Đường về Ninh Vân quanh co trên dãy Hòn Hèo mây phủ. Đi trên đèo, nhìn xuống bên dưới là biển xanh ngăn ngắt và những bãi cát trắng tinh. Có rừng. Có biển. Cảnh tượng ngoạn mục vô cùng. Bây giờ đang là mùa mưa, cây cỏ mướt mát, xanh tươi; nhiều đoạn, con đường đi giữa hai hàng cây rợp bóng. Và, hoa ngũ sắc trải dài ngút ngát, sắc hương nồng nàn.
Tôi đã về với Ninh Vân nhiều lần. Là xã bán đảo, trước đây, Ninh Vân không có đường bộ đi vào. Ba phía Bắc, Đông, Nam của Ninh Vân đều giáp biển. Còn phía Tây lại tựa vào dãy Hòn Hèo cao ngất, hiểm trở. Bấy giờ, phương tiện đi lại duy nhất của Ninh Vân là thuyền, đò. Bệnh tật, sinh nở cứ như những thách đố sinh tử.
Đưa vào sử dụng từ năm 2011, con đường đèo dài 11km quanh co trên sườn núi Hòn Hèo, có độ cao từ 400 đến 500 mét so với mặt biển, nối liền xã đảo Ninh Vân với xã Ninh Phước được coi là chiếc chìa khóa vàng mở ra nhiều cơ hội mới cho Ninh Vân phát triển.
Chỉ mới mấy năm, trở lại, từ đỉnh đèo nhìn xuống, tôi đã thấy diện mạo Ninh Vân khác hẳn. Lô nhô ngói đỏ nổi bật giữa nền trời xanh, biển xanh. Phía dưới chân núi là những vạt đất vuông vức trồng tỏi xanh rờn. Có cả sân bóng đá cỏ non xanh mướt. Cảnh vật như một bức phối màu đầy sức sống.
Người Ninh Vân có giọng nói khá đặc biệt, vừa đậm chất Ninh Hòa lại vừa pha chút miền biển. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, các bậc cao niên ở đây kể, hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, Ninh Vân chỉ có khoảng 50 hộ dân, trai tráng chỉ vài chục người. Nhưng, người dân ở đây đã khiến giặc thù nhiều phen khiếp đảm. Đến khi chống Mỹ, số hộ dân có tăng lên một chút, nhưng vẫn là ít ỏi.
Còn nhớ, những năm 1960-1962, biết người dân ở đây một lòng theo cách mạng, giặc đem tàu há mồm đến bốc dân đi, để tách cá ra khỏi nước. Nhưng, mặc cho súng ống, lưỡi lê, có sáu hộ dân đã kiên cường ở lại, bám làng, bám đất. Sáu hộ dân, mỗi hộ như một thành trì, vững chãi. Giặc càn như lược chải. Nhưng, hơn ai hết, người dân nơi này thấu hiểu mảnh đất của mình, cho nên có cách, giặc càn thì tránh; giặc rút lại ra. Nguy khó là vậy, mà ngay tại miếu Ông Cọp sát trụ sở Ủy ban nhân dân xã bây giờ đã diễn ra nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, quyết định nhiều công việc quan trọng của phong trào cách mạng tỉnh Khánh Hòa.
Men theo con đường quanh co trên triền đồi, tôi tìm đến bia tưởng niệm, nơi thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội của anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Khi tôi đến, đã có rất nhiều cháu nhỏ học sinh đang quét dọn, chăm sóc hoa cỏ. Dưới tán cây xanh mát, tấm bia đá đơn sơ, giản dị ghi: “Nơi đây, ngày 1/3/1968, tàu 235 Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường khu 6 đã chiến đấu với bảy tàu chiến và hai liên đoàn biệt động Mỹ, ngụy; vẫn thả hàng an toàn và kịp thời hủy tàu. 14 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Phía trước, biển Ninh Vân lộng gió. Nơi này đây, con tàu C235 đã đến, và ở lại. Tôi cố hình dung hình ảnh con tàu lừng lững đi vào đây trong vòng vây của giặc thù.
Sử liệu hãy còn ghi: “Tối 29/2/1968, tàu C235 đến vùng biển Nha Trang, chuyển hướng vào bờ. Phát hiện tàu ta, địch lập tức huy động nhiều máy bay, tàu chiến bao vây, hòng bắt sống. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khéo léo điểu khiển tàu đến được bến Ninh Phước và thả hàng xuống nước. Sau khi anh em đã rút hết lên bờ, anh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại trực tiếp điểm hỏa bộc phá hủy tàu. 2 giờ 40 phút ngày 1/3/1968, một cột lửa bùng lên, kế đó là một tiếng nổ dữ dội, chấn động tới tận thành phố Nha Trang. Sức công phá khủng khiếp của khối thuốc nổ khiến con tàu C235 đứt làm đôi, một nửa chìm xuống đáy biển, nửa còn lại văng lên nằm lưng chừng núi Bà Nam, nơi tôi đang đứng. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh anh dũng hy sinh cùng 13 đồng đội, khi anh đang ở tuổi 35”.
Viết về sự kiện này, báo chí chính quyền Sài Gòn lúc ấy đã dành những cụm từ như “gan góc”, “thiện chiến”, “nổ súng đến viên đạn cuối cùng”, “hy sinh với con tàu”… đầy thán phục.
Tàu C235 là một trong những con tàu hoạt động trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Thời đó, giặc thù đã tìm đủ mọi cách ngăn chặn con đường vận tải trên biển của chúng ta. Bởi chúng đánh giá đây là con đường cực kỳ nguy hiểm. Nhưng, qua bao nhiêu bủa vây, bao nhiêu thủy lôi, tàu chiến, đoàn tàu không số vẫn cứ lặng lẽ mà kiên cường vượt đại dương mịt mùng hàng nghìn hải lý mà chi viện kịp thời, hiệu quả cho chiến trường miền nam.
Tôi đã nghe nhiều người nhắc tới những bức thư người anh hùng Nguyễn Phan Vinh gửi cho bạn thân của mình là ông Trần Phong, nguyên Quyền đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân, nay là Lữ đoàn 125 anh hùng. Có người còn cẩn thận chép vào sổ tay những đoạn như: “… chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân…”, hoặc: “Tạm gác lại những tình cảm riêng tư để dồn cho điều duy nhất đó là bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, với niềm tin vững chắc vào thắng lợi…”. Anh đã viết, và đã làm như vậy, với lý tưởng cao đẹp, tinh thần lạc quan và một niềm tin chắc thắng.
Trong nghi ngút khói hương, tôi thầm đọc tên tuổi của 14 người con đến từ khắp mọi miền đất nước. Các anh không sinh ra cùng một ngày, nhưng đã cùng nhau một ngày tạc vào lịch sử một chiến tích oai hùng, như một huyền thoại thời hiện đại. Dấu tích con tàu vẫn còn đây. Nhưng, mảnh vỡ con tàu giờ không còn là những khối sắt vô hồn, mà đã trở thành chứng nhân - chứng nhân của trí thông minh tuyệt diệu, lòng quả cảm vô biên, đức hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam quyết chiến đấu vì chính nghĩa. Câu chuyện về đường Hồ Chí Minh trên biển, về con tàu C235 đã thành khúc tráng ca bất tử của những người giữ nước trên vùng biển Ninh Vân, Hòn Hèo.
Tại khu tưởng niệm, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Bá Cường, nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa, nay là thị xã Ninh Hòa. Ngày tàu C235 hy sinh, ông là y tá Trạm xá Hòn Hèo. Ông kể, có tới hơn nửa số thành viên tàu C235 bị thương và đều trong tình trạng kiệt sức nặng. Trong điều kiện rất khó khăn, Trạm xá đã hết sức cứu chữa, bồi bổ sức khỏe rồi tìm cách liên lạc đưa các anh về căn cứ. Vợ ông Cường, bà Phạm Thị Hường, khi đó đang làm việc tại bến K67, đóng tại Ninh Vân, trực tiếp chăm sóc năm chiến sĩ sống sót một cách kỳ diệu sau hơn cả chục ngày đêm chống chọi với thương tích, đói khát. Trong cuộc sống yên bình hôm nay, hàng năm, cứ đến ngày 1/3, vợ chồng ông Cường, bà Hường thành kính làm giỗ cho các anh ngay tại nơi tàu C235 hy sinh.
Ngay nơi anh hy sinh, trên mảnh đất Ninh Vân này đã có một ngôi trường cấp hai khang trang mang trên Nguyễn Phan Vinh, đứng ngay bên bờ biển quê hương lồng lộng gió. Trường được đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2008-2009. Thực hiện một trong năm nội dung chương trình Trường học thân thiện, học sinh tích cực, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, về đoàn tàu không số, về đường Hồ Chí Minh trên biển... Hằng tuần, các em học sinh, đội viên thay nhau đến bia tưởng niệm chăm sóc, hương khói. Tôi chú ý, trên tờ bích báo lớp 8A trường Nguyễn Phan Vinh, một học sinh viết ngay ngắn: Ninh Vân quê em có Hòn Hèo xinh tươi... Các em có quyền tự hào về điều đó, một quê hương anh hùng.
Bây giờ, ở Khánh Hòa, trên quần đảo Trường Sa, đã có đảo mang tên Phan Vinh, ngày ngày được quân dân chăm chút dựng xây. Trước đây, hòn đảo này có tên gọi là Hòn Sập. Trong một lần đi kiểm tra công tác tại đây, đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đề nghị đổi tên Hòn Sập thành Phan Vinh. Và, với phẩm chất một người anh hùng, đảo Phan Vinh đã vững vàng, hiên ngang giữa biển trời giông gió.
Những ngày này, đến Ninh Vân có thể cảm nhận được một không khí, một tình cảm nồng ấm người dân nơi này dành cho những người đã ngã xuống. Ninh Vân rộn ràng cờ hoa. Người lớn, trẻ em, cùng chung tay dọn dẹp, trang trí cho khu di tích thêm gọn, thêm đẹp. Ai ai cũng nói về công việc với niềm tự hào không giấu được. Hoa trái tươi tắn. Ngày 1/3 hằng năm, Đoàn thanh niên xã Ninh Vân tổ chức cho thanh thiếu niên trong xã đến đây dâng hương, tưởng niệm. Mỗi khi địa phương có hoạt động về nguồn đều chọn khu di tích này làm nơi tổ chức. Riêng ngày 23/10, tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức lễ kỷ niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, Trà Văn Hải cho biết, Ninh Vân không chỉ có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đánh bắt hải sản mà còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch với bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, khung cảnh núi non hùng vĩ, môi trường trong lành. Đến nay, Ninh Vân có nhiều khu du lịch cao cấp đang hoạt động, thu hút khách du lịch hạng sang như khu nghỉ dưỡng năm sao Six Senses Ninh Vân Bay; khu Villa An Lâm Ninh Vân Bay... có giá lưu trú tới cả nghìn USD mỗi đêm. Từ năm 2016, khu tưởng niệm tàu C235 đã trở thành điểm đến tham quan, học tập của đông đảo người dân, du khách gần xa, trong đó có cả khách nước ngoài.
“Một trong những ước nguyện lớn nhất của bà con ở đây là trục vớt phần còn lại của con tàu C235 đang còn nằm yên dưới đáy biển Ninh Vân. Đem phần còn lại ấy của con tàu lên bờ; gắn với các công trình hiện có mà xây dựng thành một quần thể di tích giàu tính thuyết phục, truyền tới mai sau những câu chuyện lịch sử oai hùng của dân tộc”, Chủ tịch Trà Văn Hải chia sẻ.
Trời chuyển mưa sớm. Tôi vội chia tay anh em ở xã. Bởi, cứ muốn nhìn Ninh Vân thêm một lần nữa từ đỉnh đèo, trước khi làn mưa che mờ khuất.
Ninh Vân - Nha Trang, tháng 10/2021