Vụ đánh bạc nghìn tỷ

Những trợ thủ đắc lực của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam

NDO -

NDĐT - Vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng có sự bảo kê của hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đang được xét xử tại Phú Thọ đã gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Trong đường dây này, cơ quan điều tra đã làm rõ vai trò chủ chốt của hai trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc.

Vậy, ai là những trợ thủ đắc lực để đường dây này hoạt động và những người thân nào đã bị hai “ông trùm” này đưa vào vòng xoáy cờ bạc?

Trong những ngày xét hỏi các đại lý cấp 1 của game cờ bạc RikVip và Tib.Club, do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Năm cầm đầu, nhiều bị cáo cho biết, trong quá trình phát triển các đại lý cấp 2 và tham gia chơi cờ bạc, nhiều con bạc đặt câu hỏi đây là trò chơi đánh bạc trên mạng là vi phạm pháp luật. Nhưng do có thế lực lớn bảo kê nên con bạc và các đại lý cấp 1 yên tâm chơi và tiếp tay một cách tích cực để đường dây cờ bạc này phát triển mạnh như vậy.

Thế lực lớn mà các bị cáo khai trước Hội đồng xét xử chính là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Chính hai vị tướng này đã vẽ đường để Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam thành lập Công ty CNC trên danh nghĩa là công ty giúp C50 phát triển một số phần mềm phục vụ hoạt động phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Trong quá trình Công ty CNC vận hành hai cổng game Rikvip.com và 23zdo.com và sau này đổi thành Tib.Club, các phòng chuyên môn của Tổng cục Cảnh sát biết đây là hai cổng game đánh bạc trá hình, nhưng ông Vĩnh và ông Hóa liên tục can ngăn không cho kiểm tra hoạt động hai cổng game của công ty CNC, mới dẫn đến đường dây đánh bạc ngìn tỷ hoạt động trong thời gian dài.

Một trong số những trợ thủ đắc lực khác giúp Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam và hai cổng game đánh bạc RikVip và Tib.Club hoạt động công khai là Lưu Thị Hồng (SN 1976, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trước khi bị bắt, Lưu Thị Hồng là Tổng Giám đốc Công ty CNC, do Nguyễn Văn Dương thành lập và là Chủ tịch HĐTV. Chính Hồng là người trực tiếp ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng về tỷ lệ ăn chia.

Những trợ thủ đắc lực của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam ảnh 1

Bị cáo Lưu Thị Hồng, trợ thủ đắc lực trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online biết Công ty CNC của Dương là công ty bình phong thuộc C50, nên đã gặp và đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài Rikvip. Lưu Thị Hồng được Nguyễn Văn Dương chỉ đạo ký hợp đồng số 010/HĐKT/CNC-VTCO ngày 1-4-2015 với Công ty VTC Online, do Phan Sào Nam đại diện, về việc “cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ” cho dịch vụ “Win2All khai thác thương mại với tên Rikvip theo địa chỉ web www.Rikvip.com. Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, Hồng đã thực hiện ký các hợp đồng hợp tác phát hành game bài Rikvip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia ký đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc tổng cộng bốn tháng.

Một trợ thủ khác của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam là Lê Thị Lan Thanh, sinh năm 1981, Giám đốc Công ty CP viễn thông và giải trí số Việt Nam - GTS (Công ty GTS) giúp sức. Cụ thể, Công ty GTS của Lê Thị Lan Thanh đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với ba nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone. Từ năm 2016 đến tháng 8-2017, tổng tiền các nhà mạng thu từ khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán GTS là hơn bảy nghìn tỷ đồng, sau khi trừ lợi nhuận hơn một nghìn tỷ đồng, số còn lại trả cho Công ty GTS.

Sau đó, Công ty GTS thanh toán cho Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương 4.600 tỷ đồng. Để hợp thức hóa số tiền thanh toán cho CNC không có hóa đơn, Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Thị Dung (nhân viên của Công ty GTS) đã mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số hơn 5.135 tỷ đồng. Mặt hàng thể hiện trên các hóa đơn khống nói trên là thẻ cào với mệnh giá từ 10 nghìn đến 500 nghìn đồng, do các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone phát hành tại bốn đơn vị ở Hà Nội.

Điều đáng chú ý, trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ này, Phan Sào Nam còn đưa cả người thân của mình cùng tham gia. Trong đó, đáng chú ý là Đỗ Bích Thủy (SN 1972, trú tại quận Tân Bình, TP HCM, là con chị gái ruột mẹ Phan Sào Nam), Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt (Công ty Nam Việt) và dì ruột của Nam là Phan Thị Thu Hương.

Theo cáo trạng, năm 2015, Phan Sào Nam đến gặp chị họ Đỗ Bích Thủy đề nghị mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Thủy đã đồng ý với đề nghị đó và ký hợp đồng với Nam về việc phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm thương mại Rikvip. Trong đó, phí bản quyền phần mềm theo thoả thuận là 600 triệu đồng. Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu. Sau khi ký hợp đồng, Thủy phân công Hoàng Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty Nam Việt, phụ trách văn phòng đại diện tại Hà Nội. Từ đó, Thủy và Trung tiếp nhận 36 nhân viên từ công ty của Phan Sào Nam vào làm việc và tuyển dụng thêm hàng chục người khác để vận hành game bài Rikvip. Thủy bị cáo buộc hành vi tổ chức đánh bạc khi giúp ông trùm đường dây đánh bạc quản lý một phần doanh thu từ hành vi trái phép này. Quá trình thực hiện, Nam bảo Thủy rút 50 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm. Người hưởng thụ khoản tiền bất chính này là Thủy.

Những trợ thủ đắc lực của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam ảnh 2

Những người điều hành và bảo kê đường dây đánh bạc. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, Phan Sào Nam đã nhờ Phan Thu Hương (SN 1961, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho chuyển tiền vào tài khoản để cất giữ và Hương đồng ý. Sau đó, Nam chỉ đạo cấp dưới lần lượt chuyển hơn 216 tỷ đồng vào tài khoản tiết kiệm của Phan Thu Hương. Bên cạnh đó, Hương còn nhận tiền từ nhiều nguồn khác của Phan Sào Nam chuyển vào tài khoản của mình. Tổng số tiền Hương nhận từ Phan Sào Nam là hơn 236 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC), Phan Sào Nam (Chủ tịch VTC Online) và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng. Hành vi phạm tội này dựa vào sự trợ giúp của cựu tướng Vĩnh và Hoá - những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, được giao đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Sau 28 tháng vận hành, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần sáu nghìn đại lý cấp 2, để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Theo đó, có gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng.

* Biết là “công ty bình phong” nên rất yên tâm

* Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Con bạc càng gỡ, càng thua nhiều

* Bắt đầu thẩm vấn các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ

* Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam hưởng lợi và thực hiện hành vi rửa tiền như thế nào?

* Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm trong vụ đánh bạc nghìn tỷ hầu tòa

* Xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua internet ở Phú Thọ

* Đại lý cấp 1 khai có thế lực lớn bảo kê

* Bắt đầu thẩm vấn các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ

* Kết quả điều tra ban đầu vụ án đánh bạc nghìn tỷ

* Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ án: “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền”

* Khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc”

* Tước danh hiệu công an nhân dân, bắt tạm giam bị can Phan Văn Vĩnh

* Khởi tố thêm nhiều đối tượng liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ

* Đề nghị truy tố 95 bị can trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua internet

* Thành lập công ty bình phong để bảo kê đường dây đánh bạc nghìn tỷ

* Thành lập năm công ty để tổ chức đánh bạc và mua bán trái phép hóa đơn

* Lập nhiều hóa đơn khống để hợp thức hóa tiền đánh bạc trái phép