Nick Turse và một cuộc chiến tranh Việt Nam chưa tồn tại trong sách sử Mỹ

NDO -

NDĐT – Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 38 năm, nhưng có những sự thật chưa bao giờ được chính phủ Mỹ công khai với người dân Mỹ. Và đến nay, với sự thôi thúc phải giúp công chúng Mỹ hiểu được những câu chuyện đau thương của người dân Việt Nam trong cuộc chiến do Mỹ gây ra mà chính phủ Mỹ đã và đang cất giấu trong góc khuất, chàng thanh niên Nick Turse đã dành hơn 12 năm để cho ra đời cuốn sách Giết Tất Cả Những Thứ Động Đậy (Kill Anything That Moves) viết về chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam những năm 1960-1970. Trong những ngày kỷ niệm 38 năm thống nhất đất nước, chúng tôi đã có được liên lạc với Nick Turse. NDĐT xin gửi đến bạn đọc một phần của cuộc trò chuyện với tác giả Nick Turse.

Nick Turse và bìa cuốn sách Giết Bất Cứ Những Thứ Động Đậy (nguồn: original.antiwar.com)
Nick Turse và bìa cuốn sách Giết Bất Cứ Những Thứ Động Đậy (nguồn: original.antiwar.com)

“…việc giết hại dân thường…là phổ biến, thường lệ, và có thể quy trực tiếp cho các chính sách chỉ huy của Mỹ ", Nick Turse viết trong cuốn sách. Không phải người Mỹ nào cũng đồng tình với kết luận này của Nick Turse trong cuốn sách. Nhưng cuốn sách, với nguồn tư liệu chính từ hồ sơ của Nhóm làm việc về Tội ác chiến tranh Việt Nam ở Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ, cùng 12 năm nghiên cứu, phỏng vấn nhân chứng ở cả hai đầu địa cầu, đã khiến nhiều người đọc ở Mỹ phải thật sự nhìn lại đoạn quá khứ đau buồn này.

Sốc vì không còn thấy hận thù

* Ở Việt Nam, anh sẽ được coi là thuộc về thế hệ hậu chiến tranh (Nick Turse sinh năm 1975 – PV). Chính xác thì điều gì đã khiến anh quyết định viết sách về cuộc chiến mà Mỹ đã thực hiện ở đất nước chúng tôi?

- Tôi bắt đầu dự án này khi còn là sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Colombia. Khi đó, tôi đang nghiên cứu lịch sử cho một công trình về hội chứng PTSD - rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý - của các cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến mà ở nước tôi được gọi là “cuộc chiến Việt Nam”. Sếp tôi cử tôi xuống Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ (U.S. National Archives) để tìm kiếm hồ sơ quân sự chính thức. Có lần một chuyên viên lưu trữ kể cho tôi về một tập hợp các hồ sơ có tên gọi là Nhóm làm việc về Tội ác chiến tranh Việt Nam. Tôi đã xem xét chúng và thấy hàng ngàn trang hồ sơ liệt kê chi tiết những tội ác khủng khiếp trút lên thường dân Việt Nam như tàn sát, ám sát, hãm hiếp, tra tấn và càn quét.

Những tài liệu đó không có ích lắm cho nghiên cứu về PTSD, nhưng tôi không tài nào thôi nghĩ đến chúng. Cuối cùng tôi đã làm đề tài tiến sĩ về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và dựa nhiều vào những hồ sơ ấy. Sau đó, tôi sang Việt Nam với tư cách phóng viên tự do cho tờ Thời báo Los Angeles. Mặc dù đã viết luận án một ngàn trang giấy về tội ác chiến tranh của Mỹ nhưng mãi đến khi tôi sang nước các bạn và nói chuyện (qua một người phiên dịch) với những người sóng sót ở nông thôn thì tôi mới bắt đầu thật sự hiểu ra người Việt Nam đã gánh chịu tổn thất nhường nào trong cuộc chiến đó.

Sau đó tôi trở lại Việt Nam một vài lần nữa, dành rất nhiều thời gian ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Đồng bằng sông Cửu Long. Những người tôi có dịp nói chuyện cùng ở các thôn làng đã dạy tôi nhiều điều. Họ kể cho tôi nghe về cuộc sống dưới bom, pháo và hỏa lực của trực thăng trong suốt nhiều năm như thế nào. Họ đã cho tôi xem cuộc chiến theo cách chưa hề tồn tại trong sách lịch sử ở Mỹ. Khi ấy tôi biết ngay rằng mình cần kể lại câu chuyện của họ. Tôi biết là mình cần cho người Mỹ thấy người Việt Nam đã chịu đựng đau khổ biết bao. Chính những người Việt Nam ấy hiện lên trước tiên trong óc tôi khi tôi viết cuốn Giết Bất Cứ Những Thứ Động Đậy. Đến giờ tôi vẫn tiếp tục được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm và bất khuất của họ.

Vậy điều gì khiến anh nghĩ rằng cuốn sách này khác với hàng chục ngàn cuốn sách còn lại về cuộc chiến đó?

- Giết Bất Cứ Những Thứ Động Đậy là cuốn sách độc đáo trong văn học Mỹ về chiến tranh vì nó tập trung vào nỗi đau của thường dân Việt Nam. Ở Mỹ, chúng tôi có rất nhiều sách quân sự, hồi ký của lính, sách ngoại giao, sách về chiến lược và chiến thuật, các cuốn tiểu sử về Tổng thống, tướng lĩnh,… Tổng cộng có tới 30 ngàn cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam nhưng hầu như không có cuốn nào tập trung nói về ý nghĩa của cuộc chiến với những thường dân, những người trải qua chiến tranh từng ngày một trong suốt hơn một thập niên. Hầu hết dân Mỹ không biết bao nhiêu người Việt Nam đã chết, bị thương hay phải trở thành người tị nạn bởi cuộc chiến tranh Mỹ đó.

Tương tự thế, hầu như không có cuốn sách nào của chúng tôi nói về việc quân đội Mỹ đã giết và làm bị thương bao nhiêu thường dân. Tôi muốn chỉnh lại hồ sơ lịch sử cho đúng. Đó là lý do tại sao tôi viết Giết Bất Cứ Những Thứ Động Đậy.

* Điều gì gây ấn tượng nhất cho anh trong khi phỏng vấn và nghiên cứu cho cuốn sách? Điều gì khiến anh ấn tượng nhất khi cuốn sách được xuất bản?

Tôi đã phỏng vấn nhiều cựu chiến binh Mỹ mà đã cố gắng lên tiếng về những tội ác họ chứng kiến. Việc [phỏng vấn họ] luôn động viên tôi. Nhưng chính những cuộc phỏng vấn với người dân thường Việt Nam - nhất là phụ nữ - những người đã chịu cảnh thiếu thốn và đau đớn khủng khiếp, là điều có tác động lớn nhất tới tôi. Tôi thật sự kinh ngạc bởi sức mạnh cảm xúc và tâm lý của họ.

Tôi cũng sốc vì hoàn toàn không thấy có sự thù hận và giận dữ cho dù đất nước tôi đã gây ra bao đau thương ở Việt Nam. Là một người Mỹ, tôi đã nghĩ chắc ít nhất sẽ gặp một vài người còn mang thái độ thù địch. Nhưng thay vào đó, mọi người mời tôi vào nhà, mời uống trà, và kể cho tôi nghe những ngày tồi tệ nhất ấy trong cuộc đời họ. Họ cũng phải chịu đựng những câu hỏi của tôi về các chủ đề thật sự là kinh khủng. Họ vô cùng cởi mở, chân thật và bao dung dành thời gian cho một người khách lạ đến từ đất nước đã khiến họ có bao khổ đau. Tất cả đều khiêm nhường và truyền cảm hứng cho tôi. Thật sự vinh dự khi được nói chuyện với những người tôi phỏng vấn. Tôi thấy mình may mắn vì đã có cơ hội học hỏi từ họ.

Khi cuốn sách được xuất bản, tôi đã chờ đợi phản ứng giận dữ ở Mỹ. Phần lớn dân Mỹ vẫn khó mà tin được rằng đất nước họ làm những điều tôi nói trong cuốn sách. Đây chưa phải là chủ đề phổ biến nhưng cuốn sách đã nhanh chóng vào danh sách bán chạy nhất, và 90-95% phản ứng tôi nhận được là tích cực, kể cả phản hồi từ các cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến ấy.

Câu chuyện của thường dân cũng cần được lưu giữ

* Thêm một cuốn sách nữa về chiến tranh, hiểu thêm nữa về những gì đã xảy ra trong giai đoạn lịch sử ấy giúp ích gì cho Việt Nam, Mỹ và thế giới ngày nay?

- Tôi nghĩ nếu chúng ta không trung thực về quá khứ của mình, chúng ta không thể rút ra bài học từ nó. Vì nước Mỹ liên tục dính vào các xung đột quân sự ở nước ngoài, ví dụ như Afghanistan, Iraq, Pakistan, Libya, Yemen, và Somalia, điều quan trọng là người Mỹ hiểu chiến tranh thật sự là thế nào, nhất là với những ai phải sống với nó từng ngày như người dân thường. Các cuộc chiến gây ra tổn thất khủng khiếp, nhưng chuyện về những thường dân bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến của Mỹ hiếm khi nằm trên trang nhất các tờ báo hay đứng đầu bản tin buổi tối. Nếu người Mỹ được huy động để đưa con trai, con gái mình tham chiến, ít nhất họ nên biết rõ điều đó có ý nghĩa thế nào đối với những người con trai, con gái của người dân ở nước ngoài.

Tôi không chắc mình biết ý nghĩa của cuốn sách này với người Việt Nam, nhưng tôi sẽ rất vui nếu như nó khởi động những đối thoại mới về cuộc chiến. Ở nhiều làng quê mà tôi đi qua, trẻ con thường tập hợp lại và nghe kể chuyện. Người ta nói với tôi rằng, đó là lần đầu tiên các em được nghe chuyện chiến tranh của chính người dân làng. Tôi nghĩ các bạn trẻ cần biết và trân trọng những gì những người lớn tuổi đã gánh chịu. Tôi có thể hiểu được mong muốn bảo vệ trẻ em khỏi những sợ hãi khi nghe chuyện, nhưng tôi cho là các thế hệ tương lai cần biết trân trọng những gì cha mẹ, ông bà, cụ kị họ đã trải qua. Tôi biết các bạn có nhiều sách lịch sử quân sự nhưng tin rằng, kể cả các câu chuyện về thường dân cũng cần được gìn giữ. Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và cuộc chiến tranh do nước Mỹ gây ra ngày càng trở thành ký ức, nhưng tôi chân thành hy vọng các câu chuyện của người dân Việt Nam bình thường được lưu giữ cho các thế hệ mai sau.

* Mặc dù phát triển nhanh chóng trong thập niên vừa qua, quan hệ Mỹ-Việt vẫn còn nhiều việc phải làm để vượt qua quá khứ, ví dụ như chất da cam/dioxin và UXO - các vật liệu nổ còn sót lại. Anh nghĩ hai bên nên làm gì để sửa chữa quá khứ và hàn gắn vết thương thể xác, tinh thần của nhiều người Mỹ và biết bao nhiêu người Việt Nam khác, những người phải gánh chịu trực tiếp và gián tiếp từ cuộc chiến này?

Tôi nghĩ Mỹ có thể làm rất nhiều việc nữa cho người dân ở Việt Nam trong vấn đề chất diệt cỏ hóa học như chất độc da cam và đặc biệt là UXO tiếp tục gây ra những thương vong kinh khủng, nhất là với trẻ em. Trước đây tôi cũng đã từng viết bài về vấn đề này. Điều đúng đắn cần làm là cấp nguồn kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ để đảm bảo các thế hệ tương lai không trở thành nạn nhân của một cuộc chiến xảy ra trước đó nhiều thập niên. Nhưng tôi không hy vọng nhiều việc nước tôi sẽ làm điều đó. Rất may là những người như cựu chiến binh Chuck Searcy và các thành viên tốt bụng của dự án Renew đang làm những điều tuyệt vời trong việc phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Về nước Mỹ, những vết thương tinh thần đó sẽ không thể hàn gắn được nếu người Mỹ chưa chấp nhận hiện thực cuộc chiến này. Dù nhiều thập niên đã qua đi, dù nhiều tổng thống đã cố dán mác khác lên cuộc chiến hoặc tìm cách vứt nó vào sọt rác thì người Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi tổn thất của họ ở Việt Nam và những sự thật nửa vời về cuộc chiến ở đây. Bởi không bao giờ nhìn thẳng vào những gì đất nước chúng tôi đã thực sự gây ra trong cuộc chiến đó, chúng tôi vẫn thấy bóng ma chiến tranh hiện lên mới mẻ qua mỗi khi can thiệp quân sự, lần này tiếp lần khác, ở Iraq, Afghanistan và nhiều nơi nữa. Lịch sử chân thực về mất mát của người dân thường Việt Nam không ăn nhập lắm với những chuyện kể thời hậu chiến được yêu thích ở Mỹ: câu chuyện về một cuộc xung đột đã được giải quyết một cách hào hiệp bởi các vị tư lệnh có trách nhiệm và các chàng trai Mỹ ngoan ngoãn, những người bị ảnh hưởng do vài con sâu làm rầu nồi canh. Bởi thế, cuộc chiến ấy tiếp tục ám ảnh xã hội chúng tôi một cách sâu sắc và phức tạp. Nếu nước Mỹ muốn hàn gắn vết thương tinh thần của mình, họ cần thừa nhận những gì đã làm với Việt Nam và người dân nơi đây.

* Anh có định xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt ở Việt Nam không? Nếu có, xin cho biết tại sao anh muốn làm vậy?

Tôi vui mừng được thông báo với bạn là Nhà Xuất bản Trẻ đã bày tỏ quan tâm tới việc xuất bản cuốn sách này và chúng tôi đang thảo luận cụ thể với nhau. Tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu cuốn sách được có mặt ở Việt Nam và mong được trở lại Việt Nam để giới thiệu sách. Tôi cũng sẽ rất chờ đón phản ứng từ độc giả người Việt.