Những nguồn lực mạnh mẽ của cuộc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh “tín nhiệm”

NDO -

NDĐT - Nhớ ngày này 70 năm trước, cả dân tộc Việt Nam bình tĩnh, tự tin, chủ động lên đường kháng chiến chống lại cuộc xâm lược lần thứ hai của các thế lực thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến được tăng thêm sức mạnh, mau đến thắng lợi hơn một phần cũng vì sự đồng lòng của khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh được kêu gọi và dẫn dắt bởi một người có uy tín rất cao.

Khẩu hiệu ủng hộ Hòa bình viết trên tường trong 60 ngày đêm khói lửa của quân và dân Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Khẩu hiệu ủng hộ Hòa bình viết trên tường trong 60 ngày đêm khói lửa của quân và dân Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

1. Khi được hỏi thêm về việc ủng hộ rất nhiều tiền cho nền tài chính còn đang gặp nhiều khó khăn của Chính phủ sau Ngày Độc lập, bà Hoàng Thị Minh Hồ - người đã hiến hơn 5.000 cây vàng của gia đình cho Chính phủ Cụ Hồ - nhớ lại: “Khi đó chúng tôi không hề có ý nghĩ tiếc tiền mà chỉ mong sao giúp được Tổ quốc, giúp được Chính phủ Cụ Hồ, góp sức giữ vững được nền độc lập. Chúng tôi không thể ra chiến trường chiến đấu như anh em chiến sĩ, chỉ có chút tài sản để đóng góp cho Tổ quốc lẽ nào lại tiếc. Số tài sản đó có thể tính đếm bằng nghìn bằng triệu nhưng đằng sau những nghìn những triệu đó là tấm lòng yêu nước của những người chung một nòi giống Việt Nam. Tấm lòng thì không đo đếm được...”.

Bà Hồ còn kể: “Tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ ở Hà Nội, tôi bế con nhỏ trước ngực, dồn hết tiền vào một ba lô đeo sau lưng, cả tiền riêng, cả tiền công - khi đó tôi làm nhiệm vụ giữ tiền cho Việt Nam Công thương ngân hàng, giữ tiền cho Việt Nam ngũ cốc công ty... - lên đường kháng chiến... Đến tháng 12-1954, tôi và gia đình mới trở lại Hà Nội” (Ngô Vương Anh ghi). Gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ là một tấm gương điển hình, nhưng không chỉ gia đình bà Hồ, nhiều tấm lòng của nhiều người “hằng tâm hằng sản” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đi theo Cụ Hồ, ủng hộ Việt Minh từ những năm trước lại đồng hành cùng cuộc kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng của cả dân tộc.

2. Trong kho lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, “phông Hồ Chí Minh”, có một mảnh giấy ghi mấy chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tập trung nhân tài bất phân đảng phái. Dòng dưới ghi những chữ: Phát triển quốc dân liên hiệp cũng bằng chữ Hán. Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang ở trong tình thế vô cùng khó khăn. Thù trong giặc ngoài cùng nhau tấn công chính quyền cách mạng. Để giải quyết những nhiệm vụ phức tạp và nặng nề, vừa phải chống thù trong giặc ngoài, vừa phải kiến thiết đất nước, xây dựng bộ máy hệ thống chính quyền và đội ngũ “công bộc của dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin và dựa chắc vào nguồn sức mạnh của nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân được xây dựng rộng rãi, không bỏ sót một nguồn lực nào, trong đó nguồn lực trí tuệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách tập hợp đội ngũ trí thức chung quanh Chính quyền cách mạng của nhân dân. Người viết bài Nhân tài và kiến quốc đăng báo Cứu quốc, nhấn mạnh rằng: “Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”. Với sự định hướng và kêu gọi của Người, mỗi trí thức đều tìm thấy chỗ đứng của mình trong nhằm mục tiêu chung Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết. Tất cả đều hướng về cuộc đấu tranh của dân tộc và đã góp tài, góp sức, góp trí tuệ cho công cuộc kháng chiến - kiến quốc.

Trong chuyến sang thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 9-1946, nhiều đồng bào Việt Nam đang sống tại Pháp khi đó gặp Người và bày tỏ nguyện vọng được về nước trực tiếp góp sức cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Người trực tiếp chọn bốn người về nước đầu tiên là kỹ sư Phạm Quang Lễ, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân và kỹ sư Võ Đình Quỳnh. Nhìn rõ nguy cơ cuộc kháng chiến đang tới gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách, huy động tối đa mọi nguồn sức mạnh của dân tộc. Vai trò to lớn của nguồn lực trí tuệ cho cuộc kháng chiến được Người đánh giá cao và tìm mọi cách để phát triển.

Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu đã thu hút được sự tham gia, ủng hộ của nhiều trí thức tiêu biểu thời đó. Họ đã gạt sang một bên cuộc sống vật chất đầy đủ, gạt sang một bên những âu lo, băn khoăn của riêng mình để sống cùng cuộc đấu tranh chung, đi theo kháng chiến, đi theo Cụ Hồ, vì “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức” - như lời luật sư Phan Anh sau này trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na Uy S. Tonnesson về thời kỳ 1945 - 1946. Luật sư Phan Anh trước tháng 8-1945 đã từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Sau tháng 8-1945 ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ cách mạng. Cùng với ông Phan Anh, nhiều vị đã từng giữ những chức vụ cao trong chính quyền cũ như Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn... cũng tham gia Chính phủ mới. Có thể kể thêm nhiều trí thức lớn khác đã đồng hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc như Nguyễn Văn Tố, Dương Đức Hiền, Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, v.v. Sự “tín nhiệm” đối với trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các trí thức “tín nhiệm” và đền đáp lại.

*

Nửa cuối tháng 12-1946, không khí chiến tranh ở Hà Nội đã nóng bỏng đến tột độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố thiện chí của nhân dân và Chính phủ Việt Nam: “Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách...”(1). Nhưng khi nền độc lập dân tộc thiêng liêng bị đe dọa, khi những giá trị Việt Nam bị đặt trước thử thách, chúng ta buộc phải cầm súng đồng lòng đứng lên Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Dù sau đó những người con ưu tú phải tạm xa Hà Nội, nhìn lại đô thành nghi ngút cháy sau lưng để lên đường kháng chiến gian khổ trường kỳ nhưng cuộc ra đi của họ chỉ là lời tạm biệt và cũng là lời hẹn ngày về chiến thắng. Sự bình tĩnh tự tin đó chỉ có được khi triệu người như một, đoàn kết bảo vệ nền độc lập, bảo vệ Chính phủ cách mạng, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (2).



(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tập 3, tr. 387

(2) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 534