Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tăng cường đầu tư phát triển nguồn và lưới điện thì việc nỗ lực thực hành tiết kiệm điện có vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo thống kê của EVN, ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Cả nước có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này tiết giảm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm thì tương đương giảm 1,4 tỷ kW giờ, tức là tiết kiệm được khoảng 2.700 tỷ đồng.
Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kW giờ, tương đương 1.174 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm hai nhóm này có khả năng tiết kiệm tối thiểu 3.874 tỷ đồng. Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng cũng khá lớn. Theo Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hằng năm là hơn 40%.
Trong giai đoạn 2010-2021, cả nước tiết kiệm được 37,1 tỷ kW giờ điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện (tạm tính giá điện bình quân bằng 1.800 đồng/kW giờ); kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm. EVN cũng đã thực hiện giảm tổn thất điện năng tốt hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo từng giai đoạn, từ mức 10,48% năm 2010 xuống còn 6,27% năm 2021.
Hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng GDP/tăng trưởng điện) đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), khẳng định sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm. Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực/công ty điện lực tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng về các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
EVN và các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, kênh tuyên truyền phong phú, đa dạng, từ tư vấn trực tiếp với khách hàng, tuyên truyền tại các trường học, thông tin trên báo chí, đài phát thanh truyền hình của các địa phương và trên các nền tảng mạng xã hội...
Theo Bộ Công thương, Chính phủ không ngừng nỗ lực tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), ngành công nghiệp chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các khảo sát thực tế của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn, vào khoảng từ 20%-30% tổng năng lượng tiêu thụ.
Chương trình VNEEP3 đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Triển khai VNEEP3, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết; nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Qua các kết quả nêu trên cho thấy, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng đã đi vào cuộc sống; người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, quá trình này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo EVN, việc chậm ban hành các quy định, hướng dẫn về định mức tiêu hao năng lượng, danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ dẫn tới thiếu các rào cản kỹ thuật để hạn chế các công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, điển hình là các nhà máy xi-măng, nhà máy thép...
Hệ số đàn hồi của Việt Nam tuy có giảm dần qua các năm nhưng với mức 1,49 lần (năm 2021), vẫn cao so với khu vực và thế giới (bình quân hệ số đàn hồi của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần), thể hiện hiệu quả sử dụng năng lượng điện của nền kinh tế còn thấp.
Phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến, vượt quy hoạch (như sắt, thép, xi-măng, nuôi tôm công nghiệp...) nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng, giá trị gia tăng không cao. Các cơ chế khuyến khích của Nhà nước để thúc đẩy sử dụng năng lượng điện hiệu quả được các doanh nghiệp mong đợi như giảm/miễn/khấu trừ thuế cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng hiện chưa được cụ thể hóa, chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước; chưa cụ thể hóa cơ chế ưu đãi vay vốn cho các doanh nghiệp sản xuất-công nghiệp và thương mại để thực hiện các giải pháp tiết kiệm.
Chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện để áp dụng, đánh giá kết quả thực hiện tiết kiệm điện của các tỉnh/thành phố trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa hiệu quả, chưa phát hiện và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Duy |
An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Do đó, việc cần thiết là phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Với tinh thần đó, EVN đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn 2022-2025; điện tử hóa các tài liệu tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trên phạm vi cả nước, thường xuyên, liên tục, trên các kênh truyền thông truyền thống và mạng xã hội; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và Điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.
Theo đó, EVN đang thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kW giờ/năm trở lên; các cơ sở này phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm; tham mưu các Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh, thành phố các giải pháp tiết kiệm điện đối với các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kW giờ/năm trở lên để đưa vào kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm của địa phương; phối hợp Sở Công thương, đơn vị tư vấn tổ chức các đợt tuyên truyền/tư vấn tới các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kW giờ/năm trở lên các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua các hội thảo, hội nghị chuyên đề; duy trì, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện Chương trình DR và chăm sóc khách hàng miễn phí đối với 10.049 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kW giờ/năm trở lên (đã bao gồm các khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định hằng năm của Thủ tướng Chính phủ).
Thực hiện các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại theo yêu cầu của các cấp điều độ, dự kiến công suất đỉnh điều chỉnh phụ tải điện các năm trong giai đoạn 2022-2025 lớn hơn hoặc bằng 1.500MW. Đến nay, Chương trình DR đã đạt kết quả tích cực, nhiều doanh nghiệp đồng tình và hưởng ứng, tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực; có doanh nghiệp đã giảm được 20-30% tiền điện hằng tháng so trước đây. Chương trình DR sẽ góp phần cân bằng cung cầu, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm áp lực đầu tư nâng cấp hệ thống điện, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; dịch chuyển nhu cầu sử dụng điện sang giờ thấp điểm...
Để công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao hơn, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ ≥ 1 triệu kW giờ/năm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm (bao gồm cả các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ).
Bộ Công thương sớm rà soát kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010) theo hướng chuyển từ cơ chế "tự nguyện" sang "bắt buộc"; bổ sung hoạt động mô hình kinh doanh của công ty dịch vụ năng lượng (ESCO); quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng...; phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành: cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; cơ chế tài chính để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm và thiết bị có hiệu suất cao.
Bộ Công thương cũng cần nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng phân tán, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, ưu tiên tự dùng để phát huy tiềm năng thiên nhiên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn năng lượng xanh, sạch; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong từng ngành sản xuất công nghiệp; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia các Chương trình DR như: giá điện hai thành phần (công suất và điện năng); giá cao điểm tới hạn…
Nghiên cứu ban hành quy định, lộ trình loại bỏ đèn sợi đốt theo hướng cấm nhập khẩu, sản xuất và lưu thông tất cả các loại đèn tròn sợi đốt chiếu sáng (trừ loại đèn theo yêu cầu chuyên môn) từ năm 2024.