Trong căn phòng làm việc của Phó Chủ tịch UBND xã nơi tầng trệt, khi chúng tôi “ngỏ ý” muốn tìm hiểu những thuận lợi cũng như khó khăn với cán bộ và nhân dân trong xã mấy năm qua, ông Quàng Văn Nghiên trả lời rất khiêm tốn: “Xã chúng tôi cũng còn nhiều khó khăn, để đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xã còn nhiều việc phải làm. Điều vui nhất là mấy năm gần đây là bà con đã chung sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới; vấn đề giữ rừng và các nguồn lợi từ rừng, được chính quyền và mọi người dân quan tâm”...
Phó Chủ tịch UBND Quàng Văn Nghiên điểm lại: Năm 2020, mặc dù thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, dịch cúm Covid-19 ảnh hưởng gián tiếp đến sản xuất, chăn nuôi của nhân dân trên địa bàn; song với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Điện Biên, sự lãnh đạo của Đảng ủy, HĐND cùng với sự nỗ lực, nhân dân các dân tộc trong xã đã vươn lên xóa đói giảm nghèo. Kết quả khả quan là tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt gần 2.500 tấn, bình quân đầu người gần 500kg/năm. Nhờ có sự chỉ đạo tích cực trong công tác phòng chống, ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nên các chỉ tiêu kinh tế năm 2020 đều đạt và vượt so với kế hoạch của huyện và nghị quyết của HĐND xã.
Mặt khác, công tác y tế bảo đảm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân được lực lượng y tế xã quan tâm chú trọng; nhờ làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm nên trong năm không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Công tác giáo dục ở các cấp luôn được duy trì số lượng, chất lượng dạy và học. Giữ vững danh hiệu Trường chuẩn quốc gia của Trường THCS, Trường Tiểu học và Trường Mầm non Trung tâm xã. Công tác quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị và trật tự - an toàn xã hội được ổn định.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Nghiên, bên cạnh những thuận lợi, Mường Pồn cũng còn không ít khó khăn, lớn nhất là về địa giới hành chính. Bởi lẽ Mường Pồn là xã biên giới, thuộc vùng ngoài của huyện Điện Biên, có gần 13.000ha diện tích tự nhiên, 18,477km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.
Toàn xã có 11 thôn, bản gồm 1.107 hộ với 5.118 nhân khẩu, có 4 dân tộc sinh sống (Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú). Một số bản giáp biên giới, xa trung tâm xã từ 9km-14km, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; sản xuất nông nghiệp ở một số bản chưa theo quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi.
Hiện nay, Mường Pồn có gần 6.000ha diện tích đất có rừng, trong đó, trên 3.600ha được hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng (MTR). Bình quân, mỗi năm người dân trên địa bàn xã được hưởng gần 3,1 tỷ đồng tiền dịch vụ chi trả MTR, cao hơn so với nhiều xã khác trên bàn huyện.
Nhờ sự giúp đỡ của văn phòng UBND xã, chúng tôi được đến một trong những địa bàn để chứng kiến tận mắt công cuộc giữ rừng đang bừng bừng khí thế ở Mường Pồn - đó là bản Mường Pồn 1. Tại đây, Trưởng bản Vì Văn Khiên - người được ví như một “ngự lâm quân” trong sứ mạng gìn giữ và nhân rộng màu xanh cho rừng Mường Pồn - tiếp chúng tôi lúc anh chuẩn bị chuyến lên rừng làm công tác kiểm tra định kỳ.
Bên chén trà được hái lá từ chính những cánh rừng tái sinh của bản, trưởng bản Vì Văn Khiên cho biết: Bản Mường Pồn 1 hiện có gần 406 ha rừng được hưởng dịch vụ chi trả MTR. Tổ bảo vệ rừng bản được thành lập từ năm 2012, chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm ba người, quản lý từng vùng (tiểu khu) rừng cụ thể được giao. Dưới sự chỉ đạo của xã và cơ quan chức năng (Hạt Kiểm lâm huyện), hằng ngày, các thành viên trong tổ luân phiên đi kiểm tra từng cánh rừng. Do được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả MTR nên người dân rất phấn khởi và tự giác giữ rừng, coi rừng như “báu vật” của nhà mình, bản mình...
Chỉ tay vào chén trà rừng đang tỏa khói thơm, Trưởng bản Vì Văn Khiên cười cái cười chân chất, nói: “Như chén trà này chẳng hạn, nếu không có chính sách dịch vụ chi trả MTR thì đương nhiên những cây chè được xem như loài cây mọc hoang, người dân không chỉ hái lá về pha chè mà còn chặt cả cây để mang ra chợ bán”.
Mấy chục năm trước vào mùa nương như thời điểm này (tháng 3-2021), nhiều nơi trên rừng tiếng cây đổ rầm rầm, rồi khói đốt nương mù mịt, tro than bay lả tả khắp không gian. Rừng ít cây và không có cây lưu niên, nên cứ mưa to là nỗi ám ảnh về lũ ống, lũ quét, sạt lở núi... khiến cả bản thức trắng đêm trong nỗi lo hiểm họa. Nhưng nay thì khác, thay vì phá rừng làm nương bà con lại thi nhau giữ rừng, trồng rừng, chăm sóc cho mỗi nhành cây của khu rừng gia đình mình phụ trách. Tiền dịch vụ chi trả MTR được chia đều đến từng hộ dân, kịp thời, đầy đủ và minh bạch. Bản Mường Pồn 1 có tất cả 130 hộ, thì nay, chỉ còn sáu hộ nghèo và đó là một con số có thể nói “không tưởng” mà một trong những nguyên nhân là do người dân giữ rừng tốt, được hưởng lợi từ chính những cánh rừng quê hương.
Mường Pồn - mảnh đất đầy đau thương bởi bom gầm đạn xé, gắn liền với tên tuổi của anh hùng - liệt sĩ Bế Văn Đàn, cùng với chiến công của Đại đội 674 (Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174). Đã đến Mường Pồn, đương nhiên chúng tôi không quên thắp hương tại bia tưởng niệm nơi người anh hùng ngã xuống. Khu di tích nơi anh Bế Văn Đàn hy sinh trong trận huyết chiến tháng 12-1953, giờ là cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” dưới chân núi Pú Đồn (núi có đồn).
Chiều tháng 3, những nếp nhà sàn bản Mường Pồn 1 và bản Mường Pồn 2 khói lam chiều bảng lảng trong ánh hoàng hôn, làm cho khung cảnh thêm ấm áp. Như một sự linh ứng diệu kỳ, lúc những nén hương cháy đỏ nhất thì bất giác từ nhà ai đó, vang lên giai điệu bài hát “Bế Văn Đàn sống mãi”: “Từ chiến thắng Điện Biên lẫy lừng thế giới. Anh bước vào trang sách các em thơ... Bế Văn Đàn một tâm hồn vĩ đại”...
Chúng tôi rời Mường Pồn khi chiều đã muộn. Vậy là đã qua 68 mùa hoa đào nở thắm, nơi anh Bế Văn Đàn ngã xuống giờ là một xã đang từng ngày nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Còn nhớ lời Phó Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Nghiên: “Hiện tại Mường Pồn chưa phải là xã giàu về kinh tế, tuy nhiên, niềm tin về một ngày không xa ấm no hơn, vui sướng hơn lúc nào cũng là động lực trong trái tim mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong xã”.
Còn Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Tiến, nhìn lên dãy núi bàng bạc sương chiều, nói: “Chỉ vài năm nữa thôi, nếu các bạn quay lại đây, sẽ thấy những triền núi kia xanh ngắt một màu. Rừng và công cuộc phủ xanh đất trống đồi trọc, đang từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của cán bộ và nhân dân trong xã chúng tôi”...