Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương trong tỉnh khác nhau nhưng mỗi địa phương đều có cách làm riêng để hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Những năm qua, huyện Phù Ninh luôn coi sự nghiệp phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến hết năm 2025 có 100% các trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia.
Đến nay, toàn huyện có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên về trình độ chuyên môn, trong đó hơn 80% có trình độ trên chuẩn. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm đạt hơn 99% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong 5 năm qua đã huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục được hơn 31,401 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường xây dựng chuẩn quốc gia.
Còn tại huyện Cẩm Khê, phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp quản lý và các nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Do đó, ngoài quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, việc thực hiện phong trào này được ngành gắn chặt với các yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá, về công tác kiểm định chất lượng giáo dục cũng như công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo.
Thầy giáo Bùi Ngọc Luận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê cho biết, toàn huyện có 74/87 trường học đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến hết năm 2022, toàn huyện có 80/87 trường, đạt tỷ lệ 91,9%. Kết quả này không chỉ giúp ngành giáo dục có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện đổi mới giáo dục, triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn hoàn thành tốt mục tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh đã đi vào nền nếp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành giáo dục triển khai đồng bộ là hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo. Vì đây là những tiêu chí bắt buộc trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 775/877 trường (đạt 88,37%) trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, mầm non có 245/309 trường, tiểu học có 270/275 trường, trung học cơ sở có 225/246 trường, trung học phổ thông có 35/47 trường.
Tuy nhiên, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại một số địa phương của tỉnh Phú Thọ còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển, nhất là tại các địa bàn miền núi. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác kiểm định và xây dựng trường chuẩn quốc gia; chưa làm tốt công tác xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục Phú Thọ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp các ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 708 trường được đánh giá ngoài trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.