Nguyễn Thị Định
Bà sinh năm 1920, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Mỏ Cày, Bến Tre, 17/1/1960 mở đầu cho phong trào Đồng khởi. Năm 1965, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền nam, Phó Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Việt Nam. Được phong Thiếu tướng năm 1974. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 1982 và là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Kan Lịch
Bà là người Pa-kô ở tỉnh Thừa Thiên Huế, 18 tuổi phụ trách đội du kích nữ kiêm Huyện đội phó A Lưới. Năm 1968, bà được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc với thành tích chiến đấu 49 trận, diệt 150 tên địch, bắn rơi một chiếc máy bay Đa-kô-ta của Mỹ. Bà đã 7 lần được gặp Bác Hồ và là người phụ nữ dân tộc thiểu số đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Võ Thị Mô
Năm 1962, khi mới 15 tuổi, bà tham gia du kích. 18 tuổi, bà là Trung đội trưởng nữ du kích, Huyện đội phó Củ Chi. Bà đã cùng đơn vị chiến đấu đầy lui nhiều cuộc tấn công của địch, tiêu biểu là trận chống càn ở Nhuận Đức năm 1967 tiêu diệt 30 lính Mỹ và 1 xe tăng. Bà được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng... Năm 1967, tem in hình bà được phát hành.
Đinh Thị Vân
Bà sinh năm 1916 tại Xuân Trường, Nam Định. Năm 1954, bà vào Sài Gòn hoạt động. Bà thiết lập được một mạng lưới tình báo cung cấp thông tin cho Trung ương về tình hình của địch, nội dung chiến dịch 1967 và những tin tức tình báo có giá trị cho cuộc Tổng tấn công 1968. Năm 1970, bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bà mất năm 1995.
Nguyễn Thị Minh Hiền
Năm 16 tuổi, bà là cơ sở hoạt động nội tuyến của Ban chỉ huy an ninh Bến Tre. Bà vừa thu thập tin tức vừa trực tiếp tham gia các trận đánh tiêu diệt địch. Từ 1969-1971, bà đã tham gia 17 trận, diệt 174 tên địch. Bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 6/1/1974 khi mới 21 tuổi.
Nguyễn Thị Ba
Bà sinh năm 1917 tại Long An, hoạt động trong lòng địch suốt 35 năm liên tục từ năm 1940. Từ 1960-1975, bà là cầu nối duy nhất giữa nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn với tổ chức. Dưới vỏ bọc là người bán hàng rong, bà vượt qua hàng rào kiểm soát của địch để chuyển đi những thông tin tối mật.
Bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976.
Đặng Thùy Trâm
Chị sinh ngày 26/11/1942. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chị vào chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1967. Chị trực tiếp cứu chữa hàng trăm thương bệnh binh và nhân dân trong vùng. Ngày 22/6/1970, trên đường đi công tác chị đã hy sinh và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.
Nguyễn Thị Cớ
Bà sinh năm 1932 tại Hoà Đông, Tây Hoà, Phú Yên. Bà làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, nuôi giấu cán bộ, vận động quyên góp vật chất cho cách mạng từ 1962-1975. Hầm nhà bà được đào dưới rặng tre trong vườn thường xuyên nuôi giấu cán bộ. Hai lần bị giặc bắt giam bà vẫn không khai báo, bảo đảm an toàn cho cán bộ.
Trương Mỹ Hoa
Năm 1964, bà tham gia chiến dịch tuyên truyền chống lệnh Tổng động viên của địch. Bà bị bắt, đày qua nhiều nhà lao và hai lần bị đày ra "Chuồng Cọp" Côn Đảo. Kẻ thù đã đóng đinh lên mười đầu ngón tay nhưng không khuất phục được ý chí của bà.
Trong tù, bà cùng chị em soạn những bài ca chiến đấu, phát truyền đơn kỷ niệm những ngày cách mạng, biến nhà tù thành trường học chính trị. Ngày 7/3/1975 bà được trả tự do.
Võ Thị Thắng
Bà tham gia công tác giao liên khi mới 9 tuổi, hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn-Gia Định khi 17 tuổi. Ngày 27/7/1968, bà bị bắt khi đang “Diệt ác phá kìm” giữa lòng Sài Gòn. Nụ cười và câu nói nổi tiếng của bà "Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai" trước bản án ngày 2/8/1968 đã trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam.
Huỳnh Thị Ngọc
Bà sinh năm 1951, trở thành thủ lĩnh phong trào Thanh niên học sinh Quy Nhơn lúc 18 tuổi. Tháng 2/1971, bà lãnh đạo cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên đốt cháy 52 xe quân sự Mỹ. Trong trận đánh mở màn chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa" tháng 2/1972, bà chỉ huy đội biệt động Trần Văn Ơn tiêu diệt 5 tên ác ôn. Bà đã 4 lần bị giặc bắt và tra tấn dã man; được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998.
Nguyễn Thị Thập
Bà sinh năm 1908 ở Tiền Giang, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam từ 1956-1974, Phó Chủ tịch Quốc hội từ 1956-1982. Bà đã đề xuất nhiều chính sách về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ; trực tiếp chỉ đạo phong trào "Ba đảm đang". Bà được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Huân chương Sao vàng, danh hiệu cao nhất của Nhà nước. Bà mất năm 1996.
La Thị Tám
Bà quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh, năm 1967 bà làm nhiệm vụ đếm bom, đánh dấu bom chưa nổ tại Ngã ba Đồng Lộc. Suốt 200 ngày đêm bám trụ trên đồi Núi Mòi, bà cắm tiêu 1.205 quả bom, giúp công binh rà phá bom hiệu quả. Núi Mòi ngày nay được gọi là "Đồi La Thị Tám". Năm 1969, bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi 20 tuổi.
Trương Thị Khuê
Sinh năm 1945 tại Vĩnh Linh, Quảng Trị, 18 tuổi bà là Xã đội phó dân quân kiêm Trung đội trưởng Trung đội pháo 12 ly 7. Khi 22 tuổi, bà làm Bí thư Đảng ủy xã, trực tiếp tham gia gần 200 trận chiến đấu, cùng đơn vị bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Năm 1969, bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Thị Bình
Bà sinh năm 1927 tại Đồng Tháp. Bà là nhà ngoại giao tài năng và lịch lãm với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam ở Paris từ 1969-1973. Bà là Bộ trưởng Giáo dục (1976-1987), Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987-1992), Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Việt Nam (1992-2002).