Ngày 9-3, phóng viên Nhân Dân điện tử đến xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, ghi nhận tình hình sản xuất của nông dân nơi đây trong thời điểm nắng hạn gay gắt. Dưới lòng hồ Ông Kinh, đàn cừu tìm gặm những bụi cỏ đã cháy khô. Nông dân sốt vó đi tìm nguồn nước để cứu cây trồng, rất vất vả.
Nông dân Nguyễn Chung ở xã Nhơn Hải, cho biết: “Từ đầu tháng 2 đến nay, nước tưới ngày càng thiếu hụt, tôi bỏ ra 40 triệu đồng để khoan giếng; đầu tư thêm chục triệu nữa mua ống nước gắn với máy bơm lắp đặt từ giếng khoan dẫn đến rẫy dài hơn 2 km, mới có ít nước để cứu vãn mấy sào trồng hành tím. Mỗi tháng, chi thêm hai triệu đồng tiền điện cho hai máy bơm nước, phải vay nợ để xoay sở”.
Nhiều tháng qua, giếng nước của hộ anh Lâm Học Mười ở thôn Mỹ Tường 2 hết nước, để cứu vãn tám sào (8.000m2) trồng cây hành tím gần thu hoạch, anh phải đi xin nước giếng khoan của một số hộ lân cận để tưới. Cách đây vài ngày, anh Lâm thu hoạch xong, bỏ ra 70 triệu đồng khoan một giếng sâu hơn 100 mét để lấy nước chuẩn bị xuống bốn sào trồng dưa đỏ.
Nhiều nông dân cho biết, những năm trước đây, chỉ khoan sâu xuống lòng đất từ 40 đến 50 mét thì tìm được nguồn nước để sản xuất. Nay, phải khoan sâu từ 100 đến 150 mét, mới mong có nước. Nhiều hộ khoan từ hai đến ba giếng nhưng vẫn không tìm được nguồn nước, vừa mất tiền nhưng cũng không cứu được cây trồng, rất đau xót.
Nông dân Nguyễn Chung ở xã Nhơn Hải bơm nước từ giếng khoan dẫn về giếng chứa để bơm tiếp vào rẫy tưới cách xa 2 km.
Nhiều hộ không muốn mạo hiểm khi bỏ ra hàng trăm triệu để khoan giếng mới, nhưng không tìm được nguồn nước mới, đã nghĩ ra cách thuê kỹ sư và công nhân của Công ty Cơ khí Quang Trung, tỉnh Đồng Nai lắp đặt giàn khoan tiếp tục khoan sâu hơn nữa trên nền giếng cũ để tìm nguồn nước ngầm sâu hơn, tuy chi phí cao, nhưng khả năng tìm được nước khả thi hơn. Đồng thời các hộ được phía đối tác cho khoanh nợ, đợi đến khi thu hoạch xong mới trả.
Từ tháng 2 đến nay, hai giếng khoan vào năm 2018 với độ sâu 40m của hộ chị Võ Thị Kim Liên ở thôn Mỹ Tường 1 đã hết nước sau vài mùa vụ sản xuất, để cứu năm sào trồng nho, năm sào trồng cỏ và lấy nước cho đàn bò uống, nay, chị Liên thuê Công ty Cơ khí Quang Trung đến lắp giàn khoan, tiếp tục khoan sâu thêm từ 100-150 mét trên nền của hai giếng cũ, chi phí hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, một giếng khoan đã có nước, giếng khoan thứ hai khi khoan đến độ sâu khoảng 100m, có dấu hiệu tìm được mạch nước mới. Chị Liên cho biết, giếng khoan thứ nhất sâu 150 mét, có nước nhưng không nhiều. Hy vọng giếng khoan thứ hai sẽ có nước nhiều hơn, vì năm sào nho lúc lỉu trái đang thời kỳ chín, nếu mất nước, quả nho sẽ rụng rụi cả giàn.
Chị Liên bộc bạch: “Tôi hết tiền nhưng được Công ty Cơ khí Quang Trung khoanh nợ đợi thu hoạch xong, bán nho mới trả nợ, cho nên hy vọng năm sào nho sẽ không bị khát nước cho đến khi thu hoạch”.
Anh Phạm Gia Huy, Công ty Cơ khí Quang Trung cho biết, đã đi rất nhiều tỉnh, thành phố để khoan giếng, nhưng khi đến xã Nhơn Hải, với kinh nghiệm bản thân, thì địa chất vùng này không như những tỉnh khác, những túi nước ngầm được tích tụ ở nhiều tầng khác nhau. Lâu nay, người dân nơi đây khoan sâu xuống lòng đất từ 40-50m và tìm được nguồn nước ngầm vì những túi nước ấy nằm dưới tầng địa chất đơn thuần là đất hoặc đất có ít đá xen kẽ, cho nên nguồn nước ngầm tích trữ không nhiều. Khi bơm tưới được vài mùa sản xuất, các túi nước ngầm ở tầng này đã hết. Nay với công nghệ khoan tốt hơn, khi khoan sâu từ 100-150m hoặc hơn nữa, thì sẽ khai thác được nhưng túi nước ngầm mới, nằm sâu hơn dưới tầng địa chất mà lâu nay công nghệ khoan bình thường không khoan đến được, nên nguồn nước ngầm sẽ nhiều hơn trước đây.
Anh Huy tâm sự: “Tôi đến đây đã ba tuần và khoan 10 giếng nước có độ sâu từ 100 m trở lên. Trong số giếng khoan, có ba cái có nước rất ít, các giếng còn lại nước nhiều. Trong tình cảnh nắng nóng, khô hạn thế này, nhiều hộ rất khó khăn, nên khi khoan giếng xong, tôi chia sẻ bằng cách khoanh nợ cho đến khi bà con thu hoạch xong mùa vụ này thì trả cho tôi”.
Theo báo cáo của UBND xã Nhơn Hải, toàn xã có hơn 160 ha trồng hành, tỏi, táo, nho, cỏ…; hơn 21 nghìn con dê, bò, cừu. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ao, hồ trên địa bàn xã đã khô cạn. Hiện nay, người dân chỉ sản xuất cầm chừng và nguy cơ thiếu hụt nước tưới rất cao, nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất, chăn nuôi của bà con.
Công nhân của Công ty Cơ khí Quang Trung, tỉnh Đồng Nai đến Ninh Thuận khoan giếng và khoanh nợ cho nông dân xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải.
Toàn xã Nhơn Hải có 4.233 hộ với hơn 16 nghìn người, trong đó hơn 60% dân số sản xuất nông nghiệp, trước tình hình nắng hạn ngày càng gay gắt, xã đã có báo cáo lên huyện, kiến nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân khi nắng hạn kéo dài; hỗ trợ chi phí cho các hộ chăn nuôi có điều kiện bảo đảm thức ăn cho đàn gia súc; hỗ trợ chi phí khoan giếng…. để giúp người dân vượt hạn, ổn định sản xuất.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, đến nay, dung tích của 21 hồ chứa nước với tổng dung tích hơn 194 triệu m3 chỉ còn khoảng 55 triệu m3, chiếm 28,3% tổng dung tích. Nhiều hồ đã ở mực nước chết. Toàn tỉnh có khoảng tám nghìn ha lúa và các loại cây màu khác phải ngừng sản xuất do thiếu nước tưới.
Nhiều tháng qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các địa phương nỗ lực ứng phó với nắng hạn để ổn định sản xuất, tuy nhiên trong tình cảnh nắng hạn kéo dài, Ninh Thuận rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để giúp nông dân vượt qua khó khăn, bởi năm nay nắng hạn gay gắt hơn những năm trước rất nhiều.