Nữ cán bộ công đoàn xung phong vào tâm dịch Bắc Giang

NDO -

Thân Mai Liên, sinh năm 1989, nữ cán bộ Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) Bắc Giang xin phép bố mẹ chồng, để hai con nhỏ ở nhà với bố và ông bà chăm sóc; rồi gọi điện trực tiếp báo cáo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, quyết tâm xin vào điểm nóng.

Thân Mai Liên và đồng nghiệp tại một điểm nhận cứu trợ trước khu nhà trọ CNLĐ.
Thân Mai Liên và đồng nghiệp tại một điểm nhận cứu trợ trước khu nhà trọ CNLĐ.

Dù đã được lãnh đạo khu công nghiệp cũng như lãnh đạo liên đoàn tỉnh cho biết cô không cần phải làm việc này, hãy suy nghĩ thật kỹ càng trước khi quyết định. Nhưng chỉ sau nửa ngày giành thời gian sắp xếp công việc ở nhà, Liên có mặt tại cơ quan, đóng tại KCN Vân Trung (Việt Yên), nơi có các đồng nghiệp nam cần trợ giúp và 67 nghìn đoàn viên, người lao động (NLĐ) của mình cần hỗ trợ.

Sự thôi thúc từ trái tim

Đã chín ngày trôi qua kể từ hôm Liên xách ba lô vào điểm nóng mà không biết có ngày nào sẽ được trở về với hai con thơ, với gia đình khi tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đối với Liên và sáu cán bộ công đoàn khác đang ngày đêm trực chiến trong tâm dịch, trong đó có năm cán bộ công đoàn KCN, hai cán bộ tăng cường của LĐLĐ tỉnh, 24 giờ một ngày chưa bao giờ là đủ. Với 67 nghìn đoàn viên, NLĐ đang cách ly, vị chi mỗi cán bộ công đoàn phụ trách, chăm lo cho gần 10 nghìn đoàn viên.

Hai trong rất nhiều lý do Liên quyết định đi vào tâm dịch. Thứ nhất, khi huyện Việt Yên được lệnh phong tỏa, Công đoàn KCN khi ấy được LĐLĐ tỉnh quyết định phân công Chủ tịch và Phó Chủ tịch công đoàn KCN trực chiến, còn lại được làm việc online tại nhà. Nhưng vì hằng ngày Liên theo sõi sổ sách, nắm bắt số liệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số F0 báo cáo lên LĐLĐ tỉnh. Khi được biết, hai cán bộ công đoàn tỉnh được điều động về KCN có một cán bộ nữ, Liên nghĩ, tại sao chị ấy cũng là cán bộ nữ, còn về giúp công đoàn KCN, trong khi mình là cán bộ tại chỗ, lại có thể yên tâm ở nhà làm việc online. Do đó, Liên càng quyết tâm xin các cấp lãnh đạo cho mình quay lại cơ quan. 

Với nhân lực ít ỏi, trong những ngày qua, Liên và đồng nghiệp đã dùng phương tiện cá nhân, phân loại, đóng gói, bốc vác, vận chuyển được 10,5 tấn gạo; bảy tấn củ quả, sáu nghìn quả trứng, 200 kg cá khô; 600 thùng mì tôm tới các khu nhà trọ. Ngoài ra, Liên cùng các cán bộ công đoàn khác còn đến khu cách ly của KCN tặng nước lọc, nước muối và sữa cho CNLĐ đang cách ly tập trung.

Những câu chuyện từ khu cách ly

"Chị ơi, mẹ em ốm, con em gửi bà, hai vợ chồng về đây làm, giờ cách ly không về được, lương tích cóp tháng nào gửi tháng ấy. Giờ buồn chị ạ…; Chị ơi, em mới đi làm chưa kịp nhận lương...; Chị ơi, em là công nhân thời vụ..; Chị ơi công ty ít việc em phải nghỉ gần một tháng rồi. Công ty có chi trả hơn nửa lương tối thiếu, giờ lại cách ly, lỡ em bị covid thì làm thế nào bây giờ..."

Đó là những tin nhắn, những trao đổi mà Liên có thể tranh thủ đọc, trả lời đoàn viên, NLĐ của mình. Lắng nghe, an ủi, động viên những người đang lo sợ, hoảng loạn, cán bộ công đoàn càng phải bình tĩnh. Đối với Thân Mai Liên, chín năm qua, kể từ ngày trở thành cán bộ công đoàn, chưa bao giờ, Liên thấm thía cụm từ: ở đâu CNLĐ cần, ở đó có cán bộ công đoàn như chín ngày qua.

Chuyện của nữ cán bộ công đoàn trong tâm dịch Bắc Giang -0
 Thân Mai Liên cùng đồng nghiệp tại nơi tập kết hàng hóa cứu trợ.

"Có lẽ với mỗi người bình thường, đó chỉ là những mẩu chuyện nho nhỏ, nhưng đối với mỗi cán bộ công đoàn như Liên, đằng sau đó là nỗi buồn, là tâm tư của những bạn công nhân xa nhà, hiện đang phải cách ly, con đường trở về với gia đình, với quê hương ngày càng xa. Buồn và thương, nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc làm hết sức mình có thể, mong muốn góp một chút gì đó cùng với nỗ lực của các cấp công đoàn và chính quyền, các ban ngành đoàn thể của tỉnh Bắc Giang trong những ngày nước sôi lửa bỏng", Liên ngậm ngùi nói.

24-5 là một ngày dài nhất trong những ngày ở trong khu vực cách ly. Hôm đó, cô cùng đồng nghiệp chở lương thực, thực phẩm đi tới các khu trọ đến 2 giờ 30 phút chiều mới được ăn cơm trưa. Tối muộn trở về cơ quan, 20 giờ 30 phút vừa cầm bát cơm lên thì điện thoại rung. Tiếng một công nhân nữ trẻ ngại ngần: "Chị ơi, chị có phải bên cứu trợ không? Liên hỏi han em ở đâu, em cần gì?" Bạn nữ công nhân nói: "Đã ba ngày nay em không đi ra ngoài cây ATM để rút tiền, không mua được gì, không có chút rau xanh nào để ăn, chị có thể cho em một ít rau xanh được không?".

Bất chợt nhìn xuống mâm cơm trước mặt là đĩa rau xanh chưa kịp ăn. Liên nghĩ, mình ăn đĩa rau kia sao đành khi đoàn viên của mình thèm một miếng rau. Buông vội bát cơm, cô mượn xe máy đem theo bó rau, mấy quả trứng đưa đến khu nhà trọ cho nữ công nhân, rồi quay về ăn vội bát cơm lạnh ngắt. Đến 21 giờ 30 phút, điện thoại lại rung lần nữa. Bên kia đầu dây, tiếng hai bạn công nhân nữ: "Chị ơi, chị có thể tới rìa làng, gửi cho bọn em chút gạo được không? Từ chiều hôm qua, bọn em đã phải đi quanh làng tìm rau dại để ăn rồi".

Liên lại vội vã lên đường mang theo gạo, bí, trứng đến khu cách ly, liên lạc với thanh niên xung kích xã, chuyển lương thực tới tận tay đoàn viên của mình, 22 giờ, Liên mới yên tâm quay trở về. "Chị hỏi tâm trạng em khi ấy ư? Vui, buồn lẫn lộn. Mọi mệt mỏi ban chiều tan biến đâu mất, trong thâm tâm em chỉ thấy một điều dù mình cố gắng đến đâu, công sức của mình giành cho CNLĐ chỉ như muối bỏ biển, chẳng thấm vào đâu. Giá như một ngày có thể kéo dài hơn để bọn em được đến với công nhân nhiều hơn…", Liên nói.

Đêm đó, giấc ngủ của bảy anh, chị, em trên những ghế dài kê trong phòng làm việc, dường như đến muộn hơn. Mọi người ai cũng cố nở nụ cười, động viên nhau, vơi đi cái mệt, nhưng nhìn sâu trong những cặp mắt đều nhuốm vẻ đượm buồn, lo lắng cho đoàn viên, NLĐ của mình.

Đó cũng là câu chuyện của vài hôm trước, khi mọi thứ đều gấp gáp và chưa quy củ, vào guồng. Đến 26-5, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã thành lập và cung cấp hàng hóa cho 15 “siêu thị 0 đồng” tại các khu cách ly để phục vụ CNLĐ. Đến nay, tổ chức công đoàn tỉnh đã cung cấp khoảng 80 tấn gạo cùng hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm khác cho các “siêu thị” này. Cùng với “siêu thị 0 đồng”, “Tổ cứu trợ khẩn cấp” cũng sẽ cùng lực lượng công đoàn KCN chuyển hàng tới tận tay CNLĐ. Hình thức này cũng nhằm hạn chế việc bị các đối tượng xấu trục lợi, lấy hàng hoá rồi bán lại cho CNLĐ lấy tiền.

Ở những nơi phải cách ly hai lớp, chủ nhà trọ không thể ra "siêu thị 0 đồng" lấy đồ, hoặc không trực tiếp ở cùng với CNLĐ, lực lượng tình nguyện viên xung kích của xã sẽ giúp đỡ vận chuyển tận tay CNLĐ.

Tự hào trở thành những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trong một chuyến thăm, tặng quà cứu trợ CNLĐ tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cho biết: thời gian qua, dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp đang tiến công trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, việc làm của CNLĐ nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trước thực trạng, cán bộ công đoàn chính là một trong những lực lượng tuyến đầu đã và đang ngày, đêm lăn lộn, triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Họ trở thành những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Chỉ khi nào đoàn viên, NLĐ an toàn với dịch bệnh, cán bộ công đoàn mới an toàn, an tâm.

Liên tâm sự: "Chưa khi nào em cảm nhận được vai trò của một cán bộ công đoàn như những ngày vừa qua. Và cũng chưa khi nào em thấy công nhân họ cần chúng em đến vậy. Tự hào, cảm động, thân thương, gắn bó với đồng nghiệp, với đoàn viên, là trải nghiệm có lẽ sẽ không thể có nhiều được trong cuộc đời của một cán bộ công đoàn, nhất là những cán bộ công đoàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang những ngày qua. Chúng em thật sự trở thành những chiến sĩ tuyến đầu đang ngày, đêm chiến đấu chống giặc Covid-19, góp phần đem lại bình yên, an toàn cho đoàn viên, NLĐ".

Chuyện của nữ cán bộ công đoàn trong tâm dịch Bắc Giang -0
Những chuyến hàng chở đi cứu trợ. 

Chỉ khi tôi nhắc tới hai đứa con nhỏ đã xa mẹ gần chục ngày, Liên mới nghẹn ngào ở đầu dây bên kia. Nhưng chỉ chốc lát thôi, cô cho biết: "Hai, ba ngày em lại gọi Zalo về nói chuyện với con một lần, bởi cuối ngày khi gọi được về thì muộn quá, con em đã đi ngủ rồi. Dù có lúc nhớ con, nhớ nhà nhưng em chưa nghĩ tới ngày về, khi mọi thứ vẫn đang thật sự ngổn ngang. Em chỉ mong ngày được dỡ cách ly, phong tỏa là vì ngày đó, đoàn viên, NLĐ của em đã thật sự yên ổn, an toàn chứ không phải mong được trở về vì nhớ con hay quá mệt".

Hơn một tiếng đồng hồ, tôi đã lấy mất chút thời gian ít ỏi được nghỉ ngơi của Liên, còn bao nhiêu điều cần nói giữa hai người phụ nữ, nhưng dằn lòng lại, tôi chào Liên để cô lại tiếp tục bốc vác hàng hóa, lên đường đi tận từng khu trọ, ở đó vẫn là những đoàn viên, CNLĐ đang chờ Liên và các cán bộ công đoàn.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan