tham quan núi Bà Đen trong dịp đầu xuân. (Ảnh MINH ANH)

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phí Thành Phát cho biết: Quần thể danh thắng núi Bà Đen, có diện tích khoảng 24 km2, gồm ba ngọn núi tạo thành là núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Chùa Linh Sơn Tiên Thạch, ngôi chùa trên đỉnh núi Bà Đen, là nơi phát tích nên tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Sự tích về Linh Sơn Thánh Mẫu qua truyền thuyết Lý Thị Thiên Hương đến nay vẫn còn được nhắc đến... Hiện nay, du khách đến viếng chùa Linh Sơn Tiên Thạch thường đi về trong ngày. Những đoàn đi xa hoặc ở lại trong những dịp lễ hội tại núi Bà Đen thường nghỉ, ngủ lại ở nhà khách và dùng cơm ở nhà trù do chùa chuẩn bị. Vào các dịp hội xuân, lễ Phật đản, vía Linh Sơn Thánh Mẫu, húy kỵ tổ sư, lễ Vu lan... bếp chùa luôn đỏ lửa nấu rất nhiều phần ăn chay để thết đãi khách thập phương về viếng. Bên cạnh tổ chức các khóa lễ dân gian cũng như Phật giáo, nơi đây còn tổ chức hội diễn các loại hình diễn xướng dân gian như múa bóng rỗi, đờn ca tài tử, múa trống Chhay-dăm... đã góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách hương sắc Tây Ninh tươi đẹp.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, năm 2023, Tây Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch khi đón hơn 5,1 triệu lượt khách (tăng 13,2% so với cùng kỳ, tăng 2% so với kế hoạch). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022, tăng 11% so với kế hoạch. Doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 23.022 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 12.990 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 336,75 tỷ đồng, tăng 30,83%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 16,35 tỷ đồng, tăng 118,63% so với năm 2022.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng: Du lịch Tây Ninh trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, có sự bùng nổ, là một trong những điểm sáng của tỉnh. Để đạt được kết quả nêu trên, tỉnh đặc biệt quan tâm, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược thật sự có tâm huyết với du lịch và có năng lực, kinh nghiệm, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch núi Bà Đen. Bên cạnh đó, các ngành hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các dự án của tỉnh; trong đó, có du lịch. Tỉnh cũng quan tâm phát triển đồng bộ các yếu tố, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại hơn; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quê hương và con người Tây Ninh. Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Phương hướng phát triển là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, coi trọng tính chất sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen theo Quyết định 1099/QĐ-TTg ngày 5/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.

Trong năm 2024, Tây Ninh sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh, đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới. Trong đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy liên kết các vùng trọng điểm phát triển du lịch, các tỉnh, thành phố trọng điểm trong khu vực.

Đặc biệt là áp dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch nhằm tăng tiện ích cho du khách. Nâng cao quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước làm công tác quản lý về du lịch và liên quan đến du lịch có đầy đủ kiến thức, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch và các ngoại ngữ cần thiết; đồng thời, tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch.

"Tây Ninh từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân từ 25%/năm trở lên; giải quyết được khoảng 21.000 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch; doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết.