Với hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow kết hợp bảo quản KoMot, Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật Anh Thi mang đến giải pháp mới thay thế hóa chất trong bảo quản nông sản. Ưu điểm của giải pháp này là chi phí thấp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm phụ thuộc vào hóa chất, tăng hiệu quả trong kiểm soát sâu mọt, bảo đảm chất lượng nông sản. Nguyên lý của công nghệ là tạo ra môi trường trong các phòng hun trùng kín với nồng độ oxy rất thấp (dưới 1%), giúp ngăn chặn hô hấp và trao đổi chất của các loài gây hại, tiêu diệt các côn trùng ở tất cả các giai đoạn phát triển, bao gồm ấu trùng, nhộng và côn trùng trưởng thành. Công nghệ KoMot sử dụng bạt hoặc kén để tạo môi trường kín khí, đáp ứng tiêu chuẩn hun trùng nghiêm ngặt mà không cần hạ tầng cố định. Bạt và kén hun trùng cho phép xử lý linh hoạt nhiều loại nông sản, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn trong nước mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu, thúc đẩy nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, còn có các công nghệ, giải pháp đáng chú ý như máy bó rau do một doanh nghiệp tại Quận 12 chế tạo. Bằng công nghệ tự động hoàn toàn, chỉ trong một giây máy có thể hoàn thành một bó rau, nhanh gấp năm lần so với làm thủ công. Theo doanh nghiệp này, dây sử dụng buộc rau có thể thay đổi kích thước tùy vào sản phẩm nhưng phải có tính chất co giãn, máy mới có thể thực hiện. Ngoài bó rau, máy còn bó hoa, và có thể bó các sản phẩm khác theo ý muốn của người dùng. Hay thiết bị máy pha chế và định lượng dung dịch như pha thuốc, phân bón, hóa chất… được trộn đều với nước theo tỷ lệ được người dùng thiết lập. Máy hoạt động với lưu lượng từ 750-13.000 lít/giờ tùy loại máy, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, nhân lực so với bón phân, phun thuốc thủ công. Trạm đo môi trường đo các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa, hướng gió..., các dữ liệu này được lưu trữ theo thời gian thực, lập báo cáo và xuất dữ liệu theo yêu cầu, và được cập nhật liên tục giúp người quản lý có thông tin phục vụ kế hoạch chăm sóc, quản lý dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Thiết bị hoạt động bằng pin mặt trời vận hành tối đa
10 ngày trong điều kiện không nắng. Chế phẩm vi sinh cải tạo đất được tổng hợp từ bảy chủng vi sinh vật có lợi. Sản phẩm khi sử dụng có thể giúp phân giải nhanh phế thải nông nghiệp và dinh dưỡng khó tan trong đất làm phân bón. Đồng thời, chế phẩm còn có khả năng cải tạo đất trồng, cân bằng pH của đất, tạo các chất kích thích sinh trưởng tự nhiên cho cây từ vi sinh vật. Máy bay không người lái phục vụ phun thuốc trong nông nghiệp. Sản phẩm này có hai phiên bản mang tải trọng tối đa 20 kg và 30 kg, với thời gian bay 18 phút, ở độ cao tối đa 20m…
Tại Techmart 2024, khoảng 50 doanh nghiệp, các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố lân cận, các trường, viện giới thiệu 118 công nghệ phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch. Điển hình là các công nghệ, giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp; công nghệ IoT (Internet vạn vật) và cảm biến trên cánh đồng-nhà kính nhà màng; công nghệ học máy và phân tích; máy bay không người lái giám sát cây trồng; công nghệ liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn; công nghệ hỗ trợ quản trị hoạt động nông nghiệp; công nghệ sinh học và cơ khí tự động hóa… Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết: Techmart 2024 với mục đích thúc đẩy phát triển thị trường khoa học-công nghệ, tạo điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, từ kết quả khảo sát các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, đội ngũ các chuyên gia đến từ trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu sẽ thường trực tư vấn miễn phí về công nghệ, thiết bị và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghệ sinh học và cơ khí tự động hóa.
Chợ công nghệ, thiết bị là nơi để các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra sản phẩm mới. Qua đó, tạo điều kiện đưa công nghệ mới, các giải pháp thông minh, chuyển đổi số ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Trong khuôn khổ Techmart 2024, còn diễn ra
13 chuyên đề, hội thảo. Tại hội thảo Ứng dụng công nghệ enzyme và công nghệ lên men nhằm chế biến sâu một số loại trái cây và phụ phẩm trái cây, Tiến sĩ Phạm Minh Nhựt, Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) cho biết: Việt Nam có sản lượng trái cây rất lớn, nhiều loại có giá trị cao. Tuy nhiên, giá trị sử dụng của trái cây còn hạn chế, nhất là sự lãng phí nguồn phụ và phế phẩm trái cây. Hiện nay, một số loại trái cây như sầu riêng, xoài đang phát triển vùng trồng rất mạnh, kéo theo lượng lớn phụ phẩm từ trái cây có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhằm áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và chế biến sâu, nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học của HUTECH đã áp dụng công nghệ thủy phân bằng enzyme và công nghệ lên men để tận dụng nguồn phụ, phế phẩm của quá trình sản xuất và chế biến trái cây (chuối, xoài, sầu riêng, nhãn) tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm…■