Nhiều nơi nước bị nhiễm asen
Theo tiến sĩ Michael Berg, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường Thụy Sĩ (EAWAG), sau hơn bốn năm điều tra, nghiên cứu về ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam cho thấy, Việt Nam sẽ phải chịu hậu quả về việc nước bị nhiễm asen. Từ năm 1998, nhóm nghiên cứu này đã phát hiện ra nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng rất cao, đặc biệt là asen ở Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.
Cũng theo điều tra mới đây của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học - Công nghệ) Hà Nội, thành phố hiện có 100.000 giếng khoan, nước ngầm bơm lên hầu hết có màu vàng hoặc ối đỏ, đục bùn, mùi tanh phải lọc qua nhiều lần bể, thậm chí đánh phèn vẫn không thể lọc hết các độc tố. Nhiều nơi, nước còn lẫn thạch tín, có thể gây tử vong hoặc bệnh mạn tính cho người sử dụng.
GS-TS Đào Ngọc Phong (Viện Địa chất và Khoáng sản) cũng cho rằng khi điều tra về nhiễm độc asen ở vùng thượng nguồn sông Mã, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy những người bị nhiễm độc asen mạn tính ở đây có 31 triệu chứng lâm sàng liên quan đến asen.
Ngoài ra, các kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường, UNICEF cũng cho thấy tại Hà Tây, Hà Nam... nhiều khu vực nguồn nước cũng bị nhiễm asen nghiêm trọng.
Asen thâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua thực phẩm, nước uống và không khí. Trong nước uống, asen không trông thấy được, không mùi vị, do đó nếu không có phương tiện thử, không thể biết. Việc phát hiện người nhiễm asen rất khó do những triệu chứng của bệnh phải từ 5 đến 15 năm sau mới xuất hiện. Ngộ độc thạch tín có hai dạng: cấp tính và mạn tính. - Ngộ độc cấp tính: Có triệu chứng giống như bệnh tả, xuất hiện rất nhanh, có thể là ngay sau khi ăn phải thạch tín. Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và chết sau 24 giờ. - Ngộ độc mạn tính: Dạng này xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ thạch tín trong thời gian dài. Triệu chứng bao gồm: mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày, viêm ruột, đau mắt, đau tai, đi đứng loạng choạng, xét nghiệm có thạch tín trong nước tiểu, người gầy còm, kiệt sức rồi tử vong trong vài tháng hoặc vài năm. Nguồn: Ô nhiễm thạch tín trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam (UNICEF) |
Theo Từ điển bách khoa dược học xuất bản năm 1999, thạch tín là tên gọi thông dùng chỉ nguyên tố asen, nhưng cũng đồng thời dùng chỉ hợp chất ôxit của asen hóa trị III (As203). Ôxit này màu trắng, dạng bột, tan được trong nước, rất độc. Asen là thành phần tự nhiên của vỏ trái đất, là một chất rất độc, độc gấp bốn lần thủy ngân. Asen tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Nếu bị nhiễm độc asen một cách từ từ, mỗi ngày một ít, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể trạng mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh như rụng tóc, buồn nôn, sút cân, ung thư, giảm trí nhớ... Asen làm thay đổi cân bằng hệ thống enzim của cơ thể, nên tác hại của nó đối với phụ nữ và trẻ em là lớn nhất.
Làm thế nào để hạn chế tác hại của asen?
Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học công nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thành công bộ lọc asen. Tuy nhiên cũng có những phương pháp không cần đến thiết bị lọc mà các hộ gia đình có thể tự làm được.
- Đối với các giếng chứa nhiều sắt thì bố trí lại cơ cấu lọc hợp lý để kết hợp loại sắt, đồng thời loại asen. Khi sắt kết tủa dạng Fe(OH)3 sẽ có khả năng hấp thụ kết tủa chứa asen dưới dạng FeAsO4 cần có kết cấu loại sắt hợp lý để tận dụng tối ưu khả năng này.
- Những hộ gia đình dùng bơm điện: Làm giàn mưa bằng ống nhựa, đường kính 27mm, khoan 150-200 lỗ, mỗi lỗ có đường kính từ 1,5 đến 2 mm, tùy theo công suất máy bơm đang sử dụng. Dưới cùng bể lọc là lớp sỏi đỡ dày khoảng 1 gang, trên lớp sỏi đỡ là lớp cát dày khoảng 2,5-3 gang. Chú ý không dùng đệm mút, loại đệm lót giường hoặc than củi. Các vật liệu này dễ sinh phản ứng phụ, sau một thời gian sử dụng, chúng có thể làm tăng nồng độ nitric trong nước.
- Những hộ gia đình dùng bơm tay: Cho nước từ vòi bơm rót vào máng mưa. Máng mưa cần có nhiều lỗ nhỏ để không khí dễ tan vào nước, phát huy hiệu quả ôxy hóa của ôxy có sẵn trong không khí.
Bể lọc ba ngăn: Các gia đình nên xây bể lọc nước ba ngăn khử asen một cách hữu hiệu nhất. Ngăn đầu dùng lọc cặn, nước thô chảy từ dưới lên, có đường xả cặn ở đáy. Ngăn thứ hai dùng lọc tinh, nước chảy từ trên xuống. Ngăn thứ ba dùng chứa nước sạch. Kích thước tối ưu lọc phụ thuộc vào công suất, lưu lượng từng giếng. Thạch tín (asen) nguy hiểm nhưng không đáng sợ nếu chúng ta hiểu và biết khống chế chúng. Những biện pháp đơn giản, ít tốn kém và lại rất hiệu quả.
10 triệu người có nguy cơ mắc bệnh do dùng nước nhiễm asen Ngày 21-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Y tế dự phòng; Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học về xử lý asen tại hộ gia đình. Cho đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể số người bị bệnh do ảnh hưởng của asen. Tuy nhiên, thống kê ban đầu của UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc), tại Việt Nam có khoảng 10 triệu người có nguy cơ bị bệnh do tiếp xúc với asen. Hiện nay, những số liệu thu thập được cho thấy sự ô nhiễm asen ở miền bắc cao hơn miền nam. Đáng chú ý là cả vùng đồng bằng sông Hồng đều nằm trong tình trạng đáng lo ngại về mức độ ô nhiễm asen. Tiến sĩ Trần Hữu Hoan – Viện Hóa học công nghiệp cho biết: Việt Nam đã được đánh dấu trên bản đồ ô nhiễm asen của thế giới. Nghiên cứu đánh giá chất lượng nước ngầm tại các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm (Hà Nam) một cách ngẫu nhiên của Viện Địa lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện từ năm 2001 hàm lượng asen trong nước ngầm qua xét nghiệm mẫu nước của 56 giếng khoan của những nơi này mức độ ô nhiễm asen rất cao. UNICEF khẳng định mức độ ô nhiễm asen của Hà Nam nghiêm trọng như ở Bangladesh - nơi được đánh giá là có độ ô nhiễm asen cao trên thế giới. Tuy nhiên, khảo sát của các chuyên gia tại ba xã Hòa Hậu, Bồ Đề và Vĩnh Trụ (Hà Nam) đã phát hiện 28,3% bị các bệnh về da (so với tỷ lệ trung bình cả nước là 3-5%). Tại ba xã này tỷ lệ ung thư các bộ phận tiêu hóa và tiết niệu cao hơn các dạng ung thư khác, có 31 trường hợp thiếu máu trong đó 28 người thiếu máu có liên quan đến nhiễm độc asen mãn tính. |