Những người lính mang hai màu áo trên đảo tiền tiêu

Giữa Trường Sa muôn trùng sóng gió, vượt lên những khó khăn về khí hậu khắc nghiệt và thiếu thốn trang thiết bị y tế, những người lính áo xanh khoác thêm lên mình tấm áo blu trắng. Những người lính mang hai màu áo đã cứu chữa, mang lại sự sống cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo Trường Sa, DK1 và ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ trên Quần đảo Trường Sa sơ cứu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ trên Quần đảo Trường Sa sơ cứu cho bệnh nhân.

Ngày càng trưởng thành

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 vốn là bác sĩ hồi sức cấp cứu, nhiều lần ra thăm Trường Sa, ông thấy bệnh xá phục vụ quân dân biển, đảo ngày ấy còn thiếu thốn cả về nhân lực, trang thiết bị y tế.

Khoảng năm 1992, Bệnh xá đảo Trường Sa chỉ là một mái nhà lợp tôn, chung quanh ghép ván gỗ đơn sơ giữa bốn bề sóng biển. Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết, trong nhiệm kỳ 2 năm của mình, Tổ quân y đầu tiên đã góp phần cải thiện môi trường sống trên đảo, điều trị được nhiều loại bệnh.

"Mặc dù Trường Sa được quân và dân cả nước quan tâm, hỗ trợ về tinh thần và vật chất, nhưng thời gian đầu, bệnh xá chỉ có một vài bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Tuy được đào tạo bài bản nhưng kinh nghiệm thực tế lại ít ỏi. Các bác sĩ vẫn lúng túng khi phải đối mặt với những ca bệnh khó", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại.

Ngày 25/5/2017, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được khánh thành. Công trình này là minh chứng cho sự đồng thuận, một lòng hướng về biển, đảo của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải Quân, Bệnh viện Quân y 175 và đặc biệt là sự góp sức của các tổ chức, của nhân dân khắp mọi miền đất nước. Đây là trung tâm y tế hiện đại bậc nhất cả nước với 12 nhân viên y tế túc trực thường xuyên.

Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, đủ năng lực giải quyết những ca cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho quân, dân trên đảo Trường Sa, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn phục vụ ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển, cho thuyền viên trên các tàu nước ngoài không may gặp nạn.

Anh Phan Quốc Sinh là ngư dân trên đảo bộc bạch: Gắn bó với biển cả, với sóng gió, nguy hiểm luôn cận kề, nên khi thấy Trung tâm y tế hiện đại, có cả phòng xét nghiệm, phòng mổ hiện đại, ngư dân chúng tôi vững tâm hơn rất nhiều". Anh Sinh chia sẻ: Các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo luôn được y, bác sĩ của trung tâm quan tâm, thăm hỏi và động viên.

Tấm lòng với biển, đảo

Trò chuyện với các y, bác sĩ chúng tôi biết, hầu hết các anh đang là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 175 ở đất liền. Với tinh thần "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", mọi người tình nguyện ra đảo làm nhiệm vụ. Quần đảo Trường Sa hiện có 10 trung tâm y tế, bệnh xá trên các đảo.

Trung tá, bác sĩ, Tiến sĩ Nông Hữu Thọ (Bệnh viện Quân y 175)-Bệnh xá trưởng, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa chia sẻ: Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm đã tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 1.700 lượt người. Trong đó có 92 ca cấp cứu, hơn 160 ca phẫu thuật, chuyển về đất liền cấp cứu 24 trường hợp bằng tàu và máy bay.

"Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn thể nhân dân, trang thiết bị y tế hiện đại đã được trang bị các bệnh xá trên các đảo. Nhiều thiết bị như máy chụp X-quang, máy siêu âm, gây mê cho đến hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa đã được trang bị. Kể từ khi lắp đặt hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa trên các đảo, khoảng cách giữa đất liền và hải đảo đã được rút ngắn. Các y, bác sĩ trên đảo được tham khảo, tư vấn chuyên môn trong xử lý các ca bệnh khó. Qua đó, công tác thăm khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị cho người dân, ngư dân, cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Nhiều trường hợp bệnh sau khi được cấp cứu kịp thời tại đảo, khi chuyển về đất liền được bảo đảm an toàn về tính mạng...", đồng chí Thọ khẳng định.

Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: Năm 2023, Bệnh xá đảo Song Tử Tây khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hơn 1.000 lượt người. Trong đó, ngư dân hơn 120 ca, với hơn 20 ca bệnh nhân nặng. Có khoảng 10 ca bệnh chuyển về đất liền bằng tàu, máy bay. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, bệnh xá còn là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân khi ốm đau, gặp tai nạn trên biển. "Bệnh xá thật sự làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển" - Trung tá Nam chia sẻ.

Ngoài thời gian có bệnh nhân cần cấp cứu, chăm sóc, hằng ngày các y, bác sĩ còn nghiên cứu tài liệu hướng dẫn chữa trị các bệnh thường gặp, các loại vi-rút, vi khuẩn trong môi trường biển, đồng thời học các mẹo trồng cây thuốc nam để cứu chữa cho bệnh nhân bị nhím biển, cầu gai chích; cá đuối, sứa gây tổn thương...

Chị Lê Thị Hoa Trâm, người dân trên đảo đến trạm xá để khám thai. Sắp đến kỳ sinh nở nhưng chị Trâm yên tâm bởi đã có các bác sĩ và mọi người trên đảo.

Thiếu tướng Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ: Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được các trung tâm y tế tại tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa, sẵn sàng đón nhận tất cả tàu thuyền của nước ngoài gặp nạn hoặc cần sự hỗ trợ về y tế, trở thành những lá chắn thép, là điểm tựa y tế giữa biển khơi, là địa chỉ cứu trợ nhân đạo quốc tế.