Những người giữ gìn tuồng Huế

Nghệ thuật tuồng có vị trí đặc biệt trong các loại hình nghệ thuật cung đình Huế. Hiện nay nghệ thuật tuồng Huế đang phải đối mặt nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật giải trí và nghe nhìn khác. Bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật quý giá này đã và đang được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế thực hiện.
Cảnh trong vở tuồng hài cổ "Trương Ngáo" của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.
Cảnh trong vở tuồng hài cổ "Trương Ngáo" của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.

Nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua ba thế kỷ phát triển và từng có một thời hoàng kim dưới các triều vua nhà Nguyễn. Vua Thành Thái không chỉ say sưa nghệ thuật tuồng mà còn lên sân khấu biểu diễn và đánh trống tuồng rất tài ba. Từ chốn cung đình, tuồng Huế dần vượt ra và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân miền trung. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng, từ đó, nghệ thuật tuồng đã sống và phát triển được nhờ công chúng. Tại kinh đô Huế, các rạp hát bắt đầu mọc lên khắp nơi, sân khấu tuồng từ trước vốn chỉ phục vụ vua quan triều đình, dần dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945 đã ra đời và hưng thịnh một thời như: Bắc Hòa, Nam Hòa, Ðồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh... Tên tuổi những "cô đào" tài sắc vẹn toàn vẫn còn lưu mãi trong lòng công chúng như: cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Ðồng, cô Ba Vĩnh... Hơn 50 rạp hát lúc bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế và luôn được sự ái mộ của quần chúng.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, đạo diễn Trương Tuấn Hải cho rằng, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, tuồng Huế  cũng không tránh được sự mai một khi các đoàn biểu diễn nghệ thuật tuồng bao phen tan, hợp. Giờ đây, xu hướng thương mại hóa đang ảnh hưởng khắp các sân khấu biểu diễn. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật khá bị động và đột ngột chuyển sang đối mặt với một cơ chế hoàn toàn mới, đòi hỏi phải tính đến những hình thức tồn tại đa dạng hơn, năng động hơn. Các đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận để nghệ sĩ "chạy sô" với các loại hình biểu diễn khác theo cơ chế thị trường. Sân khấu tuồng Huế đã không thể giữ được khán giả, người nghệ sĩ hát tuồng cũng khó sống được với niềm đam mê, và rất khó tuyển được lớp diễn viên trẻ kế thừa...

Khó khăn là vậy, nhưng hơn mười năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã tiếp nhận được một số diễn viên trẻ là con em của các nghệ nhân, nghệ sĩ đã từng sống và theo nghề hát tuồng từ các thế hệ trước. Từ đó, nhà hát tích cực đầu tư, mời thầy giỏi từ các nơi về truyền dạy. Hằng năm, Nhà hát đã xây dựng nhiều vở tuồng cổ và tuồng lịch sử để tham gia các hội thi, hội diễn trong cả nước. Nhiều vở diễn đã đem về hàng chục Huy chương vàng, bạc cho cá nhân và tập thể. Thành công này chứng tỏ tâm huyết của những người muốn khôi phục, giữ gìn và đào tạo các diễn viên trẻ kế cận cho nghệ thuật truyền thống Huế.

Giám đốc Nhà hát, đạo diễn Trương Tuấn Hải chia sẻ: "Thế hệ kế thừa như chúng tôi cùng một số diễn viên trẻ của Nhà hát đã từng là lớp đồng ấu cuối cùng của nghệ thuật tuồng Huế. Vẫn biết nghệ thuật tuồng không thể cạnh tranh kéo khách như các loại hình nghệ thuật khác, nhưng chúng tôi cũng cố gắng tìm các cách thức để "nuôi tuồng", trong đó có lồng ghép để tổ chức biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ ở Minh Khiêm Ðường (lăng Tự Ðức) hay tại Duyệt Thị Ðường (Ðại nội Huế) để phục vụ khách tham quan du lịch nhằm quảng bá nghệ thuật tuồng Huế đến với du khách trong và ngoài nước cũng như công chúng Huế". Ðược biết Trương Tuấn Hải cùng những nghệ sĩ tâm huyết tại Nhà hát là những người tiếp thêm sức sống để sân khấu tuồng Huế đỏ đèn.  Anh Hải là thế hệ thứ ba trong một gia đình hát tuồng chuyên nghiệp ở Huế trước năm 1945. Mẹ anh, cô đào Yến Loan trong khi đang diễn vở "Tuyết phủ chiều đông" tại huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng cũ) đã qua đời ngay trên sân khấu vì nhồi máu cơ tim. Cũng từ những năm sau Cách mạng Tháng Tám, các đoàn hát bội không còn như trước và dần tan rã. Cả gia đình cô, cậu, dì, dượng, bố, mẹ, anh, chị, em của anh Hải tự gánh vác đàn, trống đi khắp nơi, đến các vùng, miền để kiếm sống. Ðến năm 1977, Trương Tuấn Hải đi bộ đội ở chiến trường Cam-pu-chia. Sau khi xuất ngũ, từ năm 1986 đến 1996, anh tham gia công tác đoàn thể, chính trị tại phường Phú Hòa (TP Huế) nhưng vẫn không quên nghề "gia truyền" của gia đình. Cho nên anh đã mang tuồng Huế tham gia nhiều hội thi, hội diễn quần chúng của thành phố. Ðau đáu với nghề, năm 1996, khi Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khôi phục lại Nhà hát Duyệt Thị Ðường (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế) nhằm bảo tồn ca múa nhạc cung đình và tuồng Huế, anh Hải đã xin gia nhập và đi học lớp đạo diễn sân khấu ở Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khóa học năm 2001 với tấm bằng đạo diễn xuất sắc, anh đã dàn dựng nhiều vở tuồng để tham gia các hội diễn sân khấu toàn quốc. Chỉ tính riêng vở tuồng cổ sử "Ngọn lửa Hồng Sơn" và hai vở tuồng hài cổ "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", "Trương Ngáo" do anh Hải cùng với đạo diễn La Hùng dàn dựng đã đem về cho Nhà hát chín Huy chương vàng và tám Huy chương bạc. Với sự đam mê và lòng yêu nghề, anh Hải cùng với các nghệ sĩ tại Nhà hát đã chứng minh tuồng Huế vẫn đang sống và sẽ tồn tại với thời gian. "Trong những năm qua, với sự cố gắng của anh, chị em nghệ sĩ, diễn viên tại Nhà hát chính là thời điểm đỉnh cao của nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật tuồng Huế. Bên cạnh Nhã nhạc cung đình Huế, trống tuồng tưởng chừng đã là quá vãng, thế nhưng một lớp trẻ đã tìm tòi, nghiên cứu tư liệu để kế thừa và phát huy rất tốt" - đạo diễn Trương Tuấn Hải lạc quan cho biết.

Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế NSND Bạch Hạc cho rằng: "Vấn đề là chúng ta có những nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi sẵn sàng truyền dạy, lớp trẻ có đam mê theo học và Nhà nước có đủ điều kiện tài chính thúc đẩy công tác dạy và học bộ môn này hay không mà thôi. Là thế hệ đi sau, chúng tôi cũng đã nuôi dưỡng và tiếp tục giữ gìn sân khấu nghệ thuật tuồng truyền thống Huế, bằng cách xây dựng những kịch bản hay, mang tính chất văn học để nâng cao tính chuyên nghiệp, đồng thời để khán giả, công chúng yêu nghệ thuật tiếp cận hoàn thiện nhiều hơn nữa, nhất là khán giả trẻ".

NSND Bạch Hạc đến với bộ môn tuồng cung đình, tham gia biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế từ năm 17 tuổi. Ðến bây giờ, gần 30 năm say mê với nghệ thuật cung đình, chị đã thể hiện thành công hàng chục vai diễn khác nhau trong các vở tuồng, các trích đoạn và các tiết mục múa cung đình. Vai diễn nào cũng để lại ấn tượng khó quên cho khán giả yêu sân khấu truyền thống và nghệ thuật cung đình Huế. Chị bộc bạch: ’’Với tình cảm và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tôi đã dành nhiều năm sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu và phục dựng những trích đoạn tuồng đưa lên sân khấu, cũng như truyền bá lại cho các thế hệ diễn viên trẻ. Bởi lẽ, các bạn trẻ được đào tạo bài bản hơn trước nhưng nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một và mất dần khán giả như hiện nay, nếu không truyền lòng yêu nghề đến với những người trẻ thì nguy cơ ít người hiểu, biết đến với nghệ thuật truyền thống là rất lớn".

Cũng theo NSND Bạch Hạc, chị rất tin tưởng vào thế hệ kế cận. Hiện nay, Nhà hát có hơn 30 diễn viên trẻ hoạt động trong lĩnh vực tuồng và ca múa nhạc cung đình. Nghệ sĩ trẻ Dương Thị Kiều Oanh  cho biết: "Những năm đầu vào nghề, tôi rất vất vả, tuy nhiên, được đảm nhận nhiều vai lớn cùng các anh, chị trong đoàn, giúp tôi trưởng thành. Ðó chính là sự tin tưởng của người đi trước với thế hệ trẻ trong việc giữ nghề". Kiều Oanh sinh năm 1980, nhưng đã gần 20 năm gắn bó với nghề. Chỉ tính riêng vở tuồng cổ "Ngọn lửa Hồng Sơn" và vở tuồng hài cổ "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đem đi "so tài" cùng các bạn diễn trong nước, Kiều Oanh đã đoạt được hai Huy chương vàng.

Những nghệ nhân tài hoa lần lượt ra đi. Bởi thế cần khẩn trương khai thác những ngón nghề, kỹ năng, kỹ xảo quý giá còn lưu giữ ở những nghệ nhân kế tiếp. Cùng với sự tiếp cận này, cần có một chế độ đãi ngộ thích đáng với các nghệ nhân, nghệ sĩ  và xây dựng tầm chiến lược lâu dài để nghệ thuật tuồng Huế có thể biểu diễn phục vụ khán giả; sớm lập các hồ sơ khoa học nghiên cứu về tuồng Huế, đặc biệt là sưu tầm, nghiên cứu để tái dựng những vở tuồng đã từng biểu diễn trong cung đình xưa. NSND Bạch Hạc cho rằng, cần đẩy mạnh việc phổ cập, xã hội hóa sâu rộng hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống; đưa nghệ thuật tuồng vào học đường một cách có hệ thống, chứ không chỉ mang tính hình thức, phong trào. Mong tổ chức thêm nhiều buổi gặp mặt, giao lưu để các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nhất là những nghệ sĩ đã về hưu để họ  tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ hôm nay.

Có thể bạn quan tâm