Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Do nhiều nguyên nhân, tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn. Từ thực tế này, ngành giáo dục các địa phương đang tìm cách để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm yêu cầu dạy và học…
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học mầm non ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Giờ học mầm non ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng cho biết, tính theo định mức, năm học 2024-2025, toàn tỉnh còn thiếu 1.519 giáo viên; trong đó, cấp mầm non thiếu 616, cấp tiểu học thiếu 383, cấp trung học cơ sở thiếu 258 và cấp trung học phổ thông thiếu 262 giáo viên. Nếu tính theo biên chế được giao, năm học 2024-2025, toàn tỉnh còn thiếu 1.295 giáo viên.

Do thiếu giáo viên so với biên chế giao và so với định mức rất cao cho nên ngành gặp nhiều khó khăn trong phân công, bố trí, sắp xếp đội ngũ bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh bất cập trong công tác tuyển dụng, không đáp ứng được yêu cầu thực tế, tỉnh còn vướng quy định về phân cấp khi tuyển dụng. Một số đơn vị sự nghiệp công lập không có người đăng ký dự tuyển hoặc số lượng người dự tuyển rất ít.

Mặt khác, do tuyển dụng theo vị trí việc làm cho nên người ứng tuyển thường tập trung đăng ký dự tuyển vào những đơn vị gần trung tâm thành phố theo nguyện vọng hoặc ở những vùng có chế độ ưu đãi cao. Ở vùng sâu, vùng xa, hoặc không có chế độ ưu đãi, rất ít người ứng tuyển đăng ký, dẫn đến tình trạng nơi cần thì không tuyển được người.

Tỉnh Long An hiện có 590 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông với tổng biên chế giao cho toàn ngành giáo dục của tỉnh là 19.564. Năm học 2024-2025, các bậc học trên địa bàn tỉnh Long An thiếu 1.169 giáo viên, trong đó, mầm non thiếu 197, tiểu học thiếu 369, trung học cơ sở thiếu 473 và trung học phổ thông thiếu 130 giáo viên.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là do thời gian qua, số học sinh đăng ký học ngành sư phạm ít, nhất là những môn học xã hội. Cùng với đó, chế độ tiền lương thấp, chưa tương xứng tính chất, mức độ và áp lực công việc của giáo viên. Mặt khác, yêu cầu về chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019 cao hơn so với trước đây cho nên một số giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn nhất định trong việc đào tạo lại…

Trước thực tế này, nhiều địa phương đã linh hoạt xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trong khi chờ tuyển dụng giáo viên theo biên chế giao, ngành giáo dục và đào tạo khắc phục bằng cách điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tổ chức cho giáo viên dạy thêm giờ hay hợp đồng chuyên môn, hợp đồng giáo viên thỉnh giảng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi yêu cầu ngành giáo dục tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu công tác tuyển dụng, các chính sách hỗ trợ để trình cấp thẩm quyền kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong những năm học tiếp theo cũng như tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên của tỉnh yên tâm công tác.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An Nguyễn Quang Thái, địa phương đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý; sáp nhập các trường có quy mô nhỏ lẻ theo hướng xây dựng trường nhiều cấp học, đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch hệ thống trường lớp.

Trong hai năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Long An đã “đặt hàng” các trường đại học sư phạm khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ chí Minh, Cao đẳng Sư phạm Long An và các cơ sở đào tạo khác 868 chỉ tiêu giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Tổng kinh phí hỗ trợ học phí đào tạo hơn 64 tỷ đồng. Riêng năm 2024, Long An triển khai “đặt hàng” các cơ sở đào tạo 2.083 sinh viên sư phạm từ mầm non đến trung học phổ thông, với tổng kinh phí chi cho toàn khóa đào tạo ước tính hơn 438,5 tỷ đồng.

Để thu hút 1.169 giáo viên các bậc học còn thiếu trong năm 2024, Long An thực hiện chế độ hỗ trợ 50 triệu đồng cho người được tuyển dụng vào làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Hiện có một thực tế, số lượng tuyển dụng giáo viên cho các môn học tự nhiên thì thừa, còn đối với môn ngữ văn và các môn học xã hội khác thì vẫn thiếu hụt nguồn tuyển dụng. Phân hiệu Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tại Long An đi vào hoạt động trong năm 2024 được coi là một trong những giải pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên cho ngành giáo dục và đạo tạo Long An trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ; quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là các chính sách đặc thù liên quan thu nhập, điều kiện làm việc để các thầy giáo, cô giáo ổn định cuộc sống và yên tâm công tác…