Những người ươm mầm cho rừng xanh

Những năm gần đây, nghề ươm cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Các vườn ươm của địa phương không những đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng trong tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… với số lượng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn kiểm tra vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại các hộ dân ở xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn kiểm tra vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại các hộ dân ở xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng.

Nhiều năm nay, vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Hoàng Văn Thi, ở thôn Ao Đẫu, Sơn Hà, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy của nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Thi cho biết: Từ năm 2003, gia đình đã chặt bỏ hơn 400 cây vải để chuyển đổi sang làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp, chủ yếu sản xuất cây keo giống.

Hiện tại, vườn ươm cây giống đã mở rộng hơn tám sào, được gia đình tiêu thụ trong huyện và một số tỉnh miền trung. Với mức giá từ 150 đến 650 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 250 triệu đồng/năm và còn tạo việc làm thời vụ cho ba đến năm lao động. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hà Hoàng Ngọc Thủy đánh giá, không những làm giàu cho gia đình, ông Thi còn giúp đỡ, hướng dẫn cách sản xuất cây giống lâm nghiệp cho một số bà con trong xã có nhu cầu.

Hiện nay, huyện Hữu Lũng có hơn 700 vườn ươm, tính từ năm 2019 đến nay, để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, huyện đã hỗ trợ 250 nghìn cây giống đầu dòng (F1) chất lượng cao cho 50 hộ gia đình, hai hợp tác xã và hai tổ hợp tác trên địa bàn huyện.

Năm 2020, huyện tiếp tục hỗ trợ thêm 35 tấn phân bón để trồng 200 nghìn cây giống lâm nghiệp tại hai hợp tác xã (ở xã Hòa Thắng, Sơn Hà) và hai tổ hợp tác (ở thị trấn Hữu Lũng và xã Minh Sơn). Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng Lương Văn Bính cho biết: Tới đây, huyện sẽ xây dựng vườn ươm mẫu với thiết kế giàn tre, hệ thống tưới tự động ở xã Hòa Thắng, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng cây giống, tăng hiệu quả sản xuất cho các vườn ươm.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 804 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, tập trung chủ yếu ở huyện Hữu Lũng, trong đó 90% là cây keo hom, phục vụ cho các chương trình, dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh hằng năm khoảng 18 đến 20 triệu cây (chiếm khoảng 6-7% tổng số cây sản xuất), còn lại phần lớn số cây giống được xuất bán đi các tỉnh lân cận, các tỉnh miền trung, Tây Bắc... đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, giá trị ước đạt 250 đến 300 triệu đồng/năm/hộ. Năm 2022, số lượng cây sản xuất gieo ươm được khoảng 350 triệu cây giống các loại, ước giá trị đạt 200 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng khẳng định, để nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp, hằng năm, tỉnh luôn chỉ đạo tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trồng rừng, nguồn cây giống đều phải được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng theo quy định. Nhờ đó, chất lượng cây giống lâm nghiệp ngày càng được bảo đảm, tỷ lệ cây sống luôn đạt hơn 90%.

Thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp; tiếp nhận, chuyển giao giống mới; hỗ trợ xây dựng hệ thống cung cấp vật liệu giống chất lượng cao; hỗ trợ xây dựng vườn ươm sản xuất cây giống theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân liên kết các cơ sở sản xuất cây giống quy mô gia đình, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.