Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông tiền thân là doanh nghiệp nhà nước. Công ty đã chuyển từ doanh nghiệp gia công lắp ráp sang doanh nghiệp tự động hóa cao, phát triển bằng cách ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Ðoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Ngành kỹ thuật chiếu sáng đã trải qua ba lần chuyển tầng công nghệ, từ đèn dây tóc tới đèn phóng điện huỳnh quang và đầu thế kỷ 21 là công nghệ chiếu sáng rắn-đèn led. Bắt kịp xu hướng thị trường trong thời đại công nghiệp 4.0, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông cũng đã bốn lần chuyển tầng công nghệ, và đó là những lần công ty vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp chiếu sáng.
Công ty cổ phần cơ điện Tomeco vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tiêu biểu. Công ty thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm quạt công nghiệp và các giải pháp ứng dụng hiệu quả các hệ thống có sử dụng quạt công nghiệp. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã phục vụ tốt hàng nghìn công trình nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất, các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam và nước ngoài. Ðồng thời, 45% số sản phẩm xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước như Australia, Hàn Quốc, Philippines... Ðáng chú ý, năm 2012, công ty trở thành nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn General Electric-GE (Mỹ)...
Thành công của hai đơn vị nêu trên là nhờ sự thay đổi chiến lược, thay đổi mô hình tăng trưởng và mô hình kinh doanh, trong đó có sự hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để giải quyết các bài toán về công nghệ cho doanh nghiệp. Chia sẻ về quá trình hợp tác, ông Nguyễn Ðoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông cho biết, công ty đã hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Quốc gia, Ðại học Cần Thơ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam…, bên cạnh đó, công ty có ba trung tâm nghiên cứu và phát triển, gồm: Lighting R&D Center, Digital R&D Center và Trung tâm nghiên cứu phát triển thương mại hóa hệ sinh thái sản phẩm 4.0. Công ty đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm làm bệ phóng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Các quá trình hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ của người Việt Nam. Hiện tại, các sản phẩm Rạng Ðông được sáng tạo, thiết kế, sản xuất trên dây chuyền do chính người Việt Nam nghiên cứu thiết kế và sản xuất, mang lại nhiều giá trị cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sống và bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe khi đưa vào thị trường các nước G7 và G20.
Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ điện Tomeco cho rằng, để phát triển bền vững, công ty hợp tác với Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Nghiên cứu cơ khí phát triển về công nghệ; đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi đổi mới sáng tạo trong đội ngũ kỹ sư và cán bộ, do đó, nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Bộ Công thương đã đánh giá, Công ty là một trong số ít đơn vị sản xuất cơ khí của Việt Nam đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu đi các nước phát triển với những yêu cầu khắt khe về máy móc thiết bị, an toàn môi trường và quản lý.
Hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, phát triển công nghệ trong nước là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong những năm gần đây, vì hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế vốn đầu tư cho thiết bị nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị mua từ nước ngoài có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, cho nên có trình độ tự động hóa, kết nối thiết bị khác nhau. Vì thế không thể phá bỏ toàn bộ các hệ thống cũ để đầu tư mới hoàn toàn, mà cần phải tìm ra một giải pháp, kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ. Giải quyết bài toán này, cần có các nhà khoa học, các chuyên gia tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Khi doanh nghiệp làm chủ công nghệ thì sẽ ứng phó rất nhanh trước sự thay đổi trên thị trường, cho ra nhanh các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Nhấn mạnh về mạng lưới kết nối viện, trường trong việc tham gia quá trình đổi mới công nghệ, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc hợp tác giúp đưa ra các nghiên cứu đúng và trúng vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm. Ông cho rằng, cần phải có định hướng dài hạn giúp các doanh nghiệp nhận ra các yêu cầu như vấn đề chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và cần tìm cách đưa nghiên cứu ra chào hàng với doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để liên kết hiệu quả, doanh nghiệp cần đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu; đồng thời, các viện nghiên cứu, trường đại học cần chủ động khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp, mở rộng hơn số lượng đề tài theo đơn đặt hàng từ thực tiễn. Ðồng thời, cần rà soát cơ chế để tạo thuận lợi cho sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khoa học để có thể nhanh chóng đưa sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường. Có như vậy thì việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới đạt kết quả tốt với doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là các chủ thể nghiên cứu mạnh; Nhà nước thực hiện vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống.