Nội soi cắt polyp đại - trực tràng

Chỉ trong năm 2004, Khoa Thăm dò chức năng của bệnh viện đã cắt polyp đại-trực tràng qua nội soi cho 322 bệnh nhân từ 3-90 tuổi. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, rối loạn phân, nứt kẽ hậu môn, trĩ( hội chứng ruột kích thích), đại tiện ra máu. Một số khác kèm theo gầy sút cân, biến loạn sắc tố trên da và niêm mạc. Vị trí của polyp gặp nhiều ở trực tràng và đại tràng sigma. Nhiều bệnh nhân là người lớn có tới 3 polyp, 15 trường hợp khác có nhiều polyp dọc đại tràng. Đặc biệt tỉ lệ đa polyp ở trẻ em cao hơn người lớn. Ngoài polyp ở đại-trực tràng, có bệnh nhân còn bị polyp ở dạ dày và tá tràng, và đã có biến loạn sắc tố trên da và niêm mạc. Hơn 37% bệnh nhân người lớn có một số bệnh lý khác kèm theo, phổ biến nhất là trĩ, nứt kẽ hậu môn, K đại tràng, K trực tràng. Hai bệnh nhi có hội chứng Peutz-Jeugher, là hội chứng hiếm gặp. Hơn 80% người lớn có polyp tuyến lành tính, 8% có tuyến loạn sản, 3% polyp bị K hóa. Riêng trẻ em, tất cả đều là polyp lành tính. 80% trường hợp polyp có cuống, đường kính từ 0,5- trên 1,5 cm.

Theo bác sĩ Kiều Tuấn, polyp đường tiêu hóa là bệnh lý hay gặp, đặc biệt ở đại-trực tràng. Polyp ở đại-trực tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột, ung thư hóa... Việc phát hiện và điều trị polyp có tác dụng ngăn chặn và dự phòng các biến chứng trên. Từ khi nội soi đại tràng ống mềm ra đời đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh polyp đại-trực tràng được chính xác và thuận lợi hơn rất nhiều. Nhờ có soi đại tràng, các bác sĩ có thể biết chính xác số lượng, vị trí, tính chất của polyp. Cũng qua nội soi đại-trực tràng, các polyp được cắt bỏ dễ dàng mà bệnh nhân không phải phẫu thuật như trước. Căn cứ vào kết quả soi đại tràng và xác định số lượng và vị trí polyp, các bệnh nhân được cắt polyp qua nội soi theo nhiều phương pháp. Polyp có cuống được cắt bằng snare. Polyp không có cuống kích thước nhỏ được cắt bằng kìm sinh thiết nhiệt. Các polyp ở những vị trí khuất được cắt sau khi đầu máy soi đã gắn ống nhựa trong. Với sự hỗ trợ của đoạn ống nhựa trong, các phẫu thuật viên dễ dàng đưa được thòng lọng vào chân các polyp, kể cả polyp ở vị trí khó như ở sát hậu môn, góc lách, góc gan.... Những bệnh nhân nhiều polyp được cắt làm 2-3 lần cho tới khi hết polyp. Với bệnh nhân có polyp cuống to, các kỹ thuật viên dùng dòng điện cắt kiểu blend hoặc coagulation với cường độ thấp để hạn chế chảy máu. Nhằm dự phòng và xử trí chảy máu sau khi cắt polyp, các bệnh nhân được hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu của chảy máu, thủng ruột và thông báo ngay cho bác sĩ. Nhờ đó 100% bệnh nhân được cắt polyp an toàn, không có hiện tượng chảy máu tái phát, không có bệnh nhân nào bị biến chứng thủng đại tràng hoặc tử vong. Với những trường hợp polyp có mức độ loạn sản nhiều sau khi cắt polyp, bệnh nhân được hẹn soi kiểm tra lại.

Nhờ có máy soi đại tràng và kỹ thuật nội soi cắt polyp đại-trực tràng qua nội soi cho hiệu quả trị liệu cao, đến nay số bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện Bạch Mai ngày càng đông. Để đáp ứng nhu cầu này, từ năm 2005 Khoa Thăm dò chức năng và Khoa Giải phẫu bệnh _ Bạch Mai đưa kỹ thuật nội soi cắt polyp đại-trực tràng vào thực hiện thường quy.