Nỗ lực giảm tác động của lạm phát

Ngày 9/9, Nhật Bản quyết định triển khai gói biện pháp mới để giảm tác động của lạm phát đối với các gia đình và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo (Ảnh: TTXVN)
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản chi khoảng 900 tỷ yen (6,33 tỷ USD) để thực hiện chương trình, trong đó trợ cấp trực tiếp 50.000 yen cho mỗi hộ có thu nhập thấp và kéo dài chương trình trợ cấp các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu thêm 3 tháng nhằm duy trì ổn định giá nhiên liệu trong nước. Chính phủ Nhật Bản cũng giữ nguyên giá bán lúa mì nhập khẩu cho các nhà máy xay xát với hy vọng kiềm chế đà tăng giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ là bảo vệ sinh kế và hoạt động kinh doanh của người dân.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9 công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2002 sau khi đồng euro được đưa vào sử dụng. Ðây cũng là lần tăng lãi suất thứ 2 chỉ trong vài tuần qua, trong bối cảnh lạm phát lên mức cao kỷ lục là 9,1% trong tháng 8 vừa qua ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Dự báo, lạm phát ở Eurozone còn tăng trong những tháng tới và ECB vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất.

Tại khu vực Mỹ Latin, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang đẩy nhanh đà tăng lạm phát và làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Ðiều này buộc chính phủ các nước trong khu vực phải điều chỉnh chính sách tiền tệ và thắt chặt các điều kiện tín dụng, khiến thị trường tài chính biến động. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định, tình trạng lạm phát và rủi ro chính trị sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latin cho đến năm 2023.