Cựu Thủ tướng Abe, 67 tuổi, đã bị bắn từ phía sau vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 8/7 (theo giờ Tokyo) trong lúc đang phát biểu để vận động tranh cử cho một ứng viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, thủ phủ của tỉnh Nara.
Ông được đưa tới bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau đó, bất chấp các nỗ lực của đội ngũ y tá và bác sĩ, chính trị gia này vẫn không qua khỏi.
Tại cuộc họp Nội các, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ thị thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.
Nhiều người hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn của các vụ tấn công tương tự khi chỉ còn 2 ngày nữa, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu để bầu các thành viên mới cho Thượng viện.
Ngay sau khi nhận được tin về vụ tấn công, Thủ tướng Kishida đã rời tỉnh Yamagata, nơi ông đang vận động tranh cử, để quay về thủ đô Tokyo vào đầu giờ chiều.
Theo thông tin xác nhận từ Bệnh viện Đại học Y Nara, cựu Thủ tướng Abe đã qua đời vào lúc 17 giờ 3 phút chiều 8/7.
Sự kiện này đã gây chấn động “đất nước Mặt Trời mọc” vì Nhật Bản là một trong những nước có quy định khá nghiêm ngặt về việc sở hữu và sử dụng súng đạn, và vụ tấn công lại xảy ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện.
Từ các chính trị gia và lãnh đạo kinh tế cho tới những người dân thường ở nước này đều tỏ ra bàng hoàng trước vụ tấn công.
Sau khi xảy ra vụ tấn công, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một nghi phạm và thu giữ một khẩu súng ngay tại hiện trường.
Nghi phạm là Tetsuya Yamagami, năm nay 41 tuổi, đã từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong 3 năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara.
Trong quá trình thẩm vấn, nghi phạm Yamagami đã khai với các nhân viên điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này.
Hiện cảnh sát Nhật Bản đang tiếp tục điều tra để làm rõ động cơ của vụ tấn công.
Thủ tướng Kishida đã lên án vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe trong khi Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định sẽ không dung thứ cho bất cứ hành động tàn ác nào.
Cùng với ông Matsuno, nhiều thành viên trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập đã lên án vụ tấn công và tuyên bố “không dung thứ cho bạo lực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng không khỏi chấn động, nhất là khi ông Abe chính là “cha đẻ” của các chính sách kinh tế Abenomics, vốn đã mang lại cho Nhật Bản giai đoạn tăng trưởng liên tục dài nhất trong thời hậu Thế chiến Thứ hai.
Trao đổi với các phóng viên ở tỉnh Nagano, ông Kengo Sakurada, Chủ tịch Hiệp hội các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản (Keizai Doyukai), cho rằng vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe là thách thức nghiêm trọng, là hành động không thể tha thứ.
Người dân ở trên khắp Nhật Bản, nhất là ở tỉnh Yamaguchi - khu vực bầu cử của cựu Thủ tướng Abe, cũng "bị sốc" trước thông tin trên.
Vụ việc cũng khiến nhiều nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao trên thế giới bất ngờ và bàng hoàng.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết rất sốc khi nghe thông tin về vụ việc, đồng thời tuyên bố liên minh quân sự này sát cánh với Nhật Bản và chính phủ nước này dưới thời đương kim Thủ tướng Kishida Fumio.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cùng ngày cũng bày tỏ kinh hoàng trước vụ tấn công nhằm vào cựu lãnh đạo Nhật Bản.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này bàng hoàng trước vụ việc, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình ông Abe.