Nhìn lại SEA Games 29 Ma-lai-xi-a 2017

Nỗ lực hơn để có thể vươn tầm

Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29) tại Ma-lai-xi-a đã khép lại sau 11 ngày thi đấu chính thức. Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra và lọt tốp ba đoàn dẫn đầu trên bảng xếp hạng thành tích.

Một pha bóng đẹp của đội tuyển nữ Việt Nam (áo đỏ) tại SEA Games 29. Ảnh: HUY PHẠM
Một pha bóng đẹp của đội tuyển nữ Việt Nam (áo đỏ) tại SEA Games 29. Ảnh: HUY PHẠM

Đại hội lần này cũng ghi nhận thành công của thể thao nước ta ở nhiều môn thể thao cơ bản trong hệ thống Ô-lim-pích. Đây được xem là những thành tựu bước đầu từ sự đầu tư đúng hướng của ngành thể thao hướng tới các đấu trường châu lục và Ô-lim-pích.

Với 58 Huy chương vàng (HCV), 51 Huy chương bạc (HCB) và 60 Huy chương đồng (HCĐ), Đoàn thể thao Việt Nam một lần nữa xếp trong tốp ba đoàn dẫn đầu tại SEA Games. Đây được xem là thành công bởi hơn 90% số HCV của đoàn thể thao nước ta đều thuộc các môn thể thao cơ bản Ô-lim-pích và ASIAD. Trong đó, đáng kể nhất là thành tích đi vào lịch sử thể thao nước nhà và khu vực khi các tuyển thủ điền kinh Việt Nam giành được 17 HCV, “lật đổ” một cách ngoạn mục sự thống trị của điền kinh Thái-lan. Thành công này là bất ngờ lớn nhất bởi trước ngày khai mạc, những người làm chuyên môn chỉ đặt mục tiêu giành khoảng 11 HCV và cố gắng có được thành tích như đoàn Thái-lan.

Thực tế đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của điền kinh nước ta khi vượt xa đội tuyển điền kinh đông đảo của Thái-lan (có 90 VĐV nhưng chỉ giành được chín HCV). Cách đây hai năm, sau khi giành 11 HCV ở Xin-ga-po, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã có những thay đổi trong tuyển chọn, đầu tư và đào tạo để hướng tới mục tiêu dẫn đầu và thật vui mừng khi mục tiêu này sớm thành hiện thực.

Đóng góp vào thành công chung ấy, có thể kể tới nhiều tài năng trẻ còn có thể tiến xa trong tương lai. Nổi bật là VĐV mới 20 tuổi lần đầu tham dự SEA Games Lê Tú Chinh đã giành trọn ba HCV cự ly ngắn là 100 m, 200 m và tiếp sức 4x100 m nữ. Thành tích 23,32 giây ở cự ly 200 m của Tú Chinh đã tiệm cận cả kỷ lục SEA Games (23,30 giây) lẫn kỷ lục châu Á (22,48 giây) và hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương châu lục.

Tú Chinh cũng rất mạnh ở cự ly chạy 100 m, nhưng thành tích của cô ở nội dung này tại SEA Games chưa được như trong tập luyện. Nếu được đầu tư tốt hơn, kết hợp với kiên trì tập luyện và có điều kiện cọ xát tại các cuộc thi quốc để tích lũy kinh nghiệm, Tú Chinh chắc chắn còn vươn xa.

Ở môn điền kinh, VĐV Nguyễn Thị Huyền cũng đoạt hai HCV cự ly sở trường 400 m và 400 m rào nữ, song thành tích này không gây nhiều bất ngờ vì trong năm nay, cô đã hai lần giành HCV châu Á. Có thể nói, tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đã có trong đội hình dàn VĐV hội tụ từ kinh nghiệm, sức trẻ, sự bền bỉ và khát vọng chiến thắng. Việc bổ sung kịp thời lứa VĐV trẻ xuất sắc kết hợp với các VĐV lớn tuổi đã tạo nên chiến thắng lịch sử, bên cạnh quyết định cử VĐV sang Mỹ là nước có nền điền kinh phát triển hàng đầu thế giới để tập huấn dài ngày.

Cùng với điền kinh, bơi lội Việt Nam một lần nữa thể hiện ưu thế tại SEA Games khi góp vào thành tích chung 10 HCV. Bên cạnh sự ổn định của Nguyễn Thị Ánh Viên với tám HCV còn xuất hiện hai gương mặt trẻ nổi bật là Nguyễn Hữu Kim Sơn và Nguyễn Huy Hoàng. Ở độ tuổi 15, là VĐV trẻ nhất SEA Games 29 đoạt HCV cự ly 400 m hỗn hợp và lập kỷ lục đại hội đã cho thấy Kim Sơn sớm hoàn thiện được kỹ thuật và sức bền. Nếu được đầu tư tốt và tập luyện trong môi trường thuận lợi, Kim Sơn hoàn toàn có khả năng trở thành một VĐV xuất sắc ở các kỳ SEA Games sau và có thể vươn tầm châu lục. Ngoài ra, thành tích phá sâu kỷ lục SEA Games 15 phút 20 giây 10 của Huy Hoàng ở cự ly 1.500 m cũng rất ấn tượng và VĐV trẻ này còn nhiều cơ hội để nâng cao thành tích.

SEA Games 29 cũng ghi nhận thành công của đội tuyển thể dục dụng cụ nam khi đoạt năm trong bảy HCV của đại hội. Đội tuyển đấu kiếm tiếp tục thể hiện sự nổi trội trên đấu trường khu vực khi đoạt năm trong 10 HCV của SEA Games. Một thành tích đáng mừng là tấm HCV đầu tiên của đội tuyển bóng bàn Việt Nam ở nội dung đồng đội nam sau khi lật đổ sự thống trị 20 năm của Xin-ga-po cũng tạo ra sự tự tin hơn về một tương lai phát triển của bóng bàn nước ta. Ở môn pen-cát si-lát, tuy không phải là nội dung Ô-lim-pích, song chắc chắn lại là môn thi đấu tại ASIAD 2018 ở In-đô-nê-xi-a và đội tuyển pen-cát si-lát nước ta đã thi đấu xuất sắc khi có đến 10 võ sĩ lọt vào chung kết trong số 11 nội dung thi đấu.

Bên cạnh những thành công nêu trên, một số đội tuyển và VĐV được trông chờ “lấy vàng” đã có một kỳ SEA Games không như mong muốn. Đương kim vô địch bắn súng tại Ô-lim-pích 2016 là VĐV Hoàng Xuân Vinh đã thất bại ở cả hai nội dung sở trường vì yếu tố tâm lý và chỉ có được một HCB. Đương kim Á quân thế giới môn tê-cuôn-đô Trương Thị Kim Tuyền cũng không thể giành HCV.

Đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam ra quân rầm rộ với ba trận toàn thắng tại vòng bảng SEA Games đã dừng bước đáng thất vọng ở vòng loại từ những sai lầm chiến thuật và sai lầm cá nhân. Ngoài ra, các môn Ô-lim-pích như bắn súng, bắn cung, tê-cuôn-đô đều không hoàn thành chỉ tiêu và chỉ nhờ đến những chiến thắng mang về ba HCV của môn pen-cát si-lát trong ngày thi đấu áp chót mới giúp thể thao Việt Nam trụ được vị trí thứ ba toàn đoàn...

Những thất bại cần được phân tích để từ đó rút ra những bài học cần thiết, bởi đây là các đội tuyển, VĐV từng giành thành tích tốt ở các đấu trường quốc tế và các giải đấu trước thềm SEA Games, được tạo điều kiện và tập trung đầu tư tốt nhất của thể thao nước nhà, từ thuê chuyên gia lẫn các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, song lại dễ dàng bại trận hoặc không thể bảo vệ thành công ngôi vô địch. Điều này không chỉ đáng buồn, đồng thời còn cho thấy những mặt hạn chế, yếu kém của thể thao Việt Nam trên con đường chinh phục đỉnh cao, vươn tầm châu lục và thế giới.

Nhìn vào bảng xếp hạng thành tích huy chương tại SEA Games 29, có thể thấy SEA Games vẫn là đấu trường vừa sức nhất với thể thao Việt Nam. Để vươn tới đấu trường châu lục và thế giới đòi hỏi sự đầu tư chuyên sâu cao hơn nhiều. Tìm hiểu từ chính VĐV bơi lội từng giành HCV Ô-lim-pích của Xin-ga-po là Scun-linh, chúng ta mới thấy quy mô đầu tư như thế nào cho một tài năng khi riêng VĐV này luôn có một đội ngũ chuyên gia, huấn luyện viên, người quản lý, bác sĩ điều trị chấn thương, trị liệu, bác sĩ tâm lý, đầu bếp... đi kèm ở các giải đấu lớn. Qua đó có thể thấy mức độ đầu tư cho các tài năng thể thao Việt Nam chưa thể so sánh, dẫu vẫn biết khả năng và điều kiện kinh tế của chúng ta còn nhiều hạn chế.

Sau SEA Games 29, Phi-li-pin sẽ là nước chủ nhà của SEA Games 30 vào năm 2019 và kế tiếp là SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai năm 2021. Hướng tới những kỳ đại hội này, Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn đã thể hiện mong muốn thể thao khu vực, trong đó có thể thao Việt Nam nói riêng, cần vượt qua căn bệnh thành tích, đi vào thực lực và thể hiện sự công bằng trên tinh thần thể thao cao thượng. Nếu có được những kỳ SEA Games với các môn thể thao cơ bản Ô-lim-pích sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao thành tích thể thao đỉnh cao.

Hy vọng ở những kỳ SEA Games sau, ngành thể thao Việt Nam và các nước Đông - Nam Á sẽ có sự phối hợp hiệu quả cùng đưa SEA Games - Đại hội thể thao khu vực đi vào quỹ đạo Ô-lim-pích và theo đúng tinh thần Ô-lim-pích: trung thực, cao thượng và chinh phục các đỉnh cao.