Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nam Bộ ven biển đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Với nhiều cách làm hay, chính quyền và người dân địa phương đã và đang chung tay cùng với cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng kiểm ngư Kiên Giang tuyên truyền về chống khai thác IUU cho các chủ tàu cá.
Lực lượng kiểm ngư Kiên Giang tuyên truyền về chống khai thác IUU cho các chủ tàu cá.

Tây Nam Bộ có 7/13 tỉnh, thành phố có ranh giới giáp biển gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Các địa phương có đội tàu đánh bắt cá xa bờ chiếm gần 30% của cả nước.

Tỉnh Kiên Giang hiện có 3.626 tàu cá lớn, chiều dài từ 15m trở lên, thuộc diện phải lắp đặt thiết bị kết nối giám sát hành trình (VMS). Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS là 3.605, chiếm 99,4%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Chỉ đạo IUU tỉnh Lâm Minh Thành cho biết, tỉnh đã và đang nỗ lực khắc phục những bất cập, hạn chế, quyết liệt hơn nữa trong công tác chống khai thác IUU nhằm chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 5.

Tại tỉnh Kiên Giang, những ngày qua, các đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát trên biển để người dân ý thức cùng chung tay chống khai thác IUU. Thượng tá Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai cho chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt…, từ đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân trong chống khai thác IUU.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã xử phạt 342 vụ vi phạm trên biển với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng, xử phạt 237 vụ vi phạm thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 22 tỷ đồng. Tỉnh thành lập Tổ điều tra về nguyên nhân mất tín hiệu kết nối VMS nhằm xác minh nguyên nhân mất tín hiệu kết nối, đề xuất chuyển cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của EC.

Ngư dân Phạm Văn Hải (tỉnh Bình Thuận), tham gia đánh bắt thủy sản trên vùng biển Kiên Giang cho biết: “Tôi và các ngư phủ trên tàu được cán bộ biên phòng mời và nói rõ về mối nguy hại nếu ngư dân còn tiếp tục cho tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác trộm hải sản. Thời gian tới, trong quá trình khai thác trên biển, tôi sẽ tuân thủ các quy định và kêu gọi bà con chung tay ngăn chặn tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Sóc Trăng hiện có 345 tàu cá có chiều dài lớn từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình, đạt 100% kế hoạch. Qua công tác theo dõi, Chi cục Thủy sản tỉnh đã kịp thời liên hệ chủ phương tiện và ngư dân có tàu cá từ 24m trở lên khắc phục lỗi mất kết nối theo thông báo của Cục Thủy sản. Các trường hợp còn lại cũng được Chi cục phối hợp cùng đơn vị cung cấp thiết bị và nhà mạng hỗ trợ người dân biện pháp xử lý, bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu quả.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang kiểm tra, giám sát các tàu cá mua bán, sang nhượng chủ quyền nhưng chưa đăng ký lại theo quy định, xác minh tàu cá mất kết nối với máy giám sát hành trình.

Qua đó đã kiểm tra 80 tàu cá đang hoạt động trên biển, kiểm tra, giám sát 10 tàu cá mua bán, xác minh 10 tàu cá mất kết nối với máy giám sát hành trình, kịp thời phát hiện chấn chỉnh các hành vi tàu cá mất kết nối trên biển, tàu cá không cập cảng chỉ định để bốc dỡ hàng thủy sản, tàu cá ghi chép nhật ký khai thác không đúng quy định. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Tô Văn Trọng, một trong những người sở hữu nhiều tàu đánh bắt xa bờ tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước khi xuất bến các tàu của ông xuất trình đầy đủ các giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá, bằng thuyền trưởng, máy trưởng, thẻ thuyền viên. “Tôi luôn nhắc nhở tài công không vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong quá trình khai thác phải mở thiết bị giám sát tàu cá, ghi đầy đủ nhật ký khai thác, không vi phạm hành chính để ngành thủy sản Việt Nam nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu”, ông Trọng nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã thông tin, châu Âu là thị trường xuất khẩu thủy, hải sản lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch hằng năm trên 1 tỷ USD. Vì vậy tỉnh phát động cao điểm từ nay đến hết tháng 10/2024 nhằm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, làm cơ sở để phái đoàn EC xem xét gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, các thủ tục ra/vào, xuất/nhập cảng; tăng cường công tác giám sát các tàu cá qua cảng để bảo đảm nhật ký khai thác rõ ràng, minh bạch về sản lượng khai thác; đồng thời, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm, giúp bà con nâng cao nhận thức, nắm rõ các quy định về khai thác để tiến đến phát triển nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm và bền vững theo đúng chỉ đạo của Trung ương.