Ðây là hội nghị cấp cao toàn cầu đầu tiên bàn về tác động của AI, diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về rủi ro từ công nghệ mới nổi này, như tình trạng mất việc làm, tấn công mạng... Hội nghị do Thủ tướng Anh Rishi Sunak chủ trì, với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), 28 quốc gia trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Ðộ, cùng đại diện các công ty công nghệ hàng đầu, các học giả, nhà nghiên cứu.
Trong tuyên bố sau hội nghị, Chính phủ Anh nêu rõ: AI mang lại cơ hội to lớn và là lĩnh vực tiềm năng giúp nâng cao phúc lợi, hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Tuy nhiên, việc cố ý lạm dụng AI gây ra rủi ro đáng kể, nhất là về an ninh mạng, công nghệ sinh học, thông tin sai lệch; rủi ro có thể được giải quyết tốt nhất thông qua hợp tác quốc tế. Thủ tướng Anh khẳng định, nếu các nước duy trì hợp tác theo thỏa thuận, AI sẽ được sử dụng theo cách tốt nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, cùng với lợi ích và cơ hội, AI phát triển nhanh chóng cũng có thể kéo theo những hậu quả lâu dài trong mọi lĩnh vực, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng. Liên hợp quốc kêu gọi, trước rủi ro từ AI, thế giới cần có phản ứng thống nhất, bền vững, mang tính toàn cầu, dựa trên chủ nghĩa đa phương và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Tại hội nghị, 28 quốc gia đã ký Tuyên bố Bletchley nhằm thúc đẩy nỗ lực phối hợp toàn cầu để bảo đảm an toàn trong lĩnh vực AI. Tuyên bố nhấn mạnh mục tiêu phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm sử dụng và nghiên cứu AI an toàn và tăng cường hợp tác khoa học. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng Australia, Hàn Quốc, Singapore và EU ký thỏa thuận với OpenAI, Anthropic, Google DeepMind và Microsoft về thử nghiệm các mô hình AI mới nhất.
Hội nghị nhất trí Hàn Quốc sẽ đồng đăng cai Hội nghị cấp cao trực tuyến về an toàn AI trong sáu tháng tới; Pháp sẽ tổ chức hội nghị tiếp theo vào tháng 11/2024.