Kiếm tiền chân chính, chia sẻ ước mơ
56 tuổi đời, bà Nguyễn Thu Hiền (khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã có 20 năm đi bán vé số dạo.
Sau một lần bị tai biến nhẹ, bà bị liệt đôi chân; tập tễnh đi lại trong khó khăn, không làm được việc nặng, đành chọn bán vé số như một giải pháp tạm thời để có cái ăn qua ngày, không ngờ nghề tạm ấy lại gắn bó nhiều năm như vậy.
Trải lòng với chúng tôi trong một chiều mưa dầm, bà Hiền khoe: "Nhờ bán vé số mà 2 mẹ con tôi có cái ăn hàng chục năm qua. Lúc mới bán, thằng bé chưa đầy 2 tuổi, giờ đã 23 tuổi rồi. May mắn là con trai tôi cũng vừa hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, đang được Nhà nước hỗ trợ đi học nghề lái xe".
Không có đất đai canh tác, lại thiếu sức lao động và không có tiền tích lũy cho nên với bà Hiền, bán vé số dạo là một lựa chọn dễ thực hiện nhất. Nhờ chịu khó mời chào, rong ruổi nhiều tại các khu chợ, quán cà-phê, nơi đông người, nhiều năm qua, mỗi ngày bà bán được trung bình khoảng 200 tờ vé số. Tiền lời mỗi ngày khoảng 200.000 đồng, nhiều khi trúng thưởng khách lại thưởng thêm, mua thêm nhiều vé số ủng hộ bà.
Gần nhà bà Hiền có chàng thanh niên độc thân cùng khóm tên Nguyễn Hồng Khanh, năm nay 37 tuổi nhưng có hơn chục năm hành nghề bán vé số dạo. Tuổi thơ của Khanh là những ngày theo chân mẹ tại những nơi đông người, mời khách qua đường mua vé số.
Lớn lên, Khanh theo nhóm bạn cùng quê đi Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê ở nhiều khu công nghiệp. Dịch Covid-19 bùng phát, Khanh về quê, tiếp tục đi bán vé số cùng mẹ (bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân, 74 tuổi, hơn 30 năm bán vé số dạo) cho đến ngày bà trút hơi thở cuối cùng cách đây vài tháng.
Ðốt nén nhang trên bàn thờ cho mẹ, Khanh bùi ngùi: "Tôi đi làm xa, mơ ước dành dụm tiền về cất cho mẹ căn nhà nhưng dịch bệnh đến, mơ ước dở dang. Giờ tôi không đi nữa, nối nghiệp mẹ đi bán vé số dạo, tiện bề hằng ngày nhang khói cho mẹ".
Nhờ có sức khỏe tốt, lại có xe máy, hằng ngày Khanh di chuyển được nhiều nơi, nhiều xã trên địa bàn huyện Thới Bình, bán được từ 300-400 tờ vé số. Với nhiều lao động thất nghiệp như Khanh, bán vé số dạo trở thành một chỗ dựa, một công việc giản đơn, bình dị nhưng có thể mang niềm vui đến cho nhiều người.
"Khách mua vé số là đã góp tiền vào một quỹ phúc lợi chung để Nhà nước có thêm kinh phí xây trường học, làm cầu nông thôn, xây nhà cho người nghèo... Ðổi lại, có khi may mắn họ trúng thưởng lớn, có tiền thực hiện được ước mơ hằng ấp ủ. Với tôi, đây là công việc chân chính, dễ làm, dễ thực hiện", Khanh cho biết.
Thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng hơn 2.000 người bán vé số lẻ (bán dạo), nhiều nhất là địa bàn thành phố Cà Mau (khoảng 780 người), ít nhất là huyện Ngọc Hiển (khoảng 120 người).
Phần lớn họ thuộc trường hợp cá biệt: Tuổi cao sức yếu, khuyết tật, bảo trợ xã hội; gia đình khó khăn... Trong số này, có hơn 250 trường hợp thuộc diện nghèo và cận nghèo. Họ đến với công việc bán vé số dạo trong tình thế "chẳng đặng đừng" để nuôi sống bản thân và gia đình.
Như chia sẻ của ông Quách Văn Vũ, hộ bán vé số dạo ở Khóm 3 (Phường 4, thành phố Cà Mau): "Lúc đầu, tôi mời khách, năn nỉ họ mua vé số cũng cảm thấy tủi thân lắm. Nhưng riết rồi quen, có công việc kiếm tiền chân chính là an ủi lắm rồi. Giờ kêu nghỉ bán vé số tôi cũng không biết tìm việc gì khác. Nhờ bán vé số mà gia đình tôi no cái bụng trong những thời khắc khó khăn nhất đến ngày nay".
Nhận về niềm vui
Trong những ngày ảnh hưởng bởi mưa bão tháng 9/2024, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức bàn giao nhà Ðại đoàn kết cho người bán vé số dạo.
Tại huyện Thới Bình, trong tổng số 12 căn nhà được bàn giao, có nhà của bà Nguyễn Thu Hiền, bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân (mẹ anh Khanh). Ðây là những trường hợp có nền, có nhà nhưng thuộc diện tạm bợ, dột nát...
Ngày bàn giao nhà, bà Hiền vui mừng đến rớt nước mắt, nắm chặt tay cán bộ địa phương không thốt nên lời. Có lẽ đó là thời khắc không thể quên đối với bà Hiền, rong ruổi hơn 20 năm vất vả, khổ cực bây giờ đã được hỗ trợ để có ngôi nhà mơ ước.
Bà Hiền ngậm ngùi: "Có nhà này rồi, tôi không sợ mưa to, dông gió nữa, con tôi học lái xe về cũng có nơi ở đàng hoàng".
Ðiều kỳ diệu tương tự cũng đến với Khanh, giúp anh thực hiện ước mơ dành cho mẹ. Hôm nhận nhà, Khanh cũng rơm rớm nước mắt như bà Hiền, nói lời cảm ơn, vén tay áo quệt nhẹ qua đôi mắt đỏ hoe nhìn về bàn thờ của mẹ: "Hồi mẹ bệnh nằm liệt giường vào đầu năm 2024, cán bộ địa phương đến xét cất cho căn nhà, mẹ rơi nước mắt nhưng mẹ không chờ được...".
Chương trình xây dựng nhà Ðại đoàn kết cho những người bán vé số dạo được triển khai vào đầu năm 2024 tại 101 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, do Ban vận động quỹ "Vì người nghèo" (thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau) vận động hỗ trợ từ Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết Cà Mau.
Ðối tượng ưu tiên được xem xét hỗ trợ nhà là những người hành nghề bán vé số dạo tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về nhà ở.
Trong tháng 9 vừa qua, có 101 căn nhà được hoàn thành và bàn giao cho người sử dụng, với kinh phí xây dựng là 50 triệu đồng/căn. Nhà được thiết kế tương đối chắc chắn với mái lợp tôn, nền gạch, khung thép..., bảo đảm che mưa nắng, chống chịu được với mưa dông.
Tại các nơi bàn giao nhà, đại diện Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết Cà Mau còn trao tặng nhiều phần quà cho hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hành nghề bán vé số.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lê Thanh Triều cho biết, với hơn 100 căn nhà vừa bàn giao đã góp phần giải quyết về cơ bản nhu cầu nhà ở trước mắt cho những người bán vé số dạo tại địa phương đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa có tiền xây dựng; qua đây còn góp phần giúp tỉnh xóa dần những ngôi nhà tạm, nhà dột nát không bảo đảm che mưa, trú nắng. Xổ số truyền thống tại Cà Mau là sản phẩm dịch vụ đặc biệt, mang tính xã hội cao không chỉ đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương, giúp tỉnh có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển xã hội, các công trình phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân mà còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm, ổn định cuộc sống cho hàng nghìn lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Nhờ thực hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh mà trong nhiều năm qua, mỗi năm xổ số truyền thống tại Cà Mau đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Năm 2024 này, xổ số Cà Mau phấn đấu đạt tổng doanh thu khoảng 5.170 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2.160 tỷ đồng.
Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết Cà Mau Lê Thanh Hải chia sẻ, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, thời gian qua công ty luôn quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Trong 5 năm đã dành hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, vì người nghèo, nhà Ðại đoàn kết, mái ấm an cư; hỗ trợ khuyến học; mổ mắt đem ánh sáng lại cho người mù, những đối tượng yếu thế tại địa bàn vùng sâu, vùng xa... Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng số các khoản hỗ trợ để thực hiện an sinh xã hội là hơn 8,6 tỷ đồng, nhiều nhất trong các năm qua.
Sau đợt bàn giao 101 căn nhà lần này, phía công ty sẽ triển khai tiếp việc hỗ trợ nhà cho những người bán vé số gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa có nền nhà để xây dựng nhà, giúp những cô bác hành nghề bán vé số lẻ có nơi ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.