Có mặt tại hiện trường ngay khi nhận tin mưa lũ cuốn trôi bốn công nhân đang thi công hầm ngầm thủy điện bản Phi Lĩnh, ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Vào khoảng 6 giờ sáng 3/7, mưa lũ từ khe suối bản Phi Lĩnh bất ngờ đổ về, tràn vào hầm số 3 thủy điện Phi Lĩnh cuốn trôi bốn công nhân đang thi công tại cửa hầm. Được sự hỗ trợ giúp sức của công nhân, người dân quanh khu vực, ba công nhân, gồm các anh: Giàng A Chớ, Giàng A Lử, Sùng A Cử được cứu khỏi dòng nước lũ và chuyển ngay đến Trung tâm Y tế huyện Mường Chà điều trị chấn thương. Một công nhân xấu số - anh Lý A Dia (sinh năm 1997) thường trú tại bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn bị mắc kẹt trong hầm ngập nước, lực lượng cứu hộ với nhiều máy móc, thiết bị tìm mãi chưa thấy.
Được sự hỗ trợ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy-cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Điện Biên, từ 13 giờ ngày 3/7, số người tham gia cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn lên tới hàng trăm người, gồm các lực lượng: Dân quân; cán bộ, chiến sĩ công an, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, công nhân Công ty TNHH số 6 Điện Biên; cán bộ, nhân dân xã Si Pa Phìn cùng 42 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy-cứu hộ cứu nạn.
Địa điểm tìm kiếm người bị nạn là một đường hầm có chiều dài hơn 230 mét, ngập bùn nước; hầm chạy xuyên lòng núi đá ở biên giới xa xôi thuộc bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn nên công tác cứu hộ rất khó khăn. Thượng tá Thiều Xuân Vương, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy-cứu hộ cứu nạn cho biết: Tổng thể tuyến hầm dài hơn 230 mét chạy sâu trong lòng núi; độ dốc từ cửa hầm vào theo chiều nghiêng 5%. Toàn tuyến hầm ước có hàng nghìn mét khối nước, bùn đất; càng vào đáy hầm càng nhiều bùn, đất.
Sử dụng đồng thời năm máy bơm áp lực lớn hút nước trong hầm ra, sau đó cho thuyền và cán bộ, chiến sĩ dùng bình lặn tìm người mất tích, ban đầu lực lượng cứu hộ dự kiến sẽ tiếp cận đáy hầm sau khoảng 20 tiếng làm việc liên tục. Nhưng càng vào sâu bên trong càng thiếu khí, nước và bùn đặc khoang hầm, khiến việc cứu hộ khó khăn hơn rất nhiều. Trong đêm mồng 3, rạng sáng 4/7 có hai thành viên đoàn cứu hộ bị ngạt khí nhưng được hỗ trợ kịp thời, không nguy hiểm tính mạng.
Chiều 4/7, lực lượng cứu hộ đã hút cơ bản nước, bùn trong 150 mét hầm. Khoảng còn lại chỉ hơn 80 mét song lượng nước còn nhiều, bùn đặc hơn; khối lượng ước gần 1.000m3. Lực lượng cứu hộ phải huy động thêm hai máy bơm điện công suất lớn từ thành phố Điện Biên Phủ gửi vào để thay cho các máy bơm ba pha hệ thống điện để bảo đảm an toàn cho lực lượng trong hầm. “Gần trăm con người cùng năm máy bơm hoạt động tối đa công suất hút nước, hút bùn xuyên đêm với hy vọng sáng 5/7 tiếp cận được đáy hầm. Tuy nhiên tình hình không như dự kiến. Càng vào sâu bùn càng nhiều, máy hút công suất lớn chỉ chạy được một lúc lại phải dừng; lực lượng cứu hộ nhiều người kiệt sức” - Thượng tá Thiều Xuân Vương lo lắng.
Cuối chiều 5/7 hầu hết các máy bơm “được nghỉ” vì bị hỏng hoặc không đủ công suất hoạt động trong hầm sâu. Thế nhưng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng cứu hộ cùng dân quân địa phương vẫn tiếp tục múc từng xô bùn từ trong hầm. Ai cũng thấm mệt, lo lắng nhưng mỗi người đều tự nhủ, còn hy vọng còn tìm kiếm; cho dù hy vọng tìm được người còn sống là rất mong manh, họ vẫn dốc sức lực tìm người.
Sát cánh cùng đồng đội tìm kiếm người bị nạn suốt nhiều ngày qua, đến chiều 5/7, Đại úy Lê Hoàng Hà Nam, đã thấm mệt. Vậy mà khi hết ca tìm kiếm của mình, anh vẫn tình nguyện ở lại hiện trường hỗ trợ mọi người. Gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, Hà Nam nói: Về lán lúc này em không yên tâm. Trong khi mọi người làm việc quần quật để chạy đua với thời gian thì em không nghỉ được…! Nói rồi, Nam cùng đồng đội rảo bước về phía hầm.