Những tín hiệu vui từ thị trường bất động sản

Ngành bất động sản đóng góp gián tiếp từ 20-25% tăng trưởng kinh tế vì liên quan đến khoảng 50 ngành kinh tế khác nhau. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, thị trường bất động sản khó khăn sẽ kéo theo thị trường tài chính khủng hoảng, thậm chí là sụp đổ. Do vậy, gỡ khó cho thị trường bất động sản cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy thị trường tài chính phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Một số dự án nhà ở tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh CT)
Một số dự án nhà ở tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh CT)

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, những dự án hoàn thiện về pháp lý, tiến độ thanh toán dài hơi, số tiền thanh toán được chia nhỏ, chủ đầu tư uy tín, có tiện ích tốt đã được khách hàng tin tưởng chọn mua. Ðiển hình như Tập đoàn Hưng Thịnh vừa mở bán dự án ở huyện Hóc Môn với giá bán khoảng hơn 30 triệu đồng/m2 và tiến độ thanh toán được kéo dài lên đến 5 năm theo dạng trả góp đã được khách hàng tiếp nhận. Hay tại dự án The Classia Khang Ðiền (thành phố Thủ Ðức) cũng đã chốt được nhiều giao dịch trong tuần. Hiện nay trên thị trường đã có nhiều doanh nghiệp sang bán không lợi nhuận các dự án, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý xuống tiền, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường.

Theo bà Nguyễn Thái Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Ðịa ốc Thăng Long, nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho nên từ giữa tháng 4 đến nay thị trường bất động sản đã có giao dịch trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch còn thấp vì khách hàng có tâm lý chờ chính sách hỗ trợ thiết thực hơn. Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ, chưa bao giờ có nhiều văn bản hỗ trợ cho ngành bất động sản, cũng như nhà ở xã hội nói riêng như hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về nhà ở xã hội để tự tin đầu tư vào phân khúc ít lợi nhuận này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác tháo gỡ cho thị trường bất động sản, đến nay giải quyết cho năm dự án được huy động vốn, trong đó, bốn dự án huy động được 50% và một dự án 100%. Tổng số căn hộ của năm dự án này là gần 5.432 căn trong đợt 1. Nếu tiếp tục hoàn chỉnh pháp lý, từ nay đến cuối năm, sẽ có hơn 5.000 căn hộ được đưa ra thị trường.

Ông Chu Vĩnh Lăng, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa công bố công khai danh sách 355 dự án với 81.000 căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Ngoài ra, còn có khoảng 50 dự án với hàng nghìn căn hộ đang chờ người mua nhà bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; 39 dự án vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận và các loại hình khác đang tiến hành thống kê, rà soát để có hướng tháo gỡ vướng mắc.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, chưa bao giờ Chính phủ và các địa phương thể hiện nỗ lực phục hồi và củng cố thị trường bất động sản như hiện nay. Các quy định mới đã tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, ngân hàng cũng đang cố gắng kéo giảm lãi suất. Ðây là những tín hiệu tích cực. Về vốn, trái phiếu, tín dụng, các giải pháp hiện nay đang theo hướng gỡ. Tuy nhiên, cần tiếp tục sửa toàn bộ hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản đang mâu thuẫn, chồng chéo.

Về việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Cục Thuế thành phố đã tiếp nhận được hơn 2.000 hồ sơ với số tiền giảm 30%, khoảng 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đang triển khai gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng hộ kinh doanh… Cục Thuế thành phố ước tính, sẽ có khoảng 15.700 tỷ đồng tiền thuê đất, 8.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, 7.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp... sẽ được gia hạn.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Ðức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong ba tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trong đó có chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Ðây là chính sách rất mạnh vì chỉ áp dụng cho giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 2008 và gần nhất được thực hiện khi đại dịch Covid-19. Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả nợ, vẫn được vay vốn như thông thường. Việc thẩm định, cơ cấu lại nợ do chính ngân hàng quyết định cho nên vẫn có sự thuận lợi, đi vào thực tiễn cuộc sống ngay.

Cũng theo ông Lệnh, bốn ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đang thực hiện triển khai gói cho vay 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ động để cho vay. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà xã hội 8,2%/năm. Ðây cũng là một lãi suất mềm cho kỳ hạn vay trung dài hạn. Nhưng nếu so với lãi suất 5% của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn cao. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân thì phải có giải pháp tổng thể như phải có chính sách bù lãi suất như Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Nhưng mấu chốt là phải có nguồn cung, phải có dự án nhà ở xã hội hay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ thì ngân hàng mới có thể cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng như đã nêu.

Quý I/2023, Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách 96.400 tỷ đồng, đạt 29,6% so dự toán và tăng 3,5% so cùng kỳ. Tuy vậy, thu từ bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, chỉ được 4.300 tỷ đồng, chiếm 4% trên tổng thu của địa bàn. Mức giảm thu rất sâu tại từng loại thuế. Thí dụ, thuế thu nhập chuyển quyền sử dụng bất động sản, thừa kế chỉ được 800 tỷ đồng, giảm 59% so cùng kỳ năm ngoái, giảm 30% so cùng kỳ năm 2021; lệ phí trước bạ thu đạt 287 tỷ đồng, giảm 50% so cùng kỳ năm 2022 và giảm 19% so cùng kỳ năm 2021; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 53 tỷ đồng, giảm 38% so cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, thu tiền sử dụng đất lũy kế đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 79% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 52% so cùng kỳ 2021; thu tiền thuê đất đạt 294 tỷ đồng, giảm 81% so cùng kỳ 2022 và 39% so với 2021…