Thủ tướng Scholz cho biết, kiểm soát dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ chính trong năm 2022. Ðại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp ngay những ngày đầu năm 2022. Biến thể Omicron khiến tình hình trở nên khó khăn hơn tại nhiều nước, trong đó có Ðức.
Thủ tướng Scholz cho rằng, mọi người đều nhận thức được rằng, đại dịch vẫn chưa kết thúc và Chính phủ Ðức cam kết sẽ có phản ứng nhanh chóng, kiên quyết hơn. Sau năm 2021 nhiều biến động, ông Scholz cho rằng, bằng cách đoàn kết, nước Ðức có thể giải quyết được mọi thách thức, cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Khi nước Ðức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G7 từ ngày 1/1, hợp tác, đoàn kết quốc tế được Thủ tướng Ðức Scholz đặc biệt nhấn mạnh. Vai trò dẫn dắt và tầm ảnh hưởng của Berlin ở thời điểm hiện tại được cho là rất quan trọng, nhất là khi thế giới vẫn đương đầu với dịch bệnh phức tạp cùng một loạt thách thức cấp bách. Thủ tướng Ðức nhấn mạnh mục tiêu tạo sự hài hòa giữa các quốc gia để "mỗi tiếng nói đều được lắng nghe và chia sẻ".
Giới phân tích cho rằng, Ðức có nhiều lợi thế và cơ hội khi đảm nhiệm vai trò "đầu tàu" của G7, khi các nước thành viên đang nỗ lực vì mục tiêu chung, đánh dấu sự trở lại của các mối quan hệ đối tác truyền thống. Năm 2021, G7 đã cho thấy những nỗ lực thay đổi quan điểm cho rằng G7 chỉ là "câu lạc bộ khép kín của các cường quốc phương Tây".
Ðiểm nhấn trong năm 2021 chính là sự trở lại của Mỹ tại các diễn đàn đa phương, trong đó có G7. Dưới sự dẫn dắt của Anh, Chủ tịch luân phiên trong năm 2021, G7 đã bước đầu khôi phục sự gắn kết, đồng thuận trong giải quyết các thách thức địa-chính trị và an ninh phi truyền thống đang nổi lên.
Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Annalena Baerbock (A.Ba-ơ-bốc) nhấn mạnh thông điệp "Bạn sẽ không bao giờ phải đi một mình, nếu cùng nhau hợp tác mạnh mẽ". Ðây chính là nguyên tắc hoạt động trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm 2022. Các ưu tiên trong chương trình nghị sự G7 dự kiến được Chính phủ Ðức chính thức công bố trong tháng 1 này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Baerbock, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề khí thải toàn cầu, sẽ là một trong những trọng tâm mà Ðức theo đuổi trong nhiệm kỳ. Ðức kỳ vọng Hội nghị cấp cao G7, dự kiến được tổ chức tại bang Bayern cuối tháng 6 tới, sẽ tạo bước đệm quan trọng trong chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu.
Thủ tướng Scholz khẳng định quyết tâm phát huy vai trò Chủ tịch để đưa G7 trở thành nhóm những nước tiên phong trong các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường và vì một thế giới công bằng hơn. Mục tiêu của G7 không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường, mà còn để tránh xung đột thương mại liên quan các chính sách thuế quan xanh khác, như "thuế biên giới carbon" của Liên minh châu Âu (EU).
Tiếp tục đóng góp cho chương trình tiêm chủng của thế giới nhằm đẩy lùi dịch Covid-19, tăng cường hợp tác với ASEAN cũng như các tổ chức khác trong nhiều lĩnh vực, tháo gỡ các vấn đề nóng trên thế giới như thỏa thuận hạt nhân Iran, căng thẳng biên giới Ukraine, làn sóng di cư… cũng sẽ là những chủ đề các nhà lãnh đạo G7 quan tâm, thảo luận trong năm 2022.
Ðức vừa trải qua giai đoạn chuyển giao quyền lực, với một liên minh cầm quyền ba bên chưa từng có ở cấp độ liên bang. Khẳng định lại vị thế nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phát huy vai trò dẫn dắt các cường quốc hàng đầu thế giới đồng thuận giải quyết những thách thức chung và thúc đẩy hợp tác toàn cầu là những thử thách đầu tiên với chính quyền Thủ tướng Ðức Olaf Scholz.