Thay cho những căn nhà tranh, tre, nứa, lá là những căn nhà mới bảo đảm tiêu chí “ba cứng”, được xây dựng với tiến độ nhanh nhất có thể khi Tết Giáp Thìn 2024 đã cận kề.
Lo nhà mới cho hộ nghèo
Sống đơn thân ở xóm Đồng Kim, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) bà Lâm Thị Lai, dân tộc Sán Chay ao ước được sống trong một căn nhà chắc chắn. Nhưng do thu nhập thấp, không ổn định cho nên nhiều năm qua bà vẫn phải sống trong căn nhà cấp bốn dột nát, không bảo đảm an toàn. Cuối năm 2023, được Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của một số cơ quan và địa phương, gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, căn nhà mới với nền, tường, mái được cứng hóa, chắc chắn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngày khánh thành nhà, bà Lai xúc động: “Có nhà mới đón Tết, vui sống cuộc đời còn lại, ước mơ bao năm đã thành hiện thực. Nếu không có sự giúp đỡ thì có lẽ hết đời tôi cũng không bao giờ làm được nhà”.
Với sự vận động của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, giữa năm 2023, gia đình anh Lương Văn Mười và anh Lý Văn Tu, hai hộ dân tộc H’Mông nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đông con, đất canh tác ít ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, được Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp hỗ trợ mỗi gia đình 75 triệu đồng để xóa nhà tạm. Nhà mới được xây xong, chuyển vào ở, anh Lương Văn Mười không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Được hỗ trợ tiền, chính quyền địa phương giúp đỡ thêm, hàng xóm giúp ngày công cho nên gia đình tôi có ngôi nhà mới chắc chắn đón Tết. Khi đã “an cư”, gia đình thêm động lực phấn đấu sản xuất hiệu quả để có cuộc sống tốt hơn”.
Trong căn nhà cấp 4 khang trang, lợp mái tôn, đang hoàn thiện, chị Đàm Thị Tuyên, ở xóm 5 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, căn nhà gỗ hai vợ chồng và hai đứa con chị đang ở rộng hơn 50m2, được làm từ năm 1998, hiện đã xuống cấp, dột nát. Được Quỹ Vì người nghèo tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình vay mượn tiền của người thân, họ hàng đã xây dựng căn nhà khang trang, rộng hơn 70m2 đón Tết.
Theo Bí thư Chi bộ xóm 5 Bế Triều Hà Thị Lan, trong xóm có hai hộ nghèo được hỗ trợ làm mới nhà ở đã hoàn thành xây dựng. Trong năm 2023, xóm giảm được hai hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hiện, trong xóm còn một gia đình đang ở nhà tạm, thị trấn Nước Hai đã lập danh sách để có kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tới.
Vừa đẩy nhanh tiến độ kịp cho hộ nghèo đón Tết, vừa bảo đảm chất lượng từng căn nhà mới là điều được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tháng 9/2023, tỉnh Bắc Kạn được Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ kinh phí để xây dựng 200 căn nhà mới tặng hộ nghèo. Đầu tháng 10, Công an tỉnh Bắc Kạn chủ trì triển khai đồng loạt việc xây dựng nhà tại năm huyện vùng cao.
Từ ngày 13/10 đến hết ngày 30/11, công an năm huyện chủ động phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, thành viên hộ gia đình và người dân tham gia san gạt, làm nền móng, vận chuyển vật liệu và hỗ trợ lắp ghép, xây dựng nhà ở. Mỗi căn nhà mới trị giá 55 triệu đồng, xây dựng theo mẫu nhà lắp ghép 36B của Bộ Công an, diện tích sử dụng 40m2, bảo đảm tiêu chí “ba cứng”, hoàn thiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Chỉ sau 48 ngày, Công an tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành 200 căn nhà tặng người dân, sớm hơn một tháng so với tiến độ Bộ Công an giao.
Trong niềm vui sướng, cảm động ngập tràn khi được về nhà mới, đặc biệt đúng vào dịp Tết Nguyên đán đang gần kề, anh Lý Văn Thiệp ở thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết, được hỗ trợ căn nhà mới gia đình rất vui mừng, phấn khởi, vì Tết này sẽ ấm áp, vui tươi và trọn vẹn hơn.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.170 hộ nghèo, cận nghèo, người đơn thân có nhà mới đón Tết. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Kạn, từ năm 2021 đến hết năm 2023, tỉnh tiếp nhận gần 30 tỷ đồng hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, cùng sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Đến nay, tỉnh làm được 795 nhà mới tặng hộ nghèo. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, giai đoạn 2021-2023, đơn vị đã phân bổ hơn 70 tỷ đồng, hỗ trợ 2.598 hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở.
Cần huy động nhiều nguồn lực
Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nguồn lực hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo. Tuy nhiên, nguồn lực này có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu và thực tiễn số hộ nghèo cần có nhà. Do vậy, quan điểm của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng là nỗ lực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ để xã hội hóa, có thêm nguồn lực làm nhà cho các hộ nghèo.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Tiến cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã huy động, vận động đa dạng các nguồn lực, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các chương trình của các cơ quan, đoàn thể chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người đơn thân trong xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là Quỹ Vì người nghèo các cấp góp phần quan trọng xóa nhà tạm cho các thành phần yếu thế trong xã hội”.
Vướng mắc về đất ở để làm nhà cho hộ nghèo tại các địa phương hiện nay khá phổ biến, dẫn tới chậm tiến độ hỗ trợ làm nhà. Tuy nhiên, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng đã phối hợp chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Vận động người thân của các hộ nghèo cho đất, hỗ trợ hộ nghèo hoàn tất các thủ tục giấy tờ đất đai hợp pháp làm căn cứ để làm nhà ở... Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tăng cường huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, vận động anh em chòm xóm bán hoặc tặng đất cho hộ nghèo...
Khó khăn lớn nhất với các tỉnh miền núi là việc huy động nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu cần hỗ trợ làm nhà của hộ nghèo. Các hộ trong diện được hỗ trợ hầu hết đều gặp khó khăn về kinh tế, không có kinh phí đối ứng. Nhiều hộ gia đình cách xa trung tâm, địa hình đi lại phức tạp cho nên việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn dẫn đến chi phí xây dựng tăng cao.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2021 đến hết năm 2023 mới xây dựng được hơn 1.000 căn nhà mới tặng hộ nghèo. Trong khi đó, giai đoạn 2023-2025, dự kiến toàn tỉnh còn hơn 3.000 hộ đang cần hỗ trợ làm nhà mới. Do các nguồn vốn hỗ trợ có mức hỗ trợ khác nhau, cho nên ở các tỉnh miền núi đang xảy ra tình trạng các hộ dân so sánh, lựa chọn và chờ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng: Việc rà soát, lựa chọn các hộ được hỗ trợ làm nhà đã được thực hiện kỹ càng, minh bạch. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo từ giai đoạn năm 2021-2023 chưa đạt như kỳ vọng, vì nguồn lực huy động xã hội hóa còn hạn chế. Trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường kêu gọi, vận động xã hội hóa thêm để tăng thêm nguồn lực. Tỉnh đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh để quy định thống nhất mức hỗ trợ làm nhà giữa hai chương trình mục tiêu quốc gia.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm..., ngày càng có nhiều ngôi nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo ở ba tỉnh được xây dựng và hoàn thành. Qua đó giúp các hộ nghèo hiện thực hóa giấc mơ an cư, tạo thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.