Nguyễn Thị Minh Khai
Là một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ 1930-1935, chị công tác tại Bộ Đông Phương của Quốc tế Cộng sản ở Hồng Kông (Trung Quốc), dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (Liên Xô cũ). Năm 1940, chị là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, chị bị địch bắt trong cuộc họp chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Chị bị kết án tử hình và xử bắn tại Hóc Môn ngày 26/8/1941 khi mới 31 tuổi.
Hà Thị Quế
Sinh năm 1931, bà phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế, Việt Yên (Bắc Giang) khi mới 23 tuổi. Bà có tài chỉ huy vũ trang diệt phỉ, phá đồn binh Nhật, quân địch kính nể gọi bà là "Tướng Việt Minh đàn bà". Tham gia ban cán sự Đảng bộ tỉnh, bà tổ chức quần chúng luyện tập quân sự, lập đội du kích thoát ly. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, bà chỉ huy lực lượng vũ trang giành chính quyền ở phủ Yên Thế.
Hồ Thị Bi
"Nếu muốn tìm những mẫu nữ hổ tướng với tất cả nghị lực, táo tợn thì Việt Nam là một xứ có mẫu người vừa tự nhiên vừa hiện đại. Tại đây chúng ta bắt gặp Hồ Thị Hoa (Hồ Thị Bi), một lãnh tụ du kích cộng sản. Bà Bi vào đơn vị khi 30 tuổi (1946), chi đội 12 trong bộ đội Miền Nam của bà khuấy rối vùng Hóc Môn. Bà tạo cho mình một giang san xây dựng trên khủng bố và chính trị..." – Rilaire du Berrie, Background to Betrayal (Bối cảnh cho sự phản bội), Western Islands, 1965
Mạc Thị Bưởi
Là Xã đội phó, Bí thư phụ nữ xã Tân Hưng, Nam Sách, Hải Dương, chị tổ chức 3 tổ nữ du kích thường xuyên gây rối đồn bốt địch, xây dựng 35 cơ sở cách mạng, đảm nhiệm công tác giao liên, vận động quần chúng ủng hộ kháng chiến... Chị bị địch bắt, bị tra tấn dã man và hy sinh ngày 23/4/1951, khi mới 24 tuổi.
Nguyễn Thị Chiên
Là Trung đội trưởng du kích xã Tán Thuật, Kiến Xương, Thái Bình, bà chỉ huy đơn vị đánh hơn 40 trận, diệt và bắt sống nhiều địch. Năm 1951, khi 21 tuổi, trong một trận chống càn, bà đã tay không bắt sống 4 tên địch trong đó có một quan Hai Pháp. Từ đó, bà nổi danh là "Nữ du kích tay không bắt giặc". Năm 1952, bà là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tuyên dương Anh hùng.
Võ Thị Sáu
Sinh năm 1935, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ (Bà Rịa) lúc 14 tuổi. Tháng 2/1950, chị bị bắt giam và kết án tử hình ở khám Chí Hoà (Sài Gòn). Chưa đủ tuổi thi hành án nên chị bị đưa ra Côn Đảo và trở thành nữ tù nhân đầu tiên ở đây. Chị được kết nạp vào Đảng ngày 22/1/1952. Ngay hôm sau chị bị xử bắn tại nghĩa trang Hàng Dương khi chưa đầy 18 tuổi.
Lê Thị Xuyến
Bà sinh năm 1909. Bà là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam vào năm 1946. Trên cương vị Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ năm 1946-1956, bà lãnh đạo Hội đoàn kết các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào: “Mua công phiếu kháng chiến”; “Ủng hộ bộ đội”; “Dân công tiền tuyến”... Sáng kiến kết nghĩa các cơ quan, tổ chức với đơn vị bộ đội của bà đã góp phần tạo nên sức mạnh toàn dân cho cuộc kháng chiến.