Sáng 5-9, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đến dự khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Đan Phượng và Trường tiểu học Thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội). Ngày khai giảng năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Trước khi vào trường dự lễ khai giảng, Bộ trưởng GD-ĐT cùng các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh, học sinh đều đeo khẩu trang, xịt nước sát khuẩn để phòng, chống dịch. Mặc dù lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng, các thầy giáo, cô giáo và học sinh đều cảm thấy vui tươi, phấn khởi.
Tại Trường tiểu học Đan Phượng, sau khi chào cờ, hát Quốc ca, cô giáo Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021. Theo cô giáo Nguyễn Thị Oanh, năm học này, Trường tiểu học Đan Phượng có 1.234 học sinh, trong đó 248 học sinh lớp 1. Kết thúc năm học 2019-2020, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhà trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Nhà trường duy trì và giữ vững các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia mức độ 2, là điểm đến thăm quan của nhiều đơn vị bạn; tập thể trường được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh trống khai trường, thăm một số phòng học, phòng chức năng; trao tặng nhà trường sách, đồ dùng học tập và một phòng máy vi tính. Đồng thời, trò chuyện, động viên các em học sinh Trường tiểu học Đan Phượng và Trường tiểu học Thị trấn Phùng giữ gìn sức khỏe, chăm ngoan, học giỏi, bước vào năm học mới với tâm thế tốt nhất.
* Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa có 440 học sinh; 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên; là đơn vị đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trao Bằng công nhận Trường trung học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng chúc cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để gặt hái nhiều thành quả đáng tự hào hơn nữa, trở thành điểm sáng trong công tác GD-ĐT miền núi của tỉnh Quảng Trị.
Năm học 2020-2021, tỉnh Quảng Trị có trên 160 nghìn học sinh. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngành GD-ĐT đã chủ động triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Chủ đề của năm học 2020- 2021, được ngành GD-ĐT Quảng Trị chọn là “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, năng lực đổi mới, sáng tạo của nhà giáo; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh” với 13 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đánh trống khai giảng năm học mới
*Hơn 356.760 học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đồng loạt bước vào khai giảng năm học mới 2020-2021. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho biết, trong năm học mới này, toàn tỉnh có 799 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT (giảm bốn trường so với năm học trước); trong đó, có 285 trường mẫu giáo (tăng một trường), 239 trường tiểu học (giảm bảy trường, do ghép trường cấp 1 và 2), 218 trường THCS và 57 trường THPT.
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 356.763 học sinh; trong đó, có 84.224 học sinh mầm non (tăng 657 em so với năm học 2019-2020) và có 272.539 học sinh phổ thông (tăng 7.162 học sinh so với năm học trước). Hiện toàn tỉnh có 23.555 giáo viên ở các cấp học và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở giáo dục; trong đó, có 18.561 giáo viên.
Để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng mới 492 phòng học, sửa chữa 951 phòng học, với tổng kinh phí đầu tư gần 358 tỷ đồng; đồng thời mua sắm bàn ghế, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy học, với tổng kinh phí hơn 115 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư xây dựng mới 48 phòng học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 85,6 triệu đồng; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị với số tiền hơn 26,6 tỷ đồng.
Do dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, nên tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ sở giáo dục, thầy cô, giáo và các em học sinh phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế để năm học mới đạt kết quả tốt nhất.
* 1.026 trường học các cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020 -2021 dù gặp không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và dịch bạch hầu đang lây lan tại một số địa phương trong tỉnh. Tất cả giáo viên và học sinh đến dự lễ khai giảng đều phải đo thân nhiệt và đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh. Riêng Trường tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột buộc phải dừng tổ chức Lễ khai giảng do nằm trong khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch bạch hầu.
Để chuẩn bị cho năm học 2020-2021, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hơn 434 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, nâng cấp trường học; mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường. Trong đó, hơn 324 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, công trình vệ sinh, nước sạch, tường rào, sân, cổng trường…; hơn 110 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, bàn ghế học sinh. Nguồn kinh phí này tập trung ưu tiên cho những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, đặc biệt là các trường tiểu học để bảo đảm việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục năm học mới 2020-2021 cao hơn năm trước, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khung chương trình học và thời gian nghỉ hè có sự thay đổi nên tiến độ triển khai khá chậm. Để khắc phục những khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác tu bổ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học... Nhờ đó, các địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa phòng học và mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học ngay trước thềm năm học mới, góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhiều trường học ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Cùng với đố, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trước thềm năm học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 36.204 cán bộ, giáo viên và nhân viên, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 67,57%. Đặc biệt đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tiến hành rà soát, quy hoạch, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, sát với thực tế địa phương, đơn vị, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020-2021.
Khác với các năm học trước, lễ khai giảng năm học 2020-2021 ở Đắk Lắk trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ngoài tác động của dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn ghi nhận 41 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 15 xã thuộc sáu huyện, thành phố. Vì vậy, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các nhà trường trước thềm năm học mới là bảo đảm an toàn phòng bệnh cho học sinh, cán bộ, giáo viên.
Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu cơ bản: Đến cuối năm 2021, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 52%; học sinh đi học đúng độ tuổi, đối với mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,6%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,85%; học sinh 11 tuổi vào lớp 6 đạt trên 94%…
* Thời tiết rất tốt, khô ráo và mát mẻ, hơn 500 học sinh của Trường THPTDTNT Lào Cai rực rỡ trong trang phục dân tộc mình khai giảng năm học mới, theo phương châm “Trường học tích cực- Học sinh thân thiện”, với mục tiêu cao nhất về chất lượng dạy và học trong năm học mới 2020-2021. Năm học trước, nhà trường có tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi, khá tăng gần 10%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, 46 học sinh đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học mới này, Trường THPTDTNT Lào Cai có 15 lớp học, với 525 học sinh, của 15 dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Đặng Xuân Phong biểu dương những kết quả đạt được và yêu cầu các thầy, cô giáo và học sinh Trường THPTDTNT tỉnh cần tiếp tục tục nêu cao tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu", không ngừng thi đua “Dạy tốt, học tốt”; trau dồi phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó với nhân dân, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Lào Cai.
Cũng trong sáng nay hơn 223 nghìn học sinh các cấp học, ở chín hyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai đã tưng bừng, phấn khởi bước vào năm học mới. Năm học mới này, toàn tỉnh Lào Cai tuyển mới 17.097 học sinh lớp 1 (đạt 100% kế hoạch); 15.182 học sinh lớp 6 (đạt 98 kế hoạch); 7.518 học sinh lớp 10 (đạt 99 kế hoạch). Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt cao, tới 99%. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết học sinh các cấp học đã có đủ bộ SGK và đồ dùng học tập. Để phục vụ tốt việc dạy và học, chăm lo đời sống của giao viên, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh Lào Cai đã hoàn và đưa thêm 326 phòng học mới vào sử dụng. Do đó, năm học 2020-2021 toàn tỉnh có 8.210 phòng học, trong đó 6.071 phòng kiên cố, bán kiên cố có 1.965 phòng, 175 phòng học tạm. Nhà ở công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà tắm cho các cơ sở giáo dục cơ bản đủ, 100% trường chính có đủ điện sinh hoạt, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt.
*Trong không khí náo nức của ngày khai giảng năm học mới, giữa biển khơi mênh mông tràn ngập nắng và gió, những nụ cười, ánh mắt vui mừng của các em học sinh và thầy, cô giáo trường Liên cấp đảo Trần (huyện Cô Tô) đã làm bừng sáng nơi đảo tiền tiêu Đông Bắc của tổ quốc.
Năm học 2020- 2021, trường Liên cấp đảo Trần có tổng số 7 em học sinh cả mầm non và tiểu học. Các em đều là con của những ngư dân tình nguyện ra sinh sống tại đảo Trần.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên mầm non ở trong đất liền xung phong ra đảo Trần công tác và được giao nhiệm vụ dạy lớp mầm non trên đảo chia sẻ: Tôi tình nguyện ra đảo Trần giảng dạy và đưa con gái ra đây học vì muốn cùng được chia sẻ những vất vả, khó khăn với những người dân và các em học sinh ở đảo; Thật vui khi năm học này đảo Trần đã có điện sinh hoạt và điều này đã giúp cho các em học sinh trên đảo có điều kiện để học tập tốt hơn và tôi tin rằng chất lượng giáo dục sẽ ngày càng được nâng lên.
Chia sẻ niềm vui khi đảo Trần được hòa lưới điện Quốc gia, chị Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn đảo Trần vui mừng chia sẻ: Bà con trên đảo mừng lắm, đêm qua tôi háo hức không ngủ được. Vậy là bao năm mong đợi, đến nay người dân chúng tôi cũng đã có điện lưới quốc gia. Từ nay sẽ không còn cảnh dùng điện bằng máy phát điện, vừa tốn kém vừa ồn. Có điện lưới khoảng cách giữa đảo và đất liền đã ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Năm học 2020- 2021 toàn huyện Cô Tô có 1.903 học sinh từ cấp mầm non đến THPT. Trước khi vào năm học mới, ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường triển khai nhiều hoạt động để chuẩn bị tốt nhất về từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được các nhà trường hoàn tất, sẵn sàng bước vào mùa tựu trường với mục tiêu tất cả vì học sinh thân yêu.
Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cô Tô Đỗ Văn Quang cho biết: Hiện nay tỷ lệ phòng học ở tất cả các cấp học đều được kiên cố hóa, được trang bị các trang thiết bị phục vụ tốt cho việc dạy và học. Đảm bảo các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, từ công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn đến việc lựa chon giáo viên đứng lớp đều đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Về việc ổn định đội ngũ quản lý và bố trí giáo viên giảng dạy, đồng thòi đã kiểm tra, rà soát, luân chuyển; phân công giáo viên kiêm nhiệm bộ môn tại các nhà trường đảm bảo đủ giáo viên, nhân viên phục vụ công tác dạy học và các nhiệm vụ khác ở mỗi nhà trường. Đặc biệt với điểm trường Liên cấp đảo Trần, chúng tôi đã phân công đầy đủ giáo viên phụ trách đứng lớp đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Cùng với đó, các trường đều phải chú trọng phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh.
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Quảng Ninh có 965 cơ sở giáo dục. Trong đó, 221 trường mầm non, 168 trường tiểu học, 189 trường THCS, 58 trường THPT, 14 trung tâm giáo dục thường xuyên, 135 trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, tư vấn du học, 177 trung tâm học tập cộng đồng, 3 cơ sở đào tạo đại học. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên các học sinh lớp 1 học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, các địa phương, trường học phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho học sinh và giáo viên.
* Hơn 1,3 triệu học sinh, giáo viên ở gần 2.100 cơ sơ giáo dục trong tỉnh Thanh Hóa vui tựu trường, dự khai giảng năm học mới.
Trước đó, cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, làm vệ sinh cơ giới trường, lớp học, phun khử khuẩn thanh khiết môi trường, các trường học trong tỉnh Thanh Hóa đã mua sắm gần 6.000 nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt, mua xà phòng, nước sát khuẩn, nâng cấp, lắp đặt hệ thống dẫn nước cùng gần 35 nghìn vòi nước cho học sinh, giáo viên rửa tay. Cùng với việc phối hợp giám sát, quản lý học sinh có yếu tố dịch tễ liên quan, đón học sinh tựu trường, các thầy cô giáo quán triệt việc đeo khẩu trang, đo kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh, nhất là thường xuyên rửa tay sát khuẩn, phòng chống dịch Covid-19. Những trường học có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng, các trường tiểu học tổ chức cho học sinh đầu cấp dự khai giảng trực tuyến.
Chương trình khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, ngắn ngọn, an toàn, đáp ứng yêu cầu mục tiêu kép. Không chỉ lập chốt kiểm soát, tăng cường tuần tra đảm đảm an ninh biên giới, kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, quản lý những trường hợp nhập cảnh, đấu tranh với hành vi xâm nhập biên giới trái phép, Bộ đội Biên phòng cùng các nhà trường, địa phương sửa chữa, chỉnh trang cơ sở vật chất trường học, nhận đỡ đầu, hỗ trợ vật chất, động viên học sinh khó khăn vươn lên trong học tập. Tại lễ khai giảng năm học mới, đại diện Bộ đội Biên phòng Đồn Bát Mọt ở huyện Thường Xuân, Bộ đội Biên phòng Đồn Yên Khương ở huyện Lang Chánh cùng dự lễ khai giảng, trực tiếp trao học bổng tới tay học sinh nghèo vượt khó, “nâng bước em tới trường”.
Trong năm học vừa qua dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Thanh Hóa tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; giáo dục đại trà có chuyển biến tốt, giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì bền vững. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 đạt 99,58%, tốt nghiệp THPT, BTTHPT đạt 97,64%. Nổi bật là học sinh Thanh Hóa đạt 11.623 điểm 9 và điểm 10 các môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020.
* Hơn 190.000 học sinh của 361 trường học từ bậc mầm non đến THPT trong toàn tỉnh Phú Yên đồng loạt làm lễ khai giảng năm học mới 2020-2021.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Các trường đều chuẩn bị khá kỹ mọi công việc phòng chống dịch, như chuẩn bị nước sát khuẩn, xà phòng, bồn rửa tay và hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thường xuyên rửa tay đúng cách để phòng chống dịch; thường xuyên đeo khẩu trang lúc đi học và lúc đi về. Trong ngày tựu trường, nhiều trường học cũng áp dụng giãn cách bằng việc chia các khối lớp để đón học sinh vào buổi sáng và buổi chiều.
Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, thời gian qua toàn ngành giáo dục Phú Yên tiếp tục sửa chữa xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy và học trong năm học mới. Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng nhanh gọn nhưng đầy các hoạt động, nội dung, tạo khí thế quyết tâm trong năm học mới.
* Sáng 5- 9, các trường học (trừ bậc mầm non) trong tỉnh Hải Dương đồng loạt khai giảng năm học mới 2020-2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một số trường học ở những nơi có vùng cách ly y tế đã không tổ chức lễ khai giảng.
Năm học mới 2020- 2021 khởi đầu trong bối cảnh Hải Dương bị ảnh hưởng khá nặng bởi dịch Covid- 19 nên lễ khai giảng tại các nhà trường đều được tổ chức nhanh gọn, không quá 45 phút và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Học sinh các trường đến dự lễ khai giảng cũng rất hạn chế, chỉ bao gồm học sinh đầu cấp và học sinh cuối cấp.
Do có một số cụm dân cư trên địa bàn tỉnh phải cách ly y tế bởi các ca nhiễm Covid- 19 nên các trường học thuộc các xã, thị trấn gồm: Liên Hồng (TP Hải Dương); Thống Nhất, Yết Kiêu (đều ở huyện Gia Lộc); Quốc Tuấn (Nam Sách) và thị trấn Nam Sách đã không tổ chức lễ khai giảng. Bên cạnh đó, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh có nhà nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế hoặc thuộc diện F1, F2, F3 đang cách ly, theo dõi sức khỏe; những trường hợp ho, viêm họng, sốt cũng không được dự lễ khai giảng để phòng chống dịch bệnh.
*Năm học này, tỉnh Đồng Nai có hơn 750 nghìn học sinh, tăng 22 nghìn em so với năm học trước. Theo ghi nhận, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ khai giảng được các trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được tổ chức ngắn gọn, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch nhưng vẫn giữ được sự trang trọng và ý nghĩa của ngày khai giảng năm học mới. Theo đó, các trường chỉ tổ chức khai giảng cho học sinh đầu cấp. Trước khi vào dự lễ khai giảng, đại biểu và học sinh được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Những trường hợp là cán bộ, giáo viên và học sinh đi từ vùng dịch trở về chưa đủ 14 ngày đều không được tham dự khai giảng.
Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết, năm học 2020-2021 toàn tỉnh có hơn 750 nghìn học sinh, tăng 22 nghìn em so với năm học trước, trong đó nhiều nhất là bậc THCS tăng 14 nghìn em. Bước vào năm học mới, tỉnh Đồng Nai có 30 công trình trường học được xây dựng mới và bổ sung lớp học. Trong đó, có chín trường tổ chức ngày khai giảng kết hợp với khánh thành trường mới.
*Hòa chung niềm vui đến trường, tại nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Nghệ An đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới một cách trang trọng và ấm áp.
Trường tiểu học Hữu Khuông, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An nằm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Năm học này trường có 280 học sinh ở bảy điểm trường. Một số điểm trường giao thông đi lại vất vả, chủ yếu đi bộ và đi thuyền. Nhiều học sinh đi bộ và đi thuyền đến trường phải mất từ một đến 2 giờ đồng hồ, tại điểm trường chính có 66 học sinh học từ lớp 1 đến 5. Phòng học ở đây được xây dựng khang trang, kiên cố…
Xã Hữu Khuông là nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, H, Mông; là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An với tỷ lệ hộ nghèo lên đến 71,3%, nằm biệt lập giữa núi rừng và lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Tại buổi khai giảng, ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đã đọc thư của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi học sinh, thầy cô giáo cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021. Thầy giáo Nguyễn Văn Tám, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hữu Khuông đã đánh trống khai giảng năm học mới. Thầy Nguyện Văn Tám đã thay mặt hội đồng nhà trường, hứa thầy cô, học sinh của trường sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt việc dạy và học. Đặc biệt, mọi điều tốt đẹp nhất đều dành cho các em học sinh thân yêu.
Tại buổi lễ, Công ty Thủy điện Bản Vẽ trao tặng 100 suất quà là cặp sách cùng mũ bảo hiểm cho các em học sinh nghèo đạt thành tích cao trong học tập và tặng bộ âm thanh để phục vụ trong hoạt động của nhà trường. Những món quà tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để các em đến trường bắt đầu một năm học mới, giúp các em vững tin học tập, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thắp sáng ước mơ của mình. UBND huyện Tương Dương cũng đã trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Cách xã Hữu Khuông khoảng hơn 100 km, tại điểm trường tiểu học ở bản Huồi Mới, vùng biên giới xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã diễn ra Lễ khai giảng năm học mới ở ngôi trường mới một cách trang trọng. Năm học này, tất cả các em học sinh tiểu học ở bản Huồi Mới được học ở các phòng học mới kiên cố, khang trang thay cho hai điểm tạm. Điểm trường Huồi Mới có 86 học sinh của cả 5 khối; Trong đó, học sinh lớp 1 có 16 em. Tất cả các em đều là người Mông. Năm học 2019 - 2020 vừa qua, thầy và trò điểm trường này đã cố gắng vượt khó, phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong học tập khi 100% học sinh đều đạt chất lương, không có học sinh yếu kém, học sinh lưu ban... Năm học 2020 - 2021, thầy và trò điểm trường Huồi Mới quyết tâm thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; thực hiện tốt Luật An toàn Giao thông...", thực hiện tốt "Thiếu nhi Việt Nam - Vâng lời Bác dạy, làm nhiều việc tốt"...
Trong những năm trở lại đây, việc học của con em người Mông Tri Lễ có nhiều chuyển biến. 100% trẻ em được đến trường, không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, số học sinh theo học hết THCS, THPT và vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng
Cũng trong sáng nay, gần 900.000 giáo viên và học sinh Nghệ An náo nức khai giảng năm học mới 2020-2021; trong số này có nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Nghệ An.
* Sáng 5-9, cùng cả nước, hơn 166 nghìn học sinh tại 299 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khai giảng và chính thức bước vào năm học mới 2020 – 2021.
Tại hầu hết các trường học, các vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu và các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo cơ sở đã đến chung vui ngày khai trường cùng đội ngũ thầy cô giáo, học sinh các trường học, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, Đảng, chính quyền và toàn xã hội đối với sự nghiệp “trồng người” tại địa phương.
Nhân dịp lễ khai giảng năm học mới, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố và phòng giáo dục các địa phương, các doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” đã tổ chức trao tặng mũ bảo hiểm cho tất cả các em học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hơn 15.000 em học sinh lớp 1 trong tỉnh Bạc Liêu được tặng mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và được hướng dẫn sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách.
Cũng nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và một số doanh nghiệp đã trao tặng nhiều phần quà, quỹ học bổng cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực đến trường.
* Sáng 5-9, tại Bình Dương, các trường học từ cấp mầm non đến THPT đã chính thức khai giảng bước vào năm học mới 2020-2021.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Dương, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 507.938 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng thêm 24.034 học sinh (khoảng 4,7%) so với năm học trước. Năm học mới, ngành tuyển 100% trẻ sáu tuổi cư trú trên địa bàn vào học lớp 1, tuyển 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 công lập, tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 với 10.278 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Các địa bàn có học sinh tăng nhiều như: thị xã Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An…
Chuẩn bị cho năm học mới, dịp khai giảng này tỉnh Bình Dương đưa vào hoạt động 19 công trình trường mới với 327 phòng học và các hạng mục chức năng có tổng kinh phí đầu tư gần 1.210 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh đã triển khai mua sắm tập trung năm 2020 cho ngành giáo dục - đào tạo với tổng kinh phí gần 508 tỷ đồng.
Là địa phương phát triển công nghiệp thu hút mạnh nguồn nhân lực đến sinh sống và làm việc nên số lượng học sinh của Bình Dương tăng nhiều. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, Sở GD-ĐT đã tuyển dụng 652 giáo viên dạy lớp. Giải quyết việc còn thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương cho chủ trương các đơn vị hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng; đồng thời xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng có gốc đào tạo sư phạm được chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn trên cơ sở đánh giá về chuyên môn của đơn vị sử dụng và cơ quan quản lý trực tiếp.