Nhìn lại năm 2022

Nông nghiệp vững "tay chèo" vượt qua "sóng cả"

Năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất luôn ở mức cao; thị trường quốc tế diễn biến phức tạp bởi tác động của xung đột Nga-Ukraine; chính sách của một số nước bảo vệ sản xuất trong nước; hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu được dựng lên ngày càng nhiều... Tuy nhiên, vượt qua các thách thức đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Cổ phần Nông nghiệp RYB (Hòa Bình) đóng gói bưởi Diễn trước khi chuyển lên xe xuất khẩu sang Anh. (Ảnh: Trần Hảo)
Công nhân Công ty Cổ phần Nông nghiệp RYB (Hòa Bình) đóng gói bưởi Diễn trước khi chuyển lên xe xuất khẩu sang Anh. (Ảnh: Trần Hảo)

Tính đến hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt hơn 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27,0%...

Nhiều mặt hàng lập kỳ tích

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đã có tám sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, là: cà-phê, cao-su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm 2021, như: cà-phê hơn 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao-su hơn 2,9 tỷ USD (tăng 3,0%); gạo hơn 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn hơn 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%); cá tra 2,2 tỷ USD (tăng 61,9%); tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ 14,6 tỷ USD (tăng 9,0%)...

Hiện đã có tám sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, là: cà-phê, cao-su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Về thị trường xuất khẩu, 11 tháng qua, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ chiếm 27,4%, châu Âu chiếm 11,3%, châu Ðại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7% thị phần. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỷ USD (chiếm 25,0% thị phần); đứng thứ hai là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần); thứ ba là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD (chiếm 7,9% thị phần); thứ tư Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD (chiếm 4,7% thị phần).

Trong số các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao thì thủy sản là "điểm sáng" với tốc độ bứt phá nhanh và mạnh. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe cho biết: Con số 11 tỷ USD là sự nỗ lực của cả ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản, nhất là sự vượt khó của các doanh nghiệp xuất khẩu trong suốt thời gian qua, bởi năm 2022 các doanh nghiệp không chỉ chịu sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu mà còn chịu sự ảnh hưởng của biến động thị trường, giá cước vận chuyển tăng cao; dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa tại một số quốc gia; tình hình lạm phát trên thế giới ảnh hưởng đến sức mua của người dân…

Cùng với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, chi phí vận chuyển và nguyên liệu tăng cao, năm 2022 ngành gỗ tăng trưởng khá tốt. Việt Nam hiện đứng thứ năm thế giới và thứ hai châu Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Tính đến hết tháng 11/2022, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,6 tỷ USD (tăng 9,0%) so với cùng kỳ năm 2021. Mục tiêu 16,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đặt ra cho cả năm 2022 có thể sẽ đạt được nếu tháng cuối cùng của năm các doanh nghiệp kết thúc đơn hàng theo đúng hợp đồng cam kết.

Một trong những ngành hàng xuất khẩu sôi động trong năm 2022 phải kể đến tiếp theo là rau quả. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên, đây được coi là năm "mở cửa thị trường" đối với nhiều mặt hàng trái cây, củ quả khi trái bưởi chính thức được đồng ý nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ, New Zealand.

Các mặt hàng như sầu riêng, chuối, khoai lang… cũng tràn đầy cơ hội tăng trưởng kim ngạch khi các Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch được ký kết giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Kết quả là xuất khẩu rau quả tháng 11/2022 đã có bước tăng trưởng ấn tượng gần 10% so với tháng 10/2022 và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2022 vượt 3,1 tỷ USD.

Năm 2022 được coi là năm "mở cửa thị trường" đối với nhiều mặt hàng trái cây, củ quả

Ðối với ngành hàng truyền thống lúa gạo, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022 đánh dấu "bước ngoặt" mới của ngành hàng này khi lần đầu Việt Nam có gạo mang thương hiệu riêng "Cơm Việt Nam Rice" của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và bày bán tại hệ thống siêu thị lớn hàng đầu nước Pháp; gạo mang thương hiệu A An của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long được bày bán tại các siêu thị Nhật Bản. Ðây là sự khởi động mới cho sự chuyển hướng xuất khẩu tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng, nhất là xuất khẩu các loại gạo có thương hiệu riêng của Việt Nam sang các thị trường chất lượng cao.

Nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới

Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, lý do khiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong thời gian qua là nhờ nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới liên tục tăng; Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau khi khống chế được dịch Covid-19; tăng cường trao đổi thương mại với các thị trường lớn; tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, ông Trần Công Thắng cũng cho rằng Việt Nam cũng sẽ gặp phải những thách thức đối với thương mại nông sản trong tương lai gần. Cụ thể là, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát. Thực tế, điều này cũng đang được nhiều ngành hàng dự báo.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong thời gian qua là nhờ nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới liên tục tăng; Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau khi khống chế được dịch Covid-19; tăng cường trao đổi thương mại với các thị trường lớn; tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Ngô Sỹ Hoài, ngành gỗ Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đã quen với sự tăng trưởng cao hơn 10%, thậm chí 20% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022, tình hình khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp gỗ phải đối mặt với tình trạng chậm đơn hàng, thậm chí bị hủy đơn hàng, khiến cho hàng tồn kho tăng lên.

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho nên khả năng chống chịu với khủng hoảng kém, dẫn đến cắt giảm lao động, ngày giờ làm việc, thậm chí một số doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, trong khi gỗ không phải là mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, các khó khăn khác như chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cũng đã tác động lớn đến ngành công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ.

Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ba lần tăng lãi suất USD, điều đó đồng nghĩa với việc các lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Ðây là một thách thức rất lớn, làm tăng giá thành sản xuất và thu hẹp thị trường xuất khẩu.

Ðối với ngành hàng trái cây, bước qua sự phấn chấn ban đầu với những thành quả mở cửa thị trường ở nhiều quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, thì cũng còn đó nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cách thức tiếp cận linh hoạt và bền vững.

Ðơn cử với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường lớn và rất nhiều tiềm năng nhưng không dễ chinh phục, nhất là ngay từ ngày 1/1/2022, Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu" do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành đã chính thức có hiệu lực.

Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: "Sắp tới, phía Trung Quốc sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp, đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời để bảo đảm đúng, đủ các yêu cầu. Bên cạnh trái cây, ngành hàng thủy sản dù đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong năm 2022 nhưng cũng còn đó nỗi lo ngại về vấn đề "thẻ vàng" khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cần nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

Có thể thấy, dư địa thị trường đối với phần lớn các ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam còn rất rộng, cơ hội cũng rất lớn, nhưng để chinh phục được người tiêu dùng các thị trường chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay thì thách thức cũng không hề nhỏ.

Do đó, trong năm 2023, các ngành hàng đều cần sự linh hoạt trong cả khâu sản xuất và kinh doanh để thích ứng với những biến động thị trường ngắn hạn và dài hạn.

Dư địa thị trường đối với phần lớn các ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam còn rất rộng, cơ hội cũng rất lớn, nhưng để chinh phục được người tiêu dùng các thị trường chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay thì thách thức cũng không hề nhỏ.

Ðồng thời, tăng cường sản xuất các sản phẩm bền vững, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các quốc gia trên thế giới; Quan tâm phát triển logistics nhằm hỗ trợ cho thương mại nông sản; Xây dựng thương hiệu quốc gia, nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản ■