Nông nghiệp kết hợp du lịch ở Tây Bắc

Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang có thế mạnh đất đai rộng, địa hình đa dạng, nhiều tiểu vùng khí hậu... Cùng với đó, đồng bào các dân tộc nơi đây có tập quán, phương thức và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp khác nhau; từ lâu đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng, với những sản phẩm đa dạng, phong phú cho nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp.

Du khách khám phá vườn dâu tây của Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi, ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Du khách khám phá vườn dâu tây của Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi, ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến trang trại dâu tây của Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi rộng hơn 2 ha trên cung đường du lịch khám phá, trải nghiệm bản làng Sa Pa-Tả Phìn. Từ quốc lộ 4D rẽ vào khu nhà lưới khoảng 2 km đã thấy xe chở khách du lịch và xe con đỗ chật kín vườn. Tại đây, rất đông du khách tự hái quả, mua những hộp dâu tây chín mọng, được đóng gói cẩn thận, nhãn mác rõ ràng, về làm quà.

Đang hái dâu cùng hai con, chị Nguyễn Phương Lan, du khách từ Hà Nội, cho biết, ba mẹ con vào đây trải nghiệm “một ngày làm nông dân” đáng nhớ. Trước khi về, lại tự tay chọn hái đóng hộp 2 kg quả với giá hơn 100 nghìn đồng.

Thông qua Hội Nông dân thị xã Sa Pa, chị Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi đã vay tín chấp ngân hàng ba tỷ đồng để làm nhà kính, trồng dâu tây theo công nghệ giá thể, thủy canh. Chị xây dựng hàng lối vườn dâu khoa học.

“Tiếng lành đồn xa”, việc kết nối làng du lịch cộng đồng Tả Phìn với điểm tắm lá thuốc, trải nghiệm nghề làm trống da truyền thống của người Dao đỏ địa phương đã thu hút rất đông du khách, nhất là vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ, Tết. Sau bốn tháng trồng, dâu tây cho thu hoạch đúng vào kỳ nghỉ mùa xuân và hè cho nên ngày đông nhất đón hơn 1.000 lượt khách, trung bình đón khoảng 400 lượt khách/ngày. “Nhờ làm nông nghiệp kết hợp du lịch, hợp tác xã tiêu thụ mỗi vụ khoảng 22-25 tấn quả, doanh thu đạt hơn ba tỷ đồng, giảm chi phí nhân công thu hái và chi phí bán hàng do khách tự hái quả và mua ngay tại vườn”, chị Dung cho biết.

Ngược lên bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chúng tôi thăm mô hình du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng, do trưởng bản Giàng A Sáu làm giám đốc. Trước đây bản Đồng Ruộng là địa phương có nhiều khó khăn của huyện Trấn Yên bởi dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, ruộng chỉ trồng một vụ cho nên cái nghèo bám riết 47 hộ dân nơi này. Gần đây, nhờ chuyển đổi sản xuất, đưa cây quế, cây tre măng bát độ vào canh tác và làm du lịch, đời sống dân bản đã đổi thay.

Nông nghiệp kết hợp du lịch ở Tây Bắc -0
 Người dân địa phương và du khách thổi khèn bè Thái tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có khí hậu riêng biệt, mang sắc thái của tiểu vùng cận ôn đới cho nên có nhiều sản phẩm xứ lạnh. Trong đó, quy trình sản xuất chè Shan Tuyết đã thu hút nhiều khách du lịch tham gia để được đắm mình giữa không khí trong lành của những rừng chè, được trèo lên những cây chè cao hơn chục mét, hái từng búp chè tươi và được tham gia công đoạn sản xuất chè khô cầu kỳ và phức tạp. Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, xã đã chọn dịch vụ homestay và trải nghiệm thăm ruộng bậc thang, thăm vườn lê và trải nghiệm quy trình sản xuất chè Shan Tuyết là sản phẩm du lịch đặc trưng. Thời gian tới, Hồng Thái sẽ hoàn thành tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam với 7 km, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp ở các địa phương như Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo chị Đỗ Thị Kim Dung, làm du lịch nông nghiệp cần có diện tích đất đai rộng, ít nhất từ 2-5 ha, trong khi tích tụ đất đai ở Sa Pa rất khó khăn, nhân lực nông nghiệp kết hợp du lịch ở địa phương rất thiếu và yếu...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động du lịch nông nghiệp ở Lào Cai, Yên Bái còn nhỏ lẻ, chưa có sự kết hợp giữa bốn “nhà” với nhau (quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân địa phương). Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đặc sắc, đa dạng về chủng loại; chưa thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao để tăng doanh thu. Cơ sở hạ tầng du lịch nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu của khách; công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch tại nhà chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, vấn đề giữ gìn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống... đang là những thách thức lớn.

Tuyên Quang mặc dù có rất nhiều tiềm năng thế mạnh, tuy nhiên du lịch nông nghiệp vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, phần lớn du khách đến với các bản làng mới chỉ được hướng dẫn để tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh và nghỉ dưỡng mà chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế. Hay như mô hình homestay ở Xà Rèn, mặc dù đã lập trang Facebook để liên kết với các tour du lịch quốc tế và nội địa, với giá 80 nghìn đồng/người/đêm, suất ăn khoảng 150 nghìn đồng/bữa..., song qua quan sát thực tế, khâu vệ sinh và cảnh quan môi trường cần được chấn chỉnh, đường vào bản cần có chỉ dẫn cho du khách…

Để đánh thức tiềm năng, khai thác lợi thế của địa phương, theo ông Hà Quốc Trung, Phó Trưởng phòng phụ trách quản lý du lịch, Sở Du lịch Lào Cai, trước mắt cần hình thành các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp được du khách ưa thích. Nhu cầu du lịch có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19 cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khói bụi, ô nhiễm đã khiến du khách muốn tìm về các không gian nông nghiệp sinh thái vào dịp lễ hoặc cuối tuần.

Đây là cơ hội để Lào Cai phát triển du lịch nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, tiêu biểu như trang trại trồng rau, hoa cao cấp tại các xã Mường Hoa, Tả Phìn (Sa Pa) và Tà Chải (Bắc Hà).
Trong Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xác định du lịch nông nghiệp là một trong những loại hình có tiềm năng, lợi thế lớn. Để khai thác tốt tiềm năng này, Tuyên Quang đã có kế hoạch phát triển các mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp, như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái (Na Hang); làng nghề chè Vĩnh Tân, Tân Trào (Sơn Dương); chè Shan Tuyết (Na Hang), nuôi cá trên lòng hồ thủy điện...

Theo ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai, tỉnh đã xác định cần triển khai ba yếu tố: Thứ nhất, tôn trọng cộng đồng, bản sắc văn hóa và tính xác thực; thứ hai kết hợp lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội (bảo vệ môi trường, ngành nghề truyền thống...) và cuối cùng là cần có sự tham gia của cộng đồng khi ra quyết định .

Bài và ảnh: Lê Đức Nghĩa-Chung Hồng Sơn