Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại như MB, SHB, Lienvietpostbank, Agribank, Eximbank, HDBank, ACB… đã công bố thay đổi nhân sự cấp cao ở nhiều vị trí. Cùng với đó là việc một loạt các ngân hàng dồn dập đăng thông tin tuyển dụng.
Thay đổi nhân sự cấp cao
Trung tuần tháng 4, Ngân hàng MB đã công bố quyết nghị của Hội đồng quản trị về việc ông Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyện vọng cá nhân, bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 và giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh, chức danh Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại như MB, SHB, Lienvietpostbank, Agribank, Eximbank, HDBank, ACB… đã công bố thay đổi nhân sự cấp cao ở nhiều vị trí. Cùng với đó là việc một loạt các ngân hàng dồn dập đăng thông tin tuyển dụng.
MB cho biết, với sự thay đổi các lãnh đạo cao cấp, ngân hàng sẽ nhanh chóng thực hiện chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2022-2026, với mục tiêu “Top 3 thị trường về hiệu quả, hướng đến Top đầu châu Á”.
Ngân hàng SHB cũng công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc bầu nhân sự đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải - những người từng giữ trọng trách thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này.
Theo SHB, việc tăng cường nhân sự cho nhiệm kỳ 2022-2027, cơ cấu Hội đồng quản trị của ngân hàng đang được trẻ hóa, là bước kiện toàn quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trước đó, trong tháng 3/2023, Hội đồng quản trị Lienvietpostbank cũng đã chấp nhận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Phạm Doãn Sơn vì nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, Hội đồng quản trị quyết định giao ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng Giám đốc thường trực đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng thay nhân sự cấp cao như Agribank đồng loạt bổ nhiệm ba Phó Tổng Giám đốc mới là bà Phùng Thị Bình (trước đó là Trưởng ban Thẩm định và phê duyệt tín dụng Agribank), ông Hoàng Minh Ngọc (trước đó là Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lâm) và ông Lê Hồng Phúc (trước đó là Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương).
Sôi động tuyển dụng nhân sự mới
Không chỉ thay đổi trong nhân sự cấp cao, nhiều ngân hàng thương mại từ đầu năm tới nay cũng ồ ạt các thông tin tuyển dụng nhân viên mới.
Mới đây nhất, Vietcombank vừa thông báo đợt tuyển dụng tập trung quy mô lớn lần thứ 3 trong năm 2023. Theo đó, ngân hàng này tuyển dụng 509 nhân sự tại Trụ sở chính và chi nhánh trên 45 tỉnh, thành phố. Đây là đợt tuyển nhân sự lớn nhất từ đầu năm đến nay của Vietcombank, trước đó cũng đã mở ra hai đợt tuyển dụng, với hơn 180 cơ hội việc làm cho các ứng viên trên mọi tỉnh, thành phố của cả nước.
Việc thay đổi nhân sự, nhất là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã diễn ra khá sôi động trong vài năm trở lại đây. Một điểm đáng chú ý, đó là sự “trẻ hóa” các nhân sự cấp cao diễn ra khá phổ biến tại các ngân hàng thương mại, được kỳ vọng sẽ mang tới “làn gió mới” cho ngành ngân hàng.
Một số ngân hàng như ABBank, BacA Bank, BaoViet Bank, DongA Bank, KienLong Bank, PVcombank,… cũng dồn dập tuyển nhân sự ở những vị trí khác nhau như kiểm soát viên, giao dịch viên, chuyên viên khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chuyên viên khách hàng cá nhân, chuyên gia cao cấp,…
Hay một số ngân hàng như VPBank, VietinBank, VIB, MB, ACB, TPBank,… cũng tuyển dụng ở các vị trí như giám đốc phát triển sản phẩm tiền gửi, giám đốc quan hệ khách hàng cá nhân, phó giám đốc chi nhánh, nhân viên xử lý nợ, giao dịch viên,…
Có thể nói, việc thay đổi nhân sự, nhất là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã diễn ra khá sôi động trong vài năm trở lại đây. Một điểm đáng chú ý, đó là sự “trẻ hóa” các nhân sự cấp cao diễn ra khá phổ biến tại các ngân hàng thương mại, được kỳ vọng sẽ mang tới “làn gió mới” cho ngành ngân hàng.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Ngân hàng SHB, với việc tăng cường nhân sự cho nhiệm kỳ 2022-2027, cơ cấu Hội đồng quản trị của SHB đang được trẻ hóa với những thành viên đã và đang trực tiếp tham gia điều hành hoạt động của ngân hàng nhiều năm qua. “Đây là bước kiện toàn quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển của SHB trong giai đoạn mới”, vị này nhấn mạnh.
Nhìn nhận về làn sóng thay đổi “ghế nóng” tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm. Dự báo trong thời gian tới, làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục biến động.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho hay, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành tài chính-ngân hàng giai đoạn 2020-2025 sẽ tăng 20% mỗi năm. Riêng tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) trong tổng số việc làm cần tuyển hằng năm.
Cùng với dự báo về làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao, dự báo từ Navigos Group cũng cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành tài chính-ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của các ngân hàng, trong năm qua, số lượng nhân sự tuyển vào các ngân hàng đã gia tăng đáng kể. VPBank có số lượng nhân sự tăng thêm gần 3.000 người.
Tương tự, số nhân sự tăng thêm tại TPBank, Lienvietpostbank, MSB, BIDV là hơn 1.000 người; tại Vietcombank là 900 người… Các chuyên gia cũng nhìn nhận, ngân hàng là một trong các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất.
Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ và chuyển đổi số, do đó nhu cầu nhân lực cho hai mảng này sẽ tiếp tục ở mức cao. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đang quan tâm và tuyển dụng nhiều hơn đối với các vị trí liên quan đến các vấn đề văn hóa doanh nghiệp, tâm lý người lao động,...