Hơn 80 bài tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện Học viện Tài chính, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hoc viện Chính sách phát triển, Đại học Quốc gia TP Hồ chí Minh, Học viện Cảnh sát và nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài ngành Tài chính… đã tiếp cận đa dạng và tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp thực hiện các nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, biến đổi khí hậu và khoa học, công nghệ số ngày càng làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc, cách thức hoạt động và năng lực cạnh tranh kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức đời sống xã hội toàn cầu, thì việc thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là cực kỳ quan trọng tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo tinh thần đó, trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần: Nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đặc biệt, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần phải đổi mới tư duy phát triển, phong cách làm việc và tiêu dùng, đẩy mạnh cải cách thể chế, đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; hướng tới mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao… như Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.