Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”

NDO - Gần 900 tác phẩm dự thi, 70 tác phẩm vào chung khảo, và 30 tác phẩm đoạt giải, cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” đã cho thấy nhiều tác phẩm chất lượng và có sự sáng tạo vô cùng độc đáo, thu hút sự chú ý của đông đảo người xem.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Lại Lâm Tùng được trao giải xuất sắc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tác giả Lại Lâm Tùng được trao giải xuất sắc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” khởi động từ tháng 5/2023, thu hút gần 1.000 tác phẩm của gần 500 tác giả gửi đến tham dự chỉ sau 5 tháng. Cuộc thi dành cho những người yêu hội họa, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên mỹ thuật và các trường văn hóa-nghệ thuật trên phạm vi cả nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo sân chơi cho các họa sĩ.

Cuộc thi cũng là cơ hội để các họa sĩ trẻ tìm hiểu, thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo trong những sáng tác hội họa của mình, từ đó khuyến khích, động viên và tạo nên phong trào yêu di sản văn hóa Việt, gìn giữ và tôn vinh những di sản vô giá của dân tộc, lan tỏa tình yêu di sản trong giới trẻ hiện nay.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 1

Cuộc thi có 30 giải thưởng với tổng trị giá 1 tỷ lẻ 5 triệu đồng, gồm: 1 giải Xuất sắc 100 triệu đồng; 1 giải Nhất 75 triệu đồng; 2 giải Nhì mỗi giải 50 triệu đồng; 4 giải Ba mỗi giải 40 triệu đồng; 22 giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng; 70 tác phẩm được chọn vào Chung khảo mỗi tác phẩm được trả 5 triệu đồng nhuận treo cùng Giấy chứng nhận của Ban tổ chức.

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, các tác giả tham gia cuộc thi ở nhiều độ tuổi, có cả tác giả người dân tộc, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tác giả nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, tác giả cao tuổi nhất là 84 tuổi.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 2

“Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề cuộc thi, phản ánh những nét hay, nét đẹp, đa dạng, độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú của đất nước. Các tác phẩm dự thi cũng có sự đa dạng về chất liệu, từ sơn dầu, sơn mài, tranh in, chất liệu tổng hợp… cho đến khắc gỗ" - PGS. TS Đỗ Văn Trụ cho biết.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 3

Tác giả Lê Thị Thanh được trao giải nhất.

PGS. TS Đỗ Văn Trụ cũng cho biết, cuộc thi dự kiến sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần. Cuộc thi tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2025, với cơ chế, cơ cấu và trị giá giải thưởng như lần này.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 4

Cuộc thi thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và các họa sĩ.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết, trong các tác phẩm dự thi, tác phẩm đồ họa chiếm phần lớn. Tác phẩm đoạt giải xuất sắc "Lễ hội Kh'mer ở Cà Mau" đặc biệt của tác giả Lại Lâm Tùng được thực hiện rất kỳ công, tác giả bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 5

"Các tác phẩm dự thi có đề tài rất phong phú, thể hiện được di sản văn hóa ở cả hai loại hình vật thể và phi vật thể. Ban giám khảo đã rất khó khăn để tìm ra những tác phẩm tốt đưa vào vòng chung khảo và chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải" - họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 6

Cuộc thi thu hút nhiều họa sĩ trẻ tham gia.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Phó Chủ tịch hội đồng nghệ thuật ngành Phê bình, Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Ban giám khảo nhận xét: "Các tác phẩm dự thi đã phản ánh được sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Có thể nói, thành công nhất của triển lãm là sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa thông qua di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể của nhiều cộng đồng dân tộc".

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 7

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh: "Chúng ta thấy ở đây có rất nhiều di sản thế giới đã được thế giới vinh danh. Cuộc thi mang một thông điệp rất quan trọng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong định hướng, chính sách phát triển văn hóa, bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Thành công lớn nhất là trên phương diện cho thấy văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển và không ngừng trân trọng những di sản của quá khứ".

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 8

"Hội làng" của tác giả Nguyễn Văn Chung.

Trong số 70 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, ngoài các tác phẩm đoạt giải, có thể thấy nhiều tác phẩm có cách thể hiện độc đáo, sáng tạo. Có những tác phẩm sử dụng cách biểu đạt “tranh trong tranh”, như bức "Cảm xúc" của tác giả Võ Tuấn. Hay bức "Hội làng" của tác giả Nguyễn Văn Chung, sử dụng chất liệu tổng hợp, với các chi tiết được làm nổi 3D, cách sử dụng màu sắc cũng lạ mắt.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 9

Thêu váy mùa xuân" của tác giả Dương Đức Thịnh.

Hoặc bức "Thêu váy mùa xuân" của tác giả trẻ Dương Đức Thịnh sử dụng chất liệu lụa, nhưng chi tiết chiếc vòng bạc nổi bật như chất liệu bạc thật trên tác phẩm.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 10

“Vàng son một thủa” của tác giả Nguyễn Thị Lan.

Hai nữ tác giả người Huế Trần Thị Thanh Dung và Nguyễn Thị Lan đều chọn cùng một phong cách, khi thể hiện chủ thể là công trình kiến trúc vẽ màu nổi bật trên nền phong cảnh được mô tả đen trắng. Bức “Hiếu Lăng một chiều thu” với chất liệu in khắc đồng giành giải Nhì, còn bức “Vàng son một thủa” vẽ bút sắt và màu nước của tác giả Nguyễn Thị Lan được trao giải Khuyến khích.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 11

"Lễ hội Kh'mer ở Cà Mau" của tác giả Lại Lâm Tùng được trao giải Xuất sắc.

Về phía các tác phẩm đoạt giải, có thể thấy rõ sự sáng tạo và kỳ công mà các tác giả dành cho các tác phẩm của mình. Bức "Lễ hội Kh'mer ở Cà Mau" được chuẩn bị tư liệu, ghi chép trong vòng 2-3 năm. Bức tranh được vẽ trong vòng 8 tháng, và đặc biệt là tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, mà là một cán bộ trong ngành dầu khí. Tác phẩm được thể hiện vô cùng chi tiết, từ những hoa văn trên mái, trên tường những ngôi chùa Kh’mer, bầy chim, những nếp gấp trên áo cà sa…, cho đến lá cây…

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 12

"Nghìn xưa lưu dấu" của tác giả Lê Thị Thanh.

Tác phẩm giành giải Nhất "Nghìn xưa lưu dấu" của tác giả Lê Thị Thanh được tạo thành từ hàng chục tác phẩm nhỏ với các công trình di sản hoặc họa tiết trang trí.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 13

"Tiên nữ, cánh diều và mái đình" của tác giả Phạm Hùng Anh.

Tác phẩm giành giải Ba "Tiên nữ, cánh diều và mái đình" của tác giả Phạm Hùng Anh được thực hiện từ những hộp nhựa sử dụng 1 lần như hộp đựng thực phẩm, hạt, quả, bên trong là 22 bản in được khắc bằng cao su có hình ảnh về tiên nữ và những nhân vật trong điêu khắc đình làng, kết hợp với đèn led từ bên trong, tạo thành một bức tranh lớn. Đây là tác phẩm mà người xem có thể tương tác bằng cách chạm tay xoay nhẹ module, sẽ thấy các chi tiết trong module đó thay đổi, tạo ra nhiều hình ảnh khác nhau.

Những sáng tạo độc đáo trong Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” ảnh 14

Được phát động trong vòng gần 5 tháng, thu hút gần 900 tác phẩm dự thi, thành công của cuộc thi không chỉ ở những con số, mà quan trọng hơn, còn là sự lan tỏa tình yêu, sự tự hào của thế hệ trẻ về di sản văn hóa của đất nước.

Kết quả cuộc thi:

Giải Xuất sắc: "Lễ hội Kh'mer ở Cà Mau", tác giả Lại Lâm Tùng

Giải Nhất: "Nghìn xưa lưu dấu", tác giả Lê Thị Thanh

Giải Nhì: “Hiếu Lăng một chiều thu”, tác giả Trần Thị Thanh Dung và "Chùa Hang đảo Lý Sơn" của tác giả Lê Phi Hùng.

Giải Ba: Tiên nữ, cánh diều và mái đình", tác giả Phạm Hùng Anh, "Múa rồng" của Dương Hồng Hạnh, "Lễ hội Lam Kinh" của Vũ Trọng Thành và bộ 3 bức "Trở về" của Nguyễn Tiến Việt.