Những việc cần làm ngay (Bài 12)

Nhân ngày báo chí Việt Nam, N.V.L. tôi xin tham gia vài ý kiến:
0:00 / 0:00
0:00
Những việc cần làm ngay (Bài 12)

1- Lúc ta chưa có chính quyền, còn hoạt động bí mật, cán bộ còn ít ỏi, tờ báo bí mật của Đảng đóng một vai trò rất quan trọng: Báo thay cho cán bộ. Rất nhiều nơi cán bộ chưa có, chưa đi đến được, tờ báo đã đến làm vai trò tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng hiểu cách mạng, chỉ vẽ và động viên quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của mình, vạch cho quần chúng phải tổ chức nhau lại, phải vào Đảng để cùng nhau đánh đổ chế độ đế quốc, thực dân, phong kiến địa chủ. Có thế mới giải phóng mình khỏi chế độ áp bức, bóc lột.

Báo còn giáo dục cho người muốn làm cách mạng phải có phẩm chất cách mạng: phải dám hy sinh, có khi phải hy sinh cả đời sống, phải anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để thực hiện cho được lý tưởng của mình: lý tưởng giải phóng dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, đấu tranh thực hiện một xã hội tự do, công bằng, không còn người áp bức người, người bóc lột người; biết thương yêu đồng bào, đồng chí, phải gần gũi quần chúng, phải vì quyền lợi của họ mà đấu tranh, lấy đó làm mục đích cao quý nhất của đời mình; biết ghét bọn phi nghĩa, biết lên án chúng; biết đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ lẽ phải dù phải hy sinh tính mạng. Văn chương báo phải giản dị, dễ hiểu để dễ làm.

Ở nước ta Bác Hồ là người viết báo cách mạng đầu tiên, là bậc thầy của thế hệ viết báo cách mạng theo cung cách đó.

2- Nay ta đã có chính quyền, báo chí ta phát hành công khai. Hình thức ngôn luận rất phong phú: báo viết, báo nói (truyền thanh), báo hình (từ báo in hình đến truyền hình).

Báo chí của ta, nói chung vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng lúc bí mật. Có nhiều mặt còn phong phú, đa dạng hơn. Đó là điều tốt.

Nhưng bên cạnh cái tốt, theo tôi đã xuất hiện nhiều cái làng báo ta nên suy nghĩ để sửa ngay, nếu thấy cần:

- Nhiều tờ báo, kể cả các tờ báo cấp trung ương, có lẽ chưa xác định rõ là viết chủ yếu cho quần chúng và cho đảng viên, cán bộ bình thường đọc, nên viết vừa khô khan, vừa khó hiểu, viết những bài xã luận dài quá, nội dung không sinh động, không đi vào lòng người, do đó không tạo ra được những phong trào của quảng đại nhân dân và cán bộ, đảng viên đọc báo, viết báo và làm theo báo. Báo Đảng là vai trò trung gian nối Đảng với dân, vậy báo phải viết sao để thể hiện câu “Ý Đảng, lòng dân”, “Dân tin Đảng, Đảng tin dân”, “Dân làm theo Đảng, Đảng sát với dân”.

- Tờ báo, theo tôi, không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo” mà còn phải là “diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”. Phải làm sao có những mục để cho chính ngay dân hoặc người đảng viên, cán bộ gần dân, hiểu dân, viết ra những ý, những bài thể hiện được ý của dân, để hoặc là đề đạt nguyện vọng của dân với Đảng, với Nhà nước, hoặc là lên án những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, nhân viên Nhà nước hay của ngay một số nhân dân với mục đích khuyên răn nhau làm điều phải.

- Trên tờ báo, bên cạnh những bài viết để phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật một cách sinh động, dễ hiểu, dễ đồng tình, phải có nhiều tin tức nói về các hoạt động tốt, thậm chí chưa tốt khi thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Những bài này nên để cho dân viết, không viết được thì họ nói nhà báo viết thuật lại hộ họ. Nhất là phải rút ra được những bài học ngắn gọn, nhưng bổ ích. Nên mở rộng mục “người thật, việc thật”, “người tốt, việc tốt”, “việc không nên làm”.

- Văn phong nên sinh động, tránh khô khan, viết hấp dẫn không phải chỉ do lời văn chải chuốt mà còn do nội dung thu hút người ta vì nó đáp ứng ngay những việc người ta đang cần biết, cần làm, hoặc người ta đang băn khoăn, thắc mắc cần có giải đáp.

Nên nhớ lời Bác Hồ dặn dò các nhà cầm bút: viết cho người ta dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

Sẽ có người phản ứng: Thế khi viết lý luận thì sao? Theo tôi, viết lý luận mà làm cho người ta dễ hiểu vì nó sát với thực tế mới là khó và ta cần rèn luyện để làm cho được. Tránh bệnh chỉ ưa tầm chương, trích cú theo kiểu các thầy đồ nho gàn, động một chút là: Khổng Tử viết, Mạnh Tử viết... Nay bạ đâu cũng Mác đã nói, Lênin đã nói, v.v. thì sẽ hóa thành các “ông đồ mácxít”!

- Muốn làm được một số việc trên, nhà báo, theo tôi nghĩ, ngoài trình độ văn chương, thì điều lớn nhất là phải có “tấm lòng”.

Tấm lòng trong trắng, tha thiết, hăng say để qua các bài báo của mình mà “Dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân”, dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng để làm theo cho đúng; Đảng hiểu được đời sống của dân, tâm tư nguyện vọng của dân để có những chủ trương, chính sách đúng với quyền lợi của dân.

Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối.

Vài lời mộc mạc nôm na

Nhân ngày nhà báo nêu ra cùng bàn.

N.V.L.

____________

Báo Nhân Dân, số 12036, ngày 24/6/1987.