Những nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 62 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; tám xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,12 tiêu chí/xã. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2023 có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chín xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Khánh thành cầu trên đường giao thông nông thôn tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang.
Khánh thành cầu trên đường giao thông nông thôn tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang.

Thành phố Tuyên Quang là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2020 với 5/5 xã đạt chuẩn. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới với diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển và giữ vững vai trò chủ đạo, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ; môi trường được bảo vệ góp phần xây dựng thành phố ngày càng sạch-xanh-sáng-đẹp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động được tổng nguồn lực hơn 570 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp hơn 22,8%. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với sản xuất và dân sinh như: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tập trung... Quá trình tổ chức thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, bảo đảm xác định được nguồn vốn đầu tư cho nên không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách các cấp, các xã tập trung vận động nhân dân chủ động sửa chữa, xây dựng mới nhà ở bảo đảm đạt chuẩn, cùng nhiều hạng mục hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Hiện nay, thành phố Tuyên Quang đang tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Do vậy, hơn 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả diện tích 346 ha. Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ, cho lợi nhuận từ 200-400 triệu/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng...

Hơn hai năm qua, thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới, Hàm Yên đã huy động được hơn 114 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 21% nguồn vốn xây dựng; vận động nhân dân hiến gần 68.000m2 đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 150 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 30 km kênh mương; nâng cấp 11 công trình thủy lợi; cải tạo, xây mới 24 công trình trường học; sáu nhà văn hóa xã, 21 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới; hỗ trợ xóa 1.264 nhà tạm, dột nát... Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Hàm Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó có phong trào Ngày thứ bảy cùng dân, Ngày thứ bảy làm nông thôn mới...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên Đàm Ngọc Hưng cho biết: Địa phương thường xuyên rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, bám sát lộ trình đề ra với những giải pháp cụ thể. Đồng thời, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp tham gia chung sức thực hiện các tiêu chí liên quan đến giao thông, thủy lợi, môi trường và xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị... góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên trong thực hiện chương trình. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý các huyện, thành phố cần nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định có liên quan để đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thường xuyên đánh giá các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí để thực hiện và nâng tầm chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ■