Nhìn vào dữ liệu đăng ký kinh doanh năm 2023, có thể cảm nhận được tín hiệu khởi sắc của cộng đồng doanh nghiệp khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường lần đầu tiên vượt ngưỡng 200.000 doanh nghiệp. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) nhận định: Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp hồi sinh, mở rộng sản xuất
Trước những khó khăn của thị trường trong và ngoài nước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 đã giảm 2% so với cùng kỳ nhưng sau đó đã phục hồi ấn tượng trong các quý tiếp theo nhờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dữ liệu đăng ký kinh doanh ghi nhận trong ba quý còn lại của năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới luôn đạt mức hơn 40.000 doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Ðáng chú ý, trong quý IV/2023, doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng 20,2% so với cùng kỳ, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý của giai đoạn 2017-2022.
Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng có sự cải thiện qua các quý; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,3% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố.
Trong Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh năm 2024 trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng nhấn mạnh đến xu hướng niềm tin của cộng đồng sản xuất, kinh doanh đã quay trở lại, mặc dù thời kỳ khó khăn vẫn đang tiếp diễn.
Kết quả khảo sát của Ban IV thực hiện vào cuối năm 2023 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay đã tăng gấp 2,7 lần so với kết quả khảo sát được thực hiện trong tháng 4/2023. Tương tự, tỷ lệ đánh giá tích cực về kinh tế ngành hiện tại và triển vọng kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cũng tăng cao; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô tăng lần lượt gấp 2 và 2,5 lần tương ứng với cấp độ mở rộng quy mô mạnh và mở rộng vừa phải. Các chỉ số và chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng đều đạt tỷ lệ và điểm cao hơn.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh
Tuy nhiên, các báo cáo của Ban IV cũng như Tổng cục Thống kê đều nhận định cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn tăng ở mức cao.
Năm 2023, cả nước có 172.500 doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,5% so với năm trước. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể đều có thời gian hoạt động ngắn, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ.
So với kết quả khảo sát tháng 4/2023, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong kết quả khảo sát tháng 12 vẫn không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác. Vì vậy, Ban IV cho rằng năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan sức dân cũng như doanh nghiệp để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế. Ðây cũng là thời điểm quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt, trở thành động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, sau một năm vô cùng khó khăn, ngành dệt may đang có những dấu hiệu tích cực hơn, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng cho năm 2024 dù đơn giá vẫn ở mức thấp. Dự báo triển vọng của ngành dệt may có thể sẽ tích cực hơn từ quý II, quý III/2024, có thể quay trở lại mức xuất khẩu 44 tỷ USD, tương đương thành tích của năm 2022. Ðể đạt được con số này, doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về chính sách thuế, thủ tục hành chính và đặc biệt là quỹ đất để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài.
Với mục tiêu đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, Tổng cục Thống kê kiến nghị, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất, kinh doanh, khơi thông và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Các giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; trong đó lưu ý tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi; khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Ðây sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy cải cách, đưa nền kinh tế tăng tốc phục hồi và tăng trưởng.