Hiện Ninh Bình có hơn 31.000ha lúa đang bước vào thời kỳ làm đòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn đầu vụ diễn ra vào tháng 7, một số diện tích lúa phải gieo cấy lại, lúa phân thành nhiều trà nên đến nay mới chỉ có 3.600ha lúa trỗ (chiếm 11,8% tổng diện tích gieo cấy), diện tích lúa đã thu hoạch rất ít, khoảng 115ha, tập trung ở huyện Nho Quan trong tổng số 500ha có thể thu hoạch được.
Cùng với lúa, tỉnh đang có gần 3.260ha cây rau màu các loại, trong đó chủ yếu là ngô, lạc, khoai lang, đậu tương, rau đậu. Về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng là hơn 14.000ha, trong đó thủy sản nước ngọt 11.000ha, thủy sản mặn lợ 3.366ha.
Ngành chuyên môn nhận định: Phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh sẽ trỗ tập trung từ 10-15/9/2024, rơi đúng vào thời gian mưa bão nên dễ bị thiệt hại. Ngoài ra, các loại rau màu, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái khác cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu mưa bão kéo dài.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình thành lập nhiều trạm bơm dã chiến chống ngập úng ở các vùng trọng điểm của tỉnh. |
Ông Dương Cao Biền, Chi nhánh trưởng Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện chi nhánh đang quản lý 24 trạm bơm chuyên tiêu và tưới tiêu kết hợp, với 110 máy công suất 1000-4000m3/1h/ngày; phục vụ khoảng hơn 7.000ha lúa và cây hoa màu của địa phương, trong đó có hơn 3.500ha lúa đã trổ và có diện tích chín.
Hiện chi nhánh đã tiêu kiệt nước đệm trong vùng; huy động 100% cán bộ tham gia ứng trực, sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu. Đặc biệt, chi nhánh cũng đã lên phương án ứng phó khi có mưa lớn xảy ra, kéo dài gây ngập úng để sẵn sàng vận hành các trạm bơm bảo đảm sản xuất cho bà con.
Trong đợt ứng phó với bão số 3 này, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã vận hành 55 máy/16 trạm bơm, 95 cống dưới đê, 17 cống hồ, đập xả phòng lũ nhằm tiêu thoát nước đệm, bảo vệ sản xuất.
[Ảnh] Nhiều tỉnh, thành phố chịu thiệt hại khi bão số 3 đổ bộ
Theo ông Lê Tuấn Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình, là đơn vị quản lý các công trình thủy lợi của tỉnh, hiện đơn vị đang trực tiếp quản lý 152 trạm/655 máy, 219 cống dưới đê và hàng trăm tuyến kênh, cống… phục vụ hơn 85.000ha sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Để bảo đảm tiêu úng kịp thời, đơn vị đã chỉ đạo chi nhánh các huyện, thành phố tiêu kiệt nước trong hệ thống và mặt ruộng, bảo đảm an toàn cho diện tích đã gieo trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản, khu vực nông thôn và đô thị; bố trí đầy đủ vật tư, nhiên liệu, nhân lực, kiểm tra, chuẩn bị máy móc thiết bị, lập kế hoạch đóng điện các trạm bơm tiêu và chủ động vận hành tiêu úng khi cần thiết; triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, quan trắc các công trình trọng điểm để phát hiện kịp thời hư hỏng để xử lý ngay từ giờ đầu; phối hợp với ban quản lý các dự án khơi thông các dòng chảy trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đến nay, tất cả các chi nhánh trong huyện, thành phố chủ động tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống; với các cống dưới đê đã triển khai đóng tất cả các pha dự phòng và cánh cống dự phòng để bảo đảm khi nước bão vào, nước triều dâng không ảnh hưởng đến các vùng bên trong hạ lưu; các hồ chứa đã hạ xuống mức an toàn theo đúng phương án được các cấp phê duyệt.
Đặc biệt, với các phương án chuẩn bị cho mưa lớn xảy ra và kéo dài, tất cả các trạm bơm tiêu hiện nay của công ty đã sẵn sàng đóng điện và vận hành thử máy để bảo đảm tất cả các máy bơm đều hoạt động bình thường, cũng như triển khai linh hoạt các phương án phòng chống tiêu úng khi cần thiết.
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra, chỉ đạo việc tiêu úng cho diện tích lúa mùa, nuôi trồng thủy sản và cây trồng ở huyện Kim Sơn. |
Hiện nay, mưa lớn và ảnh hưởng của bão số 3 có nguy cơ gây ngập úng rất cao. Tỉnh Ninh Bình xác định thiệt hại về sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khoanh vùng diện tích có nguy cơ mưa lũ lớn để có các phương án xử lý nhanh; rà soát diện tích lúa mùa, nuôi trồng thủy sản và cây trồng khác để đánh giá khả năng chịu úng và chỉ đạo tiêu nước đệm ứng phó với mưa lớn.
Đặc biệt sau bão, xây dựng các phương án khắc phục, khôi phục sản xuất như: chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau; tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là sự bùng phát của sâu bệnh hại trên lúa như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.