Nỗ lực giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất tại vùng ngọt Cà Mau

NDO - Chưa đầy 2 tháng mùa khô đầu năm 2024 nhưng đường sá vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã xảy ra nhiều hư hỏng bởi sụt lún, sạt lở. Chính quyền và nhân dân địa phương đang chung tay khắc phục để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
Giăng dây, cắm biển cảnh báo đường sụt lún nguy hiểm ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Giăng dây, cắm biển cảnh báo đường sụt lún nguy hiểm ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Chiều 29/2, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) Nguyễn Minh Nhứt cho biết, sau gần 2 tuần khẩn trương vào cuộc, chính quyền và nhân dân địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, phần việc nhằm giảm thiểu thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất gây ra.

Đến chiều cùng ngày, toàn huyện Trần Văn Thời đã hoàn thành xong việc lắp đặt biển báo hạ tải trọng các tuyến đường mặt lộ từ 2,5-3m tại các xã, thị trấn. Tại các vị trí sạt lở, sụt lún đã được giăng dây và cắm biển cảnh báo.

Các xã, thị trấn tại vùng ngọt Trần Văn Thời cùng nhân dân địa phương còn tham gia cắt tỉa cành và gần 2.900 cây có nguy cơ đổ ngã, gây sạt lở, sụt lún tại các tuyến đường với tổng chiều dài gần 140km; gia cố bằng cừ tràm và khắc phục sạt lở, sụt lún gần 5km; di dời hàng chục điểm tập kết vật liệu xây dựng, cừ, tràm ven tuyến kênh, rạch…

Nỗ lực giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất tại vùng ngọt Cà Mau ảnh 1

Vùng nông thôn huyện Trần Văn Thời có hàng loạt tuyến đường cảnh báo nguy hiểm vì sụt lún, sạt lở.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện này đã xảy ra 407 vị trí sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 10.600m, làm hư hỏng hơn 7.700m lộ bê-tông và một số hạ tầng nông thôn khác do Nhà nước đầu tư, thiệt hại ước tính ban đầu hơn 13,7 tỷ đồng.

Nỗ lực giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất tại vùng ngọt Cà Mau ảnh 2

Lộ nông thôn xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) hư hỏng nặng vì sụt lún, sạt lở đất.

Nỗ lực giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất tại vùng ngọt Cà Mau ảnh 3

Một tuyến lộ nông thôn còn khá mới ở xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) bị sụt lún, sạt lở.

Nhận định bước đầu của ngành chức năng địa phương, nắng hạn gay gắt khiến nước bốc hơi nhanh, cộng với việc bơm tát nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời nhanh chóng khô cạn.

Nỗ lực giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất tại vùng ngọt Cà Mau ảnh 4

Kênh, rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời khô cạn nước, gây mất phản áp là nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún, sạt lở đất làm hư hỏng lộ nông thôn.

Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước rất lớn làm mất phản áp. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Ứng phó trước tình hình trên, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau sau khi khảo sát thực tế đã chỉ đạo chính quyền huyện Trần Văn Thời tăng cường các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ các công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng giao thông.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách trong những tháng mùa khô.

Giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở được đưa ra như: Theo dõi việc bơm nước phục vụ sản xuất của người dân, không để bơm nước tràn lan làm khô cạn kênh mương, gây thiệt hại.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện nạo vét, múc kênh, rạch, không để các phương tiện thực hiện khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Hạ tải một số tuyến đường có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tự giác tham gia phòng, chống sạt lở, sụt lún, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng…

Khoảng 8 năm gần đây, vùng ngọt Trần Văn Thời đã 3 lần gặp “đại hạn”. Trước đó, vào mùa khô 2016 và 2020, toàn huyện này xảy ra gần 1.500 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70km, làm hư hỏng nhiều tuyến lộ nhựa, lộ bê-tông và nhà dân, tổng thiệt hại về tài sản gần 140 tỷ đồng. Đó là chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do năng suất giảm.