Ninh Bình tạo trụ đỡ tăng trưởng ‘‘xanh’’

Tỉnh Ninh Bình xác định rõ tăng trưởng “xanh” là linh hoạt phát triển du lịch bền vững; phát triển công nghiệp sạch tạo ra giá trị sản xuất cao, làm trụ đỡ đẩy lùi nền kinh tế “nâu” một thời ngự trị. Đó là cơ sở để Ninh Bình vươn lên trở thành trung tâm du lịch quốc gia, khu vực và trở thành tỉnh phát triển khá ở vùng đồng bằng sông Hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Đầm Vân Long (huyện Gia Viễn) hấp dẫn du khách bởi nét đẹp nguyên sơ, thoáng đãng. (Ảnh Ninh Mạnh Thắng)
Đầm Vân Long (huyện Gia Viễn) hấp dẫn du khách bởi nét đẹp nguyên sơ, thoáng đãng. (Ảnh Ninh Mạnh Thắng)

Khi tái lập tỉnh vào tháng 4/1992, Ninh Bình trở về điểm xuất phát ban đầu là tỉnh nghèo. Đến năm 2022, vùng đất ‘‘địa linh, nhân kiệt’’, nơi phát tích ba triều đại lớn của đất Việt: Nhà Đinh-Tiền Lê-Nhà Lý, lại có thêm niềm tự hào trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, giảm bớt gánh nặng cho Trung ương.

Du lịch bền vững

Trong giai đoạn phát triển bình thường mới, Ninh Bình luôn xác định tầm quan trọng về tiềm năng, lợi thế riêng có. Đó là những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư; là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, chất chứa nhiều giá trị địa chất, địa mạo; là nhiều di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú. Mục đích phát triển du lịch bền vững nhằm tạo ra trụ đỡ, dẫn dắt các ngành kinh tế ở địa phương cùng tăng trưởng “xanh”, để lấn át kinh tế “nâu” với nhiều hoạt động khai thác vật liệu xây dựng trên những dãy núi đá vôi, phục vụ sản xuất xi-măng; gây cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân.

Từ vài năm trước, Ninh Bình ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng “xanh”.

Đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh luôn quan tâm, chú trọng khoanh vùng cấm khai thác đá vôi, khai thác rừng đặc dụng trên núi đá; tích cực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử. Quan điểm đó giúp Ninh Bình thu hút được nhiều nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch thành điểm đến “an toàn-thân thiện-hấp dẫn” như Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính, Vedana Resort ở Cúc Phương, huyện Nho Quan; một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao được đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Trước đó, từ năm 2010 đến 2020, tỉnh thu hút được 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, phát triển gần 700 cơ sở lưu trú với hơn 8.000 phòng nghỉ, trong đó nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-4 sao. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An là một trong những dự án xã hội hóa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, tạo thêm danh tiếng cho du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

“Từ đây, nhiều công ty lữ hành trong nước xác định Ninh Bình là điểm đến du lịch không thể thiếu. Nhiều năm liên tiếp vừa qua, Ninh Bình được một số chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước”, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh cho biết.

Đáng nói hơn, sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Ninh Bình cùng cả nước hồi phục rất nhanh. Nếu như năm 2021, Ninh Bình chỉ đón được hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 935 tỷ đồng, vì du lịch quốc tế đóng cửa; khách nội địa dù có nhiều giải pháp kích cầu nhưng vẫn giảm tới 82,6%. Riêng tháng 7/2022, lượng khách đến tham quan, lưu trú, sử dụng dịch vụ ăn uống đạt 364 nghìn lượt, tăng hơn 6,3 lần so cùng kỳ.

Để tạo đà cho du lịch “cất cánh”, mới đây tỉnh Ninh Bình tiếp tục phê duyệt Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Nhiệm vụ của đề án này là thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; trọng tâm là quy hoạch Công viên động vật hoang dã quốc gia; quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tràng An; điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng các khu du lịch Vân Long, Cúc Phương, hồ Đồng Thái, động Mã Tiên,... Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về du lịch, với đề án nêu trên, Ninh Bình sẽ tạo ra nhiều hình thức du lịch hấp dẫn.

Trong đó, du lịch “xanh”, du lịch trải nghiệm giúp du khách thâm nhập cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân bản địa. Đó là cơ sở để Ninh Bình khơi dậy các làng nghề truyền thống như nghề dệt chiếu ở huyện Kim Sơn, làng thêu Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân ở huyện Hoa Lư. Ninh Bình còn tập trung thu hút đầu tư công nghiệp sạch, công nghệ cao như sản xuất, lắp ráp ô-tô; công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động; thúc đẩy nông nghiệp sạch theo hướng đặc sản, đặc hữu để gia tăng giá trị canh tác trên 1ha, phục vụ sản phẩm cho du lịch.

Ninh Bình tạo trụ đỡ tăng trưởng ‘‘xanh’’ ảnh 1
Mùa vàng ở Tam Cốc. (Ảnh Ninh Mạnh Thắng)


Chọn lọc phát triển công nghiệp sạch

Thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án hiệu quả, tiết kiệm đất, bảo đảm môi trường, là tiêu chí đánh giá chủ yếu trong thu hút đầu tư ở Ninh Bình. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư của Ninh Bình được thực hiện công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1.197 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 33 lượt dự án.

Mặt khác, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19; đánh giá đúng tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ hằng tháng trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19.

Với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: “Trước năm 2010, Ninh Bình chỉ tập trung khai thác lợi thế núi đá vôi để sản xuất xi-măng, với công suất 13 triệu tấn/ năm, tuy giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, song doanh thu không lớn. Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp có diện tích khoảng 10.000ha và thu hút doanh nghiệp vào để giải quyết việc làm cho lao động.

Đến năm 2011, quan điểm chỉ đạo của tỉnh thay đổi rõ nét là chuyển hướng mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”: Không thu hút dự án sản xuất xi-măng và giảm quy mô sản xuất xi-măng từ 13 triệu tấn/năm xuống còn 9 triệu tấn/năm; chỉ thu hút các dự án có định hướng chất lượng cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Năm 2014, tỉnh tập trung chỉ đạo bảo tồn Rừng quốc gia Cúc Phương, rừng núi đá ở huyện Hoa Lư và một số huyện liên quan. Trong thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên chọn các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường như dự án sản xuất, lắp ráp ô-tô của Hyundai Thành Công.

Đây là mô hình liên doanh trong nước không có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị sản xuất chiếm 30% sản xuất công nghiệp của tỉnh, số nộp ngân sách lớn. Tỉnh cũng đang tích cực thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Phú Long ở huyện Nho Quan diện tích 500ha, mở ra dư địa mới trên tuyến đường Đông-Tây, nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, tạo ra giá trị sản xuất cao.

Nhờ linh hoạt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ số kinh tế ở Ninh Bình phục hồi nhanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 1,08% so cùng kỳ; khách du lịch đến Ninh Bình đạt gần 1,77 triệu lượt, tăng 2 lần; tổng thu ngân sách tăng 1,1% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh còn thấp (3,53%). Ninh Bình xác định tận dụng tốt các lĩnh vực còn dư địa; chú trọng nâng cao năng lực nội tại; khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính... nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn.